2017-10-31 14:07:03 Số lượt xem 1753
1. Gắn kết thường xuyên, chặt chẽ công tác tuyên giáo với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết từ sớm, từ gốc những vấn đề có thể dẫn đến nảy sinh những vấn đề bức xúc về tư tưởng.
Những bức xúc về tư tưởng bắt nguồn từ những nhận thức, vướng mắc hạn chế trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là trên lĩnh vực về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, chính sách xã hội, triển khai thực hiện các chủ trương mới về phát triển y tế, giáo dục – đào tạo… tác động đến quyền lợi, tư tưởng, tâm lý một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân. Thực tiễn cho thấy những bức xúc của nhân dân dù mức độ phức tạp đến đâu nếu thông tin kịp thời, đúng đắn để nhân dân hiểu đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì sự việc sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa. Ngược lại, sự việc không quá phức tạp, mức độ bức xúc chưa phải là đỉnh điểm, nhưng thông tin không kịp thời, chậm chễ, không định hướng tốt… thì sự việc sẽ trở nên phức tạp không có lợi cho công tác tư tưởng. Do vậy, công tác tuyên giáo không thể đi sau thực tiễn mà phải đi trước để dự báo, định hướng đi trong các sự việc để nắm chắc tình hình, đi sau để giải quyết dứt điểm những vướng mắc về tư tưởng, tâm trạng xã hội và đúc kết kinh nghiệm.
Thời gian tới, cùng với đà phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, người làm công tác tuyên giáo phải ngày càng bám sát, phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chính trị, trở thành một khâu không thể thiếu trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
2. Đổi mới công tác quán triệt, tuyên truyền thực hiện nghị quyết của Đảng theo tinh thần đúng người, đúng việc, nâng cao định hướng đối với hoạt động thực tiễn.
 Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội trước hết bằng Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết và những định hướng chính sách lớn. Để đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những chính sách lớn đến với đời sống nhân dân, đòi hỏi những người làm công tác tuyên giáo phải tư duy, sáng tạo, đổi mới phương pháp thực hiện. Tuy nhiên, công tác quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng cũng còn có những hạn chế. Việc nghiên cứu, học tập nghị quyết còn mang tính dàn trải, chưa chú trọng đến đối tượng, lĩnh vực địa bàn. Các chương trình hành động, kế hoạch triển khai còn mô phỏng nghị quyết, kế hoạch của cấp trên chưa sát với hoàn cảnh, điều kiện, yêu cầu của địa phương. Nguồn lực bố trí, không đảm bảo và chưa dành thời gian thỏa đáng thảo luận, phân tích kĩ những thuận lợi, khó khăn… nên khi thực hiện còn lúng túng, hiệu quả thấp.
Vì vậy, việc tổ chức nghiên cứu, học tập nghị quyết cần được đổi mới theo hướng phân tầng nội dung, phân loại đối tượng phù hợp. Đối với cán bộ chủ chốt có trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo, quản lý những lĩnh vực mà nghị quyết đề cập đến thì nghiên cứu phải kĩ, thấm nhuần đầy đủ, chuẩn xác những định hướng của Trung ương; cán bộ hoạt động ở các lĩnh vực khác cần nắm vững những quan điểm cơ bản; đảng viên chỉ cần hiểu những tinh thần cốt lõi của nghị quyết.
Khi giới thiệu nghị quyết cần coi trọng đồng thời việc định hướng nhận thức và định hướng hành động. Việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hành động được xem là trọng tâm của việc học tập nghị quyết.
 3. Phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng bộ của các lực lượng, các phương pháp, thường xuyên, kiên quyết đấu tranh, làm thất bại những âm mưu và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.
Thực tiễn cho thấy, để giành thắng lợi trên mặt trận đấu tranh về tư tưởng, văn hóa, chúng ta cần đổi mới phương thức tổ chức lực lượng, hình thức, phương pháp đấu tranh. Cần tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh theo 3 phương thức: tuyên truyền miệng – đối thoại trực tiếp – phản bác trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng internet. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa người làm công tác tuyên giáo, nghiên cứu lý luận, an ninh tư tưởng – văn hóa, công nghệ thông tin, bảo vệ chính trị nội bộ và các cơ quan chuyên môn khác dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ của các cấp ủy Đảng.
 4. Quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công tác tuyên giáo.
 Đội ngũ công tác tuyên giáo cần được xây dựng theo hướng chuyên sâu, có cơ cấu hợp lý, có tính ổn định tương đối, bộ máy tính gọn để nâng cao hiệu quả công việc.
 Trong các nhân tố tạo nên chất lượng của cán bộ tuyên giáo, yêu cầu bản lĩnh và bản lĩnh chính trị đặt lên hàng đầu, phẩm chất đạo đức là cái gốc, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực thực tiễn, khả năng nói và viết là yếu tố quan trọng, phải luôn tìm tòi, sáng tạo, nắm bắt, phân tích, dự báo, thông tin kịp thời, chính xác để tham mưu, cần có tinh thần dám nghĩ, dám làm, cầu thị, ham học hỏi mới đáp ứng được yêu cầu.
Nguyễn Thị Hiền
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online25
Tất cả2537746