2018-02-22 13:51:51 Số lượt xem 1797
Những ngày này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã và đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nghiên cứu, học tập nghị quyết Trung ương 6 về nội dung: “tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, chúng ta lại khẳng định tư tưởng đạo đức của Người thực sự trở thành nền tảng vững chắc của đời sống xã hội.
Xác định sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và xã hội. Đây là một trong những quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Hội nghị lần thứ 6 khóa XII. Đề cập đến nội dung này, chúng ta lại thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Con người là nhân tố hàng đầu, là nguồn tài nguyên quý báu nhất quyết định sự phát triển của đất nước. Trong đó, sức khỏe là tài sản quý báu của mỗi người, mỗi gia đình và mỗi quốc gia. Sức khỏe của nhân dân là một nhân tố quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, “dân cường thì quốc thịnh”. Vì vậy phải chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho mọi người dân. Quan điểm chăm lo sức khỏe cho mọi người thực sự là thể hiện một quan điểm công bằng trong chăm sóc sức khỏe như tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội. Công bằng xã hội không có nghĩa là không thực hiện sự ưu tiên trong xã hội. Lúc sinh thời, Bác Hồ vẫn thường xuyên nhắc nhở cán bộ của Đảng, Nhà nước, các cán bộ y tế phải quan tâm chăm sóc sức khỏe cho cụ già, cho trẻ em, cho người nghèo…Ngày nay, trong điều kiện của một nền kinh tế thị trường, có sự phân tầng xã hội, tức là trong xã hội có người giàu, có người trung bình, có người nghèo, người đói, có người trong diện chính sách thì rõ ràng chúng ta không thể duy trì một nền y tế bao cấp vì vậy không những nguồn kinh phí không cho phép và hơn thế nữa là không đảm bảo sự công bằng trong xã hội. Nhưng chúng ta phải thực hiện yêu cầu không để các bệnh nhân vì không có tiền mà không được khám bệnh đầy đủ. Theo quan điểm chỉ đạo của tỉnh, thành phố Bắc Ninