2024-02-05 08:44:50 Số lượt xem 1255
Cho đến nay trong giá trị văn hóa tâm linh của người Việt chưa có lễ tết nào được xếp trên Tết Nguyên đán. Giá trị tinh thần của Tết Nguyên đán là của chung cộng đồng dân tộc, dòng họ, gia đình và mỗi người.
Nói đến Tết xưa người ta không thể không nhắc tới hai câu thơ: 'Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh' - Ảnh: Internet
 
Theo lịch trăng, gắn liền với nền văn minh lúa nước có chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dằng dặc đầy bão giông, máu lửa, cái Tết khởi niên bắt đầu từ buổi sáng thứ nhất của 12 tháng. Riêng tên gọi Tết Nguyên đán cũng đã bao hàm ý nghĩa sự bắt đầu (Nguyên), buổi sớm (Đán).
Sách Tùy thư địa lý chí viết về lễ tết, các phong tục tập quán của người Việt vào giữa thế kỷ 1 sau Công nguyên có đoạn: Năm nào đến ba ngày Nguyên đán, người ta cũng dọn cỗ bàn linh đình cúng tổ tiên, trai gái ăn chay, và dùng hương hoa niệm Phật, rồi rủ nhau chơi đu ném còn, hát múa, kéo co, bên nào được cuộc thì uống rượu, bên nào thua cuộc thì phải chịu uống nước lã… 
Theo dòng thời gian, Tết Nguyên đán ít nhiều có những biến đổi cho phù hợp với trình độ phát triển xã hội, hoàn cảnh đất nước, lối sống con người nhưng ý nghĩa cốt lõi hầu như vẫn được lưu giữ. Đó là mừng năm mới với những hy vọng tốt lành, may mắn sẽ đến với mọi nhà, mọi người. Đó là giữ đạo lý Uống nước nhớ nguồn thông qua tục thờ cúng thần linh, tổ tiên, người thân đã mất trong dịp Tết. Từng lời nói, hành vi trong những ngày đầu năm đều hướng tới sự sạch sẽ, tinh tươm, tốt đẹp. Sự khởi đầu vui tươi lành mạnh trong mấy ngày Tết tạo cảm hứng, niềm tin về một năm may mắn, hanh thông cho nhiều người.
Nói đến Tết xưa người ta không thể không nhắc tới hai câu thơ:
          Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
          Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Phong vị Tết Việt đã hiện rõ trong đó. Từ món dùng để thờ cúng, ăn uống trong dịp đầu xuân (bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành) đến những thứ thuộc về văn hóa (câu đối), tâm linh (cây nêu trừ quỷ), vui chơi (tràng pháo) đều có đủ. Bánh chưng, bánh dày cũng được cổ tích hóa, vừa mang những quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa: Trời tròn đất vuông, vừa phản ánh tâm thức của dân tộc về đạo lý sống: Phải biết yêu thương và tri ân.
Xưa, dù cái ăn, cái mặc còn nhiều thiếu thốn nhưng có vẻ người ta luôn chăm chút cho Tết. Cỗ bàn dâng cúng trời đất, thần linh, tiên tổ đều phải được chuẩn bị nghiêm ngắn, sạch sẽ; nghi thức lễ lạt cũng không thể đại khái, "đâu phải ra đấy", có như vậy thì thần linh, ông bà mới hài lòng khi được con cháu mời về ăn Tết.
Câu đối và tranh dân gian là nét đẹp không thể thiếu trong Tết Việt xưa. Năm hết Tết đến, trong mỗi ngôi nhà thường có các câu đối đỏ và những bức tranh dân gian nhiều màu sắc rực rỡ. Các câu đối hướng tới những điều tốt lành như:
          Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ
          Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường
          (Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ
          Xuân khắp đất trời, phúc khắp nhà);
          Tân niên hạnh phúc bình an tiến
          Xuân nhật vinh hoa phú quý lai
          (Năm mới, hạnh phúc bình an đến
          Ngày xuân, vinh hoa phú quý về)
          Hay, khuyên dạy đạo lý sống tử tế ở đời:
          Niệm tiên tổ, duật tu quyết đức
          Khải hậu nhân, trường phát kỳ tường
          (Nhớ tổ tiên, đẹp điều nhân đức
          Tin con cháu, bền sự lạ hay)…
Tranh Tết cũng phong phú; người ta có thể treo các bộ tứ bình như mai-lan-cúc-trúc tượng trưng cho bốn mùa xuân-hạ-thu-đông hay bốn tố nữ chơi đàn, thổi sáo, gõ phách và ca hát…hoặc các tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ... như Lý ngư vọng nguyệt (Cá chép trông trăng); tranh Mẹ con đàn gàMẹ con đàn lợnHứng dừaĐám cưới chuộtThầy đồ cóc dạy học
Có lẽ, phiên chợ Tết là nơi đông vui, nhộn nhịp nhất của những ngày cuối năm. Người bán kẻ mua xôn xao, nhộn nhịp. Cái sự chen chúc, đa thanh, đa sắc mới đáng nhớ làm sao. Những chao chát ồn ã thường ngày của chợ búa chừng như cũng giảm xuống và thay vào đó là những mời mọc chân chất ấm áp hơn. Xin được nhắc lại bài thơ Chợ Tết rất nổi tiếng của Đoàn Văn Cừ. Bài thơ hội tụ đặc sắc các yếu tố tả-kể, họa-nhạc trong thi ca. Nhờ thế, mà bức tranh "sơn mài thơ" ấy vẫn còn rực rỡ, tưng bừng đến hôm nay:
          Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
          Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc,
          Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
          Vài cụ già chống gậy bước lom khom
          Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ...
