2018-04-02 15:22:12
Số lượt xem 5887
Đồng chí Lê Duẩn thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân dân
khu vực Vĩnh Linh chiều 30 Tết Quý sửu (2-2-1973)
Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, người học trò lỗi lạc, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân - lý tưởng cao đẹp của Đảng ta.
Rời ghế nhà trường, hoạt động trong phong trào công nhân xe lửa, liên tục bị truy lùng, bắt bớ, đồng chí Lê Duẩn không có dịp theo học các lớp lý luận cách mạng ở Quảng Châu do Bác Hồ tổ chức, nhưng sớm được rèn luyện, thử thách trong lao tù đế quốc. Ở các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo (hai lần), nơi những người cộng sản “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, đồng chí ra sức tự học, làm giàu trí tuệ cho mình bằng kiến thức văn hóa loài người. Lòng yêu nước, thương dân, lại được trải nghiệm qua phong trào công nhân và dày công nghiên cứu lý luận, hiểu đúng bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đó là cái gốc để đồng chí trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện triệt để hoài bão của Người.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám, ở những thời điểm khó khăn, bước ngoặt, đồng chí Lê Duẩn luôn là một người cộng sự đắc lực bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lần thứ nhất, vừa được đón về đất liền từ nhà tù Côn Đảo, đang cùng Xứ ủy Nam Bộ lãnh đạo cuộc chống trả thực dân gây hấn, thì đầu năm 1946, đồng chí được Bác Hồ điều ra Hà Nội, sống và làm việc cạnh Người. Những nhận định của Lê Duẩn về âm mưu của kẻ thù phù hợp với tầm nhìn xa, trông rộng của Bác. Đồng chí được Người giao cùng Tổng Bí thư Trường Chinh cấp tốc mở lớp bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị cho kháng chiến toàn quốc. Lần thứ hai, giữa năm 1952, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, Bác Hồ lại điều đồng chí ra Việt Bắc, tăng thêm trí tuệ cho tập thể Bộ Chính trị. Từ thực tiễn của chiến trường miền nam, đồng chí đóng góp ý kiến với Bộ Chính trị về chủ trương tiến hành cải cách ruộng đất; phương hướng tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954; về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng... Lần thứ ba, năm 1957, sau hai năm đấu tranh hòa bình theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, nhưng miền nam bị dìm trong biển máu, cách mạng “như không có đường ra”, Bác Hồ lại kiên quyết điều đồng chí Lê Duẩn ra Bắc. Từ đó, hơn mười hai năm, Lê Duẩn luôn bên cạnh Bác, cùng tập thể Bộ Chính trị dẫn dắt cuộc cách mạng cả nước; cho đến ngày tiễn biệt Bác trong nỗi đau tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn dân. Ba lần được sống gần Bác là ba lần đồng chí được bổ sung thêm nguồn sáng, có thêm chỗ dựa niềm tin và động lực cho tư duy sáng tạo của mình.
Trong Điếu văn tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: “Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp”. Trải qua gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, ở cả ba miền bắc, trung, nam, giữ nhiều cương vị trọng trách, sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh cách mạng của đồng chí Lê Duẩn đã được chứng minh.
Tháng 10-1936, vừa ra khỏi nhà tù Côn Đảo, đồng chí Lê Duẩn trở về hoạt động ngay ở các tỉnh miền trung. Có thể nói, thời kỳ Mặt trận Dân chủ ở miền trung trong những năm 1936-1939 là thời kỳ đồng chí thể hiện năng lực sáng tạo lớn lao trong việc vận dụng sách lược phù hợp với tình hình thế giới và thực tiễn phong trào trong nước. Đồng chí đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo đấu tranh để phát triển phong trào. Tháng 3-1938, Xứ ủy Trung kỳ chính thức lập lại, đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư Xứ ủy.
Năm 1939, đồng chí Lê Duẩn được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, cũng là lúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Sắc sảo trong nhận định tình hình, sáng suốt trong hành động, đồng chí Lê Duẩn cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ khẩn trương chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, tháng 11-1939, đổi tên Mặt trận Dân chủ thành Mặt trận Phản đế, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, mở ra một cao trào mới - cao trào vận động cách mạng giành chính quyền trong cả nước.
Năm 1946, đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”. Bác Hồ và Trung ương cử đồng chí Lê Duẩn vào lại chiến trường miền nam, thay mặt Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Xa Trung ương, xa Bác Hồ, nhưng bám sát tinh thần “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Bác và nội dung tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Lê Duẩn cùng tập thể Xứ ủy Nam Bộ chỉ đạo sáng tạo tiến hành cuộc kháng chiến, phù hợp với thực tiễn của một chiến trường đầy khó khăn, phức tạp.
