2024-02-19 15:55:32
Số lượt xem 5109
Cuối năm 1959, trong phong trào thi đua toàn dân lập thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi vào Mùa xuân 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị tổ chức “Tết trồng cây” cùng với phong trào thi đua đó.
Ngày 28-11-1959, báo Nhân Dân số 2082 đã đăng bài viết “Tết trồng cây” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Trần Lực. Hơn một tháng sau, ngày 19-1-1960 báo Nhân Dân ra số 2133 lại đăng tiếp bài “Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu” với bút danh T.L. Đó là những bài viết đầu tiên của Người nhằm động viên toàn dân tham gia vào phong trào bảo vệ môi trường sống của con người. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết rất nhiều bài động viên phong trào trồng cây của nhân dân ta. Tuy nhiên, ngay ở hai bài báo đầu tiên chúng ta cũng có thể hiểu tư tưởng của Người về việc con người phải ứng xử có văn hóa với thiên nhiên, để thiên nhiên tiếp tục phục vụ lợi ích cho con người. Một trong những biểu hiện văn hóa ấy là việc trồng cây, bao gồm cả cây hoa, cây ăn quả, cây lấy gỗ.
Ở bài viết đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích lợi ích trước mặt của việc trồng cây. Người viết: “…Mấy lâu nay các xí nghiệp, công trường, cơ quan, trường học, đơn vị bộ đội, hợp tác xã nông nghiệp… đang thi đua sôi nổi để lấy thành tích chúc mừng Đảng 30 tuổi… Bên đợt thi đua ấy, chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều. Ý kiến của chúng tôi tóm tắt thế này: tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài cây và chăm sóc cho tốt. Miền Bắc ta có độ 14 triệu, trong số đó 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ 8 tuổi trở lên đều có thể trồng cây. Mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất) chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà… Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta…”.
Kêu gọi toàn dân tham gia trồng cây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là người thực hiện trước. Ngày 11-1-1960, Người đã đến trồng cây doi tại Công viên Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với nhân dân và cán bộ tham gia lao động, Người căn dặn phải trông nom, chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Thủ đô Hà Nội tự hào là địa phương mở đầu phong trào “Tết trồng cây” trong cả nước.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trồng cây là biểu hiện cụ thể, thiết thực nhất của tấm lòng yêu thiên nhiên. Sinh thời, ở những nơi Người sống và làm việc, bất kỳ trong hoàn cảnh nào, thời chiến hay thời bình, ở nơi đó đất không bao giờ bị bỏ hoang mà luôn có rau xanh, hoa trái bốn mùa tươi tốt. Chúng ta có không ít những hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng rau, chăm sóc nương ngô ở Chiến khu Việt Bắc, Người cuốc đất trồng rau trong vườn Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Người trồng cây ở nhiều địa phương trên đất nước ta.
Cũng ở trong bài viết đầu tiên về “Tết trồng cây”, chúng ta thấy rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là người đi trước thời đại, trong việc con người phải chủ động tác động để điều hòa khí hậu của thiên nhiên. Người nói rằng, chính việc trồng cây cũng sẽ làm cho nước ta “phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn”. Lời nói của Người từ vấn đề bảo vệ môi sinh và môi trường đang là vấn đề không chỉ riêng đối với một quốc gia nào.
Mọi người đều biết thế giới hiện tại đang đứng trước một thảm họa sinh thái do sự phát triển các hệ thống kinh tế theo chiều rộng, do tác động độc hại của các chất thải công nghiệp, do sự khai thác có tính chất hủy diệt các tài nguyên thiên nhiên và do sự thoái hóa về đạo đức của một xã hội tiêu thụ. Chính trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống thiên tai, cuộc chiến đối phó với sự biến đổi của khí hậu hiện nay chúng ta càng thấy giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về sự tác động của con người đối với thiên nhiên. Phong trào trồng cây mà Người phát động từ hơn nửa thế kỷ trước suy cho cùng đó chính là biểu hiện cụ thể tình yêu của con người đối với thiên nhiên, cũng là trách nhiệm của con người đối với nền văn hóa, văn minh của nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng, phát động phong trào và là người tích cực tham gia phong trào trồng cây. Người còn luôn quan tâm theo dõi, động viên, duy trì phong trào đạt hiệu quả thiết thực; đồng thời kịp thời uốn nắn để phong trào trồng cây không “đầu voi đuôi chuột”, không chạy theo hình thức, không chạy theo số lượng. Trong bài viết “Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 19-1-1960, Người đã nêu gương một số địa phương làm tốt việc vận động nhân dân tham gia phong trào, bên cạnh đó Người không quên nhắc nhở phải “xem trọng chất lượng” tức là trồng cây nào ăn chắc cây ấy, không nên tham trồng quá nhiều mà không ra sức bảo vệ và trông nom cây. Trong bài viết này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị phải duy trì phong trào trồng cây cùng với kế hoạch trồng cây rừng của Nhà nước một cách “liên tục, bền bỉ và vững chắc”.
Tết Nguyên Đán Canh Tý 1960 là Tết đầu tiên nhân dân ta hưởng ứng lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là Tết mở đầu một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong mỗi dịp vui Tết đón xuân. Chúng ta đã có các phong trào “Tết trồng cây”, “Tết trồng cây vì miền Nam ruột thịt”, “Tết trồng cây đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, rồi đến ngày nay chúng ra có “Tết trồng cây làm theo lời Bác”, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” là những dấu ấn đậm nét về quyết tâm làm theo lời Bác của nhân dân ta.
Lúc sinh thời, năm nào Bác Hồ cũng tham gia “Tết trồng cây”, Người viết nhiều bài động viên phong trào và Người đã thưởng hàng trăm huy hiệu của Người cho những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào trồng cây nói chung, và “Tết trồng cây” nói riêng. Cây đa Bác Hồ trồng vào mùa xuân cuối cùng của cuộc đời năm 1969 ở đồi Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội và hàng chục cây đa Người đã trồng ở nhiều địa phương trên miền Bắc không chỉ là những kỷ niệm thiêng liêng, mà còn là những dấu ấn sâu sắc về tư tưởng của một Nhà Văn hóa kiệt xuất.
Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân
Câu thơ ấy đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam. Mỗi độ xuân về, nhân dân cả nước lại nô nức cùng nhau đi trồng cây để bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống và để tưởng nhớ về một con người vĩ đại – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
TS Nguyễn Thị Tình – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh
Nguồn: https://tennguoidepnhat.net
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 40 | |
Tất cả | 3176271 |