Hình như cả làng xã, thôn mạc đã kéo về đây, mỗi người một vẻ, chen vai thích cánh trong phiên chợ cuối năm này. Chợ Tết ấm cúng màu sắc của các sản vật đồng quê:
          Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha
          Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết.
          Con gà sống mào thâm như cục tiết...
Không gian chợ sáng lên những mảnh ghép văn hóa truyền thống mà thiếu nó thì chẳng còn cái Tết Việt nữa:
          Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ,
          Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán
          Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản,
          Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.
          Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm
          Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ...
Còn bao nhiêu điều muốn nói nữa về Tết xưa như tục mừng tuổi, chúc Tết, hái lộc, các trò chơi như đánh đu, kéo co, đánh cờ người… Có lẽ, phải cần một cuốn sách dày dặn hàng trăm trang mới tải đủ chuyện Tết của trăm miền trên đất nước ta.
Tết bây giờ có gì đáng nói? Âm hưởng truyền thống dù được truyền lưu qua các thế hệ nhưng hương vị Tết cổ truyền có lẽ đã vơi phai đi nhiều rồi. Chuyện sắm Tết, ăn Tết, chơi Tết không còn như thời xưa cũ. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tác động sâu sắc vào nếp nghĩ, lối sống của rất nhiều người vốn có gốc gác từ chốn thôn mạc ruộng đồng với hình ảnh quen thuộc con trâu đi trước cái cày theo sau.
Nhịp điệu cuộc sống thời nay gấp gáp, dồn dập khác xa với sự dềnh dàng, chậm rãi của những tháng năm xưa cũ. Người ta không tất bật sắm Tết như thời trước. Chợ truyền thống cùng với hệ thống siêu thị ăm ắp các mặt hàng giúp các bà, các cô nội trợ sắm Tết dễ dàng. Chỉ cần có tiền, một buổi đi chợ hay siêu thị cũng đủ cho các bà, các cô mang được những thứ mình cần về nhà.
Có tiền là có Tết. Càng nhiều tiền Tết càng to. Điều đáng nói nhất là khi sự phân hóa giàu nghèo đã trở nên sâu sắc với khoảng cách xa rộng như hiện nay thì cái Tết của từng nhà rất không giống nhau. Ăn Tết, chơi Tết đều khác nhau. Đôi khi, một cây đào, gốc mai hay những chậu hoa quý bày trong phòng khách nhà này bằng số tiền chi cho vài chục cái Tết của nhà khác.
Giờ đây, chúc Tết qua điện thoại đã trở thành phổ biến. Trong thế giới phẳng, mạng xã hội kết nối rộng rãi trong ngày thường cũng như Tết, tiện lợi và ít tốn kém tiền của nhất. Lời chúc, hoa tươi, quà mừng, rộn ràng, rực rỡ, hào phóng trên mạng xã hội. Rất nhiều trò chơi dân gian cũng như các dòng tranh Tết có nguy cơ bị quên lãng. Người ta có nhiều lựa chọn hiện đại hơn trong chơi Tết. Du lịch là một xu hướng lựa chọn được chú ý trong mấy năm gần đây. Gia đình, người thân cùng nhau đến những miền đất mới trong mấy ngày nghỉ Tết là kiểu vui xuân nhẹ nhàng tuy khá tốn kém.
Một số phong tục đẹp bị biến tướng theo chiều hướng không hay như lì xì (tiền mừng tuổi), hái lộc… Hái lộc biến thành chuyện bẻ cành, xô cây và phong bì lì xì nhiều khi chứa đựng sự vụ lợi, cầu cạnh. Ý nghĩa của việc mừng tuổi bị chi phối bởi mệnh giá đồng tiền. 
Tết cổ truyền nên hướng về sự ấm áp, đoàn tụ, chia sẻ, thương yêu trong gia đình, dòng họ, xã hội. Đừng phô trương, hoang phí trong mấy ngày Tết. Niềm vui trọn vẹn của những ngày đầu năm sẽ lâng lâng theo ta đi suốt mười hai tháng. Dù còn nhiều nhọc nhằn vất vả, ai cũng mang trong mình những kỷ niệm đẹp về Tết. Tết vui tươi mà nhẹ nhàng, thiết nghĩ, ai cũng cần điều đó.
Nguyễn Hữu Quý
Nguồn: https://baochinhphu.vn
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online26
Tất cả3093661