Với tư duy sáng tạo, đồng chí Lê Duẩn sớm thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Xứ ủy Nam Bộ đã tiến hành chia ruộng đất của thực dân và tay sai cho nông dân. Đây là thành quả cách mạng to lớn mà nông dân Nam Bộ có được từ ngày theo Đảng, là vốn quý để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nền tảng vật chất và tinh thần để nhân dân tin Đảng, Bác Hồ, bền gan chiến đấu trong suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Đồng chí Lê Duẩn sớm thực hiện “chiêu hiền, đãi sĩ”, tập hợp được đội ngũ trí thức có uy tín lớn, như các luật sư Phạm Ngọc Thuần, Phạm Văn Bạch, Nguyễn Thành Vĩnh, Nguyễn Hữu Thọ, Diệp Ba, Trịnh Đình Thảo, các bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Hưởng, kỹ sư Kha Vạn Cân, các giáo sư Ca Văn Thỉnh, Phạm Thiều, Hoàng Xuân Nhị, nhiều nhà trí thức tiêu biểu như Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Trần Bửu Kiếm, Ung Ngọc Ky, Ngô Tấn Nhơn,... Chính đội ngũ trí thức xuất thân từ tầng lớp trên của xã hội, đã cảm phục tài năng, nhân cách của Lê Duẩn, đặt cho đồng chí biệt danh “ngọn đèn 200 nến” (deux cents bougies. Đội ngũ trí thức này không chỉ cống hiến riêng cho Nam Bộ mà còn cung cấp cho Trung ương, bổ sung đội ngũ trí thức từ Pháp về, theo Bác Hồ lên chiến khu, kháng chiến cứu nước.
Để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, giữa năm 1950, đồng chí Lê Duẩn chủ động gửi ra Trung ương bản góp ý kiến cho văn kiện Đảng, trong đó phân tích sâu sắc tính cách mạng của các giai cấp, sự cố kết giữa giai cấp công nhân và nông dân, từ đó sớm đưa ra khái quát đúng đắn về tính chất của Đảng ta. Tại Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951), mặc dù vắng mặt, đồng chí Lê Duẩn được bầu vào Trung ương, Bộ Chính trị với tín nhiệm rất cao, được phân công tham gia Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Trường Chinh và các đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương.
Sau Hội nghị Giơ-ne-vơ, năm 1954, mặc dù giành được hòa bình cho nửa đất nước, nhưng với sự sáng suốt và tầm nhìn chiến lược, đồng chí Lê Duẩn dự báo không phải hai năm, mà cuộc đấu tranh của nhân dân miền nam sẽ phải lâu dài, vô cùng ác liệt. Chính vì thế, trên đường công tác, khi đi qua Khu V, đồng chí căn dặn: “Phải chôn giấu vũ khí, đưa người và vũ khí lên xây dựng một số căn cứ ở Tây Nguyên, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến đấu mới”. Lo toan trước cuộc đấu tranh gian khổ, đồng chí chủ động xin Bác Hồ được ở lại miền nam, sát cánh cùng đồng chí, đồng bào.
Hai năm 1955-1956, chịu đựng hiểm nguy, vào sinh ra tử, lăn lộn trong dân, chứng kiến hành động dã man, tàn bạo của kẻ thù, đồng chí Lê Duẩn và các cộng sự trong Xứ ủy Nam Bộ xây dựng “Đề cương cách mạng miền Nam”, nội dung cốt lõi: “nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác”.
Năm 1957, trước tình hình phức tạp trên thế giới và trong nước, Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định điều đồng chí Lê Duẩn ra Trung ương, giúp Bác chủ trì công việc Ban Bí thư, hoàn thiện văn kiện Hội nghị 15 của Trung ương theo tinh thần “Đề cương cách mạng miền Nam”; cùng tập thể Bộ Chính trị chuẩn bị văn kiện trình Đại hội III của Đảng với hai chiến lược cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Giương cao ngọn cờ chính nghĩa Việt Nam, ngọn cờ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Đảng ta và đồng chí Lê Duẩn đã độc lập, tự chủ đề ra chủ trương, chính sách, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của toàn phe, của nhân dân thế giới; đoàn kết được cả Liên Xô (trước đây), Trung Quốc chung trận tuyến giúp Việt Nam chống Mỹ, cứu nước. Đó là một tư duy chiến lược rất sáng tạo và là một nghệ thuật đối nội, đối ngoại.
Từ sau “Đề cương cách mạng miền Nam”, Nghị quyết 15, Nghị quyết Đại hội III của Đảng, khắp miền nam đã nổ ra phong trào “Đồng khởi”, vùng lên lật đổ chính quyền tay sai, giành quyền làm chủ; từ đó tiến lên làm phá sản các chiến lược “Chiến tranh đơn phương”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, và giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975.
Có thể nói, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là đỉnh cao chói lọi trong tư duy cách mạng sáng tạo của Đảng ta và đồng chí Lê Duẩn. Trong hoàn cảnh phức tạp của tình hình thế giới, Đảng ta đã độc lập, tự chủ đề ra đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền. Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã kết hợp được sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp, biết đánh và biết thắng kẻ thù; nắm vững chiến lược tiến công, đồng thời biết giành thắng lợi từng bước; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kết hợp tiến công quân sự với khởi nghĩa của quần chúng, giành quyền làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để giành quyền làm chủ; đánh địch bằng ba mũi giáp công, trên ba vùng chiến lược, sử dụng ba thứ quân, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn, mở mặt trận ngoại giao đúng lúc, kết hợp đánh và đàm, nắm vững phương châm đánh lâu dài với tạo thời cơ, mở những cuộc tiến công chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Mặc dù vậy, trong điều hành cuộc chiến tranh, có lúc, có nơi, ta vẫn phạm sai lầm, khuyết điểm. Nhưng, theo quan điểm của đồng chí Lê Duẩn, “cách mạng là sáng tạo, chân lý là cụ thể”. “Lãnh đạo cách mạng, giỏi lắm chỉ có thể phán đoán, dự kiến tình hình được 70-80%, nhưng cứ làm đi, rồi qua thực tiễn mà tiếp tục tìm hiểu, bổ sung thêm”. Đồng chí nhấn mạnh: “Người cách mạng không bao giờ được lãng quên mục đích cuối cùng”.
Vì “mục đích cuối cùng” là giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, mà khi lãnh đạo, điều hành hai chiến lược cách mạng ở hai miền theo Nghị quyết Đại hội III của Đảng, đồng chí Lê Duẩn luôn luôn nhấn mạnh, nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc là nhiệm vụ quyết định nhất, nhưng xây dựng miền bắc trở thành căn cứ địa của cả nước, thành hậu phương lớn là để bảo đảm chi viện cho cách mạng miền nam.
Vì “mục đích cuối cùng”, đồng chí Lê Duẩn ngày đêm trăn trở, suy nghĩ, tính toán, so sánh lực lượng, chọn thời cơ chiến lược, quyết đoán để kết thúc chiến tranh có lợi nhất, ít tốn xương máu nhất; kiên quyết không để diễn lại cục diện như sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, không để các thế lực khác có mưu đồ riêng kịp trở tay. Trong thư gửi các đồng chí Phạm Hùng, Lê Đức Thọ và Văn Tiến Dũng, ngày 1-4-1975, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ “một ngày bằng 20 năm”. Do đó, chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”.
Nhìn lại lịch sử hơn hai mươi năm chống Mỹ, cứu nước, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn, đồng chí Đỗ Mười viết: “Trong mỗi quyết sách chiến lược đối nội cũng như đối ngoại, trong mỗi thắng lợi ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương, trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán, trong giai đoạn mở đầu cũng như trong giai đoạn kết thúc chiến tranh, ở đâu cũng có dấu ấn tư duy độc lập, trí tuệ sáng tạo và nghị lực phi thường của Anh Ba”.
Với tầm nhìn chiến lược và nhạy bén trước thời cơ thắng lợi, sau khi giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, Bộ Chính trị, đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn, đã sáng suốt đề ra mục tiêu đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội. Đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản, chưa có cơ sở vật chất - kỹ thuật đầy đủ, là một sự nghiệp vĩ đại chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, đầy thử thách, gian nan, những bất trắc và phức tạp khó lường,... Trong hơn mười năm, từ 1976 đến 1986, vừa khôi phục và xây dựng đất nước, khi viện trợ không còn, lại bị bao vây, cấm vận, vừa phải đối phó với các thế lực chống đối, vừa phải tiến hành chiến tranh chống xâm lược ở hai đầu Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Cam-pu-chia, là thời kỳ đất nước ta đứng trước nhiều nguy cơ. Nhân dân cả nước lại phải tiếp tục hy sinh xương máu, chịu đựng muôn vàn khó khăn, thử thách, bước đầu giành được những thành tựu quan trọng.
