2020-02-25 14:02:15 Số lượt xem 3160
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Học tập và làm theo lời Bác, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa quyết tâm chung sức một lòng, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 
 
Tình quân dân gắn bó mật thiết trên đảo Sinh Tồn
 
Giữ vững chủ quyền biển đảo
Sáng 26-12-2019, sau một hải trình dài từ Quân cảng Cam Ranh ra quần đảo Trường Sa, tàu HQ-561 thả neo tại vùng biển khu vực đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Đoàn công tác chúng tôi rất vinh dự, tự hào và xúc động khi cùng nhau tổ chức Lễ tưởng niệm, tri ân các Anh hùng liệt sỹ hy sinh trên đảo Gạc Ma năm xưa.  Mỗi nén hương trầm, từng con hạc giấy, vòng hoa thả xuống biển khơi như cầu mong cho linh hồn các anh siêu thoát trở về đất mẹ yêu thương.
Trước sóng gió, biển trời mênh mông, Thượng tá Nguyễn Đức Độ, Phó Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân), Trưởng Đoàn công tác cho biết: “Đầu năm 1988, để ngăn chặn ý đồ của nước ngoài đánh chiếm một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa, lực lượng Hải quân tại khu vực đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đã chủ động, bình tĩnh thực hiện nghiêm đối sách kiềm chế, giữ vững hòa bình ổn định trên biển. Bất chấp công lý và lẽ phải, ngày 14-3-1988, thế lực nước ngoài ngang nhiên tấn công bắn chìm 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số hòn đảo của ta. Trong cuộc chiến đấu cam go, 64 cán bộ, chiến sĩ, thủ thủy các tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125; cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 và Trung đoàn Công binh 83 Hải quân… anh dũng hy sinh như: Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Đại úy Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ-604; Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma... Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân”. Hay thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ trước tình thế mất đảo trong gang tấc nhưng anh vẫn bình tĩnh mưu trí chỉ huy con tàu lao lên bãi ngầm đảo Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài bất tử giữ vững chủ quyền biển đảo, khiến cho kẻ thù run sợ, chùn bước. Các anh ra đi trong phí phách sáng ngời niềm tin “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, máu thịt của các anh đã quện chặt mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc. 
 
Thầy giáo Nguyễn Công Qua dìu dắt các em học sinh. 
 
