2023-03-01 10:30:14 Số lượt xem 759
Triển khai cấp Hộ chiếu gắn chíp, quy định quản lý tiền công đức... là các chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 3/2023.
 
Từ 1/3 triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử
Kể từ 1/3/2023, Bộ Công an sẽ triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Hộ chiếu có gắn chíp điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký của người cấp.
Đây là một bước cải tiến mới nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.
Hộ chiếu điện tử không chỉ lưu trữ các thông tin được viết trên giấy như: họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch… mà còn có khả năng lưu trữ các thông tin sinh trắc học của con người như vân tay, mống mắt, khuôn mặt, nhóm máu…
Người được cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử sẽ được phía nước ngoài ưu tiên khi xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh.
Quy định tiền công đức được định kỳ kiểm đếm, ghi chép đầy đủ
Thông tư 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội quy định rõ về tiếp nhận tiền công đức, tài trợ. Theo đó, mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Về tiếp nhận tiền mặt: Cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.
Nhà nước sẽ không quản lý tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Các cơ sở này tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023.
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với chấp hành viên
Theo quy định mới tại Thông tư số 10/2023/TT-BQP có hiệu lực thi hành từ ngày 16/3, các tiêu chuẩn đối với chấp hành viên đã được rút gọn, không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học.
Cụ thể chấp hành viên sơ cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.
Chấp hành viên trung cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự chính theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.
Chấp hành viên cao cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc cử nhân chính trị hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị theo quy định; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự cao cấp theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.
Thu phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường
Thông tư số 07/2023/TT-BTC ngày 2/2/2023 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định.
Theo đó, người nộp phí là các tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở trung ương thực hiện thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường.
Tổ chức thu phí phải nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí thì được trích để lại 70% tổng số tiền phí thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí và nộp 30% tổng số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2023.
Tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động
Theo Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại có hiệu lực từ ngày 1/3/2023, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau:
- Mức 1: 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng);
- Mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng);
- Mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng);
- Mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng).
Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng thì mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc được quy định tại Phụ lục I của Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH và được áp dụng theo thời gian làm việc tương ứng như sau:
- Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng;
- Nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng;
- Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.
Thông tư nêu rõ, việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng.
 
Ban Biên tập
 
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online24
Tất cả3269394