Là người suốt đời gắn bó với vận mệnh dân tộc, luôn trăn trở trước cuộc sống của nhân dân, khó khăn của đất nước, đồng chí Lê Duẩn nhận thức trách nhiệm của mình: Trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa thấy hết khó khăn, phức tạp của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, lường chưa hết những diễn biến bất lợi của tình hình thế giới. Ngay từ Đại hội V của Đảng, tháng 3-1982, trong Báo cáo Chính trị, đồng chí Lê Duẩn đã nghiêm khắc chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm nghiêm trọng; đó là hết sức bảo thủ, trì trệ; chủ quan nóng vội đề ra một số chỉ tiêu quá lớn về quy mô và quá cao về tốc độ xây dựng cơ bản và phát triển sản xuất,... đưa quy mô hợp tác xã nông nghiệp lên quá lớn. Công tác xây dựng Đảng có những mặt trì trệ kéo dài. Đồng chí yêu cầu, “đổi mới chế độ quản lý và kế hoạch hóa hiện hành. Xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính quan liêu, bao cấp,... vừa nắm vững giá trị sử dụng vừa rất coi trọng giá trị và quy luật giá trị. Tháng 5-1986, chưa đầy hai tháng trước ngày từ trần (10-7-1986), trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương Đảng, hội nghị chuẩn bị cho Đại hội VI của Đảng, đồng chí Lê Duẩn thẳng thắn chỉ rõ: “Chúng ta đã phạm nhiều khuyết điểm, sai lầm, có mặt nghiêm trọng,... Phải thấy cho hết sai lầm, khuyết điểm, đánh giá đúng nguyên nhân, cùng nhau bàn bạc, rút ra bài học để sửa chữa,... Cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải đổi mới trong ý nghĩ và việc làm. Đó là sự đổi mới theo phương hướng đường lối của Đảng, để đường lối được thực hiện tốt hơn cho nhân dân và đất nước”. Mặc dù sức khỏe gần như cạn kiệt, nhưng dòng chảy tư duy cách mạng sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn vẫn không ngừng, không nghỉ.
Nét độc đáo trong tư duy sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn là luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đặt ra. Sau khi dân tộc được giải phóng, Tổ quốc được thống nhất, hoài bão lớn nhất của đồng chí là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, mà thực chất là một xã hội nhân dân làm chủ. Đó là một trong những vấn đề cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, khát vọng Hồ Chí Minh. Ngay từ năm 1955, Bác Hồ đã nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ”.
Đồng chí Lê Duẩn đưa ra hệ thống lý luận thực hiện tư tưởng của Bác Hồ về một xã hội dân chủ, công bằng, tự do, ấm no, hạnh phúc, con người được làm chủ trong cộng đồng dân tộc; làm sáng rõ nội dung nhân dân làm chủ và cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Những quan điểm về nhân dân làm chủ, làm chủ của nhân dân lao động được đồng chí Lê Duẩn trình bày đầu tiên trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội III của Đảng, ngày 5-9-1960. Sau Đại hội III, tư tưởng này được phát triển trong các văn kiện, nghị quyết các Đại hội IV, V, VI và các hội nghị Trung ương,... Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội IV của Đảng, về đường lối chung, đồng chí Lê Duẩn nêu: “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng,...” và: “Nắm vững chuyên chính vô sản là nắm vững đường lối của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, xây dựng Nhà nước vững mạnh”. Đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Có thể nói thực chất của chuyên chính vô sản là Đảng lãnh đạo và nhân dân làm chủ, và Đảng lãnh đạo để cho nhân dân làm chủ”. Đồng chí cho rằng, xây dựng chế độ làm chủ tập thể là xây dựng xã hội nước ta thành một xã hội, trong đó, người làm chủ là cộng đồng xã hội có tổ chức, là xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh các quan hệ xã hội thể hiện ngày càng đầy đủ sự làm chủ của nhân dân về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; “làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân” như Ph.Ăng-ghen nói; làm chủ trong phạm vi cả nước, trong mỗi địa phương, mỗi cơ sở; là kết hợp hài hòa sự làm chủ của cộng đồng với quyền tự do của từng cá nhân, “hai cái đó thống nhất với nhau, không hề có mâu thuẫn”. Đồng chí nói: “Cơ chế của chế độ ta là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ... Đảng lãnh đạo, nhưng không làm thay nhân dân và không làm mất quyền làm chủ tập thể của nhân dân… Đảng lãnh đạo thông qua Nhà nước chứ không thay thế Nhà nước. Và chính quyền Nhà nước vừa thể hiện sự lãnh đạo của Đảng vừa thể hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân… Nhân dân còn làm chủ bằng các đoàn thể quần chúng và các tổ chức dân cử khác. Nhân dân làm chủ tập thể được là do có sự lãnh đạo của Đảng. Không có sự lãnh đạo của Đảng, không theo sự lãnh đạo của Đảng, thì không thể có chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa.
Dưới ánh sáng soi đường của tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam, Đảng ta hiểu rõ và trân trọng quan điểm đúng đắn và tư duy cách mạng sáng tạo của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Những cống hiến to lớn về lý luận cách mạng của đồng chí Lê Duẩn, không những là đóng góp quan trọng vào thắng lợi ở những giai đoạn cách mạng đã qua, mà còn giúp chúng ta nghiên cứu sâu hơn chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để sáng tạo hơn nữa, hoàn thiện hơn nữa đường lối cách mạng mà Đảng ta đang dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi tới.
ĐỨC LƯỢNG
Nguồn: nhandan.com.vn
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 46 | |
Tất cả | 3179238 |