Những ngày cuối năm 2019, biển lặng gió, nhìn từ xa đảo Cô Lin, Len Đao thấp thoáng xanh trong bên những bãi san hô rộng dài thơ mộng. Đảo Cô Lin nằm cách đảo Gạc Ma 1,8 hải lý. Nơi ấy, những người lính Cô Lin ngày đêm canh giữ biển trời, quyết giữ từng hòn đá mồ côi, từng rạn san hô trước những mưu đồ xâm chiếm của kẻ thù. Chỉ tay về phía trước, Thượng úy Lường Văn Hợp, chính trị viên đảo Cô Lin cho biết: “Những năm qua, nhiều lần tàu nước ngoài áp sát, do thám, trinh sát đảo Cô Lin, Len Đao. Với khẩu hiệu “còn người, còn đảo”, cán bộ và chiến sĩ trên đảo Cô Lin phối hợp chặt chẽ với đảo Len Đao và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa kiên quyết, ngăn chặn, đẩy lùi thế lực nước ngoài và tổ chức phòng thủ xung quanh đảo bằng những cọc bê tông vững chắc.
Mỗi hòn đảo chúng tôi đến thăm, mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện với họ đều thể hiện tình yêu biển đảo sâu nặng, tinh thần trung kiên. Dẫn chúng tôi thăm đảo Phan Vinh A, Thượng tá, Chỉ huy trưởng Trần Như Hải cho biết: “Đảo được bao bọc bởi những hàng cây bão táp, phong ba, bàng vuông… Tất cả cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; tăng cường quan sát các mục tiêu nhận dạng, xử lý đúng đối sách. Năm 2019, đảo Phan Vinh A không để lọt mục tiêu hay bị bất ngờ, thường xuyên chỉ đạo ra đa quan sát nắm bắt tình hình bãi cạn Núi Mon”. Để nâng cao nhận thức pháp luật và tính kỷ luật, Ban Chỉ huy đảo Phan Vinh A còn tổ chức Ngày pháp luật (mỗi tháng 1 lần) cho cán bộ, chiến sĩ về Luật Biển Việt Nam và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, giúp họ có lập trường tư tưởng vững vàng, tránh được kẻ địch lợi dụng, khiêu khích và luôn chủ động kiềm chế, khôn khéo trong mọi tình huống. 
Cùng với lực lượng Hải quân, trên đảo Phan Vinh A còn có Trạm ra đa ngày đêm canh giữ vùng trời. Thiếu tá Đặng Huy Hoàng, Trạm Ra đa 44, quê ở xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) cho biết: “Hơn 30 năm công tác, 2 lần ra Trường Sa công tác là niềm vinh dự và tự hào. Ở đây cán bộ, chiến sĩ luôn đoàn kết yêu thương, chia sẻ trách nhiệm, xem đảo là nhà, đồng đội là anh em ruột thịt, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”. Trước khi chia tay đơn vị về đất liền, Thiếu tá Đặng Huy Hoàng còn tranh thủ thời gian chia sẻ kinh nghiệm cho những chiếc sĩ mới nhận nhiệm vụ về cách quan sát mục tiêu trên không tầm thấp, đo báo nhanh và xác minh kịp thời để giúp chỉ huy xử trí tốt các tình huống, không để bị động, bất ngờ, xứng đáng là “mắt thần” canh giữ vững chắc vùng trời của Tổ quốc.  
 Sức sống Trường Sa
Giữa biển khơi hôm nay, quần đảo Trường Sa đang bừng lên sức sống. Những công trình quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh đang ngày càng hoàn thiện. Từ sân bay, âu tàu, trạm thu phát tín hiệu điện thoại qua vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, hệ thống năng lượng mặt trời, tua- bin gió đến chùa, trường học, vườn cây… đem lại một cuộc sống ấm no, vững chắc trên mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc. 
Những ngày đầu năm mới, đến thăm đảo Tiên Nữ, nơi đón ánh bình minh sớm nhất nước ta, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vườn rau đang vươn mình đón ánh nắng mặt trời. Vừa tưới nước cho rau, chiến sĩ Nguyễn Trần Quý chia sẻ: “Ở đây quanh năm bốn bề sóng gió, thời tiết khắc nghiệt nhưng chúng tôi xây dựng giàn lưới che chắn và cải tạo đất bằng mùn đất vi sinh, sơ dừa”. Bữa cơm thân mật với cán bộ, chiến sĩ đảo Tiên Nữ, mọi người trong Đoàn công tác ai cũng tấm tắc ngợi khen: Rau xanh của đảo có hương vị đậm đà, ấm áp nghĩa tình bởi có vị mặn của biển và cả những giọt mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ bất khuất, hiên ngang. 
 
Chiến sĩ đảo Cô Lin chăm sóc rau xanh.

