2022-08-10 13:59:57 Số lượt xem 671
Sáng nay (9/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Hội nghị được kết nội tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ với điểm cầu các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các huyện, thị xã; phường, xã trong toàn quốc; với tổng số hơn 10.000 điểm cầu từ cấp xã đến Trung ương và hơn 130.700 đại biểu tham dự.
Dự tại điểm cầu thành phố Bắc Ninh có đồng chí Nguyễn Song Hà, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; đồng chí Nguyễn Mạnh Hiếu, Ủy viên BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố và lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn.
Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu thành phố Bắc Ninh
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, kể từ khi Đề án 06 được phê duyệt và Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án 06 đến nay, Tổ công tác của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực với 5 kết quả nổi bật.
Nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số quốc gia, trong đó có việc thực hiện Đề án 06 ngày càng đầy đủ, toàn diện, sâu sắc; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án được tiến hành quyết liệt, thường xuyên, liên tục; Tạo lập những nền tảng, cơ sở quan trọng để thúc đẩy các ứng dụng công dân số, kinh tế số, xã hội số; Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, bảo vệ bí mật cá nhân cũng được quan tâm, chú trọng hơn.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng CSDLQG về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, đã có gần 125 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đã hoàn thành 21/25 dịch vụ công mức độ 3, 4 đúng lộ trình Đề án 06 mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng mong đợi của người dân, điển hình như việc đăng ký dự thi trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh, đạt tỷ lệ 93,1% - tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí cho người dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo
 Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những kết quả rất tích cực trong công tác chuyển đổi số thời gian qua, song chỉ rõ đây mới là kết quả bước đầu, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, nhiều việc phải làm phía trước. Để đạt được các mục tiêu đề ra trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược. “Chúng ta phải xác định đến năm 2025, CSDLQG về dân cư phát triển đến mức nào, phục vụ người dân ra sao, trình độ so với khu vực và thế giới như thế nào?” - Thủ tướng đặt vấn đề và lấy ví dụ, đến đầu năm 2026, CSDLQG về dân cư đang được xây dựng có thể làm nền tảng để tổ chức bầu cử.
Bên cạnh đó Thủ tướng đã chỉ rõ những nhiệm vụ cụ thể, đồng thời yêu cầu, phải khắc phục tư tưởng cục bộ, cát cứ thông tin, “quyền anh, quyền tôi” dẫn đến lừng chừng trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó là tập trung hoàn thiện thể chế; chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã được xác định từ nay đến hết năm 2022; tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các dịch vụ công trên môi trường trực tuyến.
Thủ tướng yêu cầu, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các nền tảng, CSDL nêu trên, nhất là trên các lĩnh vực: thanh toán không dùng tiền mặt; xác thực tài khoản ngân hàng; cho vay tín chấp; tích hợp các thông tin trên thẻ căn cước và tài khoản định danh để thay thế các loại giấy tờ công dân... Trong đó, phải giải quyết sớm dứt điểm một số việc như: Bảo đảm tài khoản điện thoại chính chủ, làm sạch SIM rác; tạo tài khoản an sinh xã hội để phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp thiên tai, bệnh dịch qua tài khoản...
Tại Hội nghị này, Thủ tướng chính thức công bố ứng dụng VneID là ứng dụng công dân số quốc gia. Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có lộ trình để đưa các tiện ích thiết yếu lên ứng dụng này, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân luôn tin tưởng, sử dụng. Thông qua VneID, cho phép người dân cập nhật thêm các thông tin cá nhân lên hệ thống CSDLQG về dân cư như trình độ học vấn, quan hệ họ hàng; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiêm chủng, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng, viễn thông, công chức, viên chức, Đảng viên…
Phấn đấu đến cuối năm 2022, đầu năm 2023 sẽ có khoảng 3-5 triệu người dân sử dụng VneID, với tốc độ tăng ít nhất 5% mỗi tháng; cung cấp 8-10 tiện ích nghiệp vụ ngành Công an như tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng…; cung cấp 8-10 tiện ích cho người dân: như định danh, xác thực người dân, dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, di chuyển nội địa, dịch vụ tiện ích cho nhóm đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, người có công, người dân tộc thiểu số./.
 
Trần Doanh
Trung tâm VHTT&TT thành phố Bắc Ninh
 
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online31
Tất cả3095972