Nơi đảo xa, không chỉ có màu xanh của trời, màu xanh của lá, còn có những vườn hoa đủ màu khoe sắc. Dưới bàn tay khéo léo của người lính, những cây phong ba, bão táp, mù u, nhàu, bàng vuông, tra, phi lao, dừa... cứ vươn mình vượt qua bão tố. Trong số đó, cây bàng vuông được lính đảo ví là “nữ hoàng” của các loài cây trên đảo, thể hiện cho tinh thần quả cảm, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc. Chiến sĩ Lê Ngô Phương Thanh, đảo Phan Vinh A chia sẻ: “Với người lính canh giữ biển đảo, hoa bàng vuông nở báo hiệu mùa xuân đang đến. Mỗi khi ngồi dưới tán cây ngắm nhìn hoa nở vào những đêm trăng, đầy sao lấp lánh, tôi cảm thấy ấm lòng nơi đầu sóng ngọn gió”.
Khi màn đêm buông xuống, quần đảo tiền tiêu lung linh ánh đèn. Dù đảo nổi hay đảo chìm, ở đâu cũng có trụ điện, tua-bin gió và những tấm pin năng lượng mặt trời. Thiếu úy Lê Chí Hiếu, đảo Núi Le B, quê ở xã Châu Phong, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) chia sẻ: “Có nguồn điện ổn định trên đảo, chúng tôi thuận tiện sử dụng tủ cấp đông bảo quản thực phẩm, đảm bảo điện thắp sáng và nâng cao khả năng phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu”. Năm 2019, hệ thống năng lượng xanh toàn huyện Trường Sa cung cấp khoảng 155.000 Kwh điện/tháng. Đây là nguồn năng lượng xanh giúp cán bộ, chiến sĩ vững niềm tin, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo; cho người dân tăng gia sản xuất và cho trẻ thơ cắp sách tới trường. 
Sau 2 lần viết đơn tình nguyện, năm 2017, thầy giáo Nguyễn Công Qua sinh năm 1994 ở Cam Ranh (Khánh Hòa) vinh dự được tuyển chọn ra đảo Sinh Tồn công tác. Dù thời tiết khắc nghiệt, điều kiện giảng dạy thiếu thốn nhưng bằng niềm tin và tình yêu biển đảo, người thầy giáo trẻ lòng tràn đầy nhiệt huyết “gieo chữ” cho thế hệ tương lai. Thầy giáo Nguyễn Công Qua cho biết: “Tuy không trực tiếp cầm súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nhưng với chúng tôi được dạy học ở nơi đảo xa thật ý nghĩa và tự hào. Đáp lại niềm tin của Đảng, tôi không ngừng học tập và mong muốn đem lại nhiều bổ ích cho các em học sinh nơi đây. Ngoài việc truyền đạt những kiến thức văn hóa, chúng tôi còn chú trọng bồi dưỡng truyền thống cách mạng và tình yêu biển đảo, giúp các em sống có lý tưởng, tích cực rèn luyện, trưởng thành”. 
Trong lớp học khang trang, thầy giáo Qua cầm bàn tay rèn cho các em từng vần thơ, nét chữ. Ở đảo Sinh Tồn có 8 em học sinh chia làm 2 lớp học “3 trong 1”. Nghĩa là mầm non, lớp 1, lớp 2 học chung một lớp; còn lớp 3, lớp 4, lớp 5 học chung một lớp. Công việc tuy vất vả, nhưng ai cũng nỗ lực, quyết tâm dạy cho các em bằng tình yêu và khát vọng tuổi trẻ. Khi Đoàn công tác chúng tôi vào thăm lớp học, các em học sinh đứng dậy ngay ngắn chào và cùng nhau hát bài “Quê em ở Trường Sa” của nhạc sĩ Quỳnh Hợp: “Quê em ở Trường Sa/Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/Bốn mùa xanh bao la/Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển…”. Tiếng hát trong trẻo, hồn nhiên hòa nhịp cùng sóng biển dạt dào. Ca từ mộc mạc, giai điệu khỏe khoắn, tươi vui, khiến chúng tôi nghe, ai cũng bồi hồi xúc động. Được Đoàn công tác trao tặng những phần quà, hộp bút chì nhỏ bé, em Lê Hào Nam, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Sinh Tồn phấn khích: “Con sẽ giữ gìn cẩn thận hộp bút này để vẽ phong cảnh thiên nhiên. Ở đó có cây phong ba, bãi san hô, chim hải âu và các chú bộ đội ngày đêm canh giữ biển trời”. 
Lớn lên bên tiếng sóng, gió biển, thế hệ trẻ nơi đảo xa ngày đêm luyện chữ, vẽ tranh, ca hát… Các em gửi ước mơ và tình yêu biển đảo qua những câu chuyện dung dị, những bài hát thân thương nhưng đầy sức sống và niềm tin mãnh liệt ở quần đảo Trường Sa anh dũng, kiên cường.
Ghi chép của Phong Vân
Nguồn: Baobacninh.com.vn
 
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online23
Tất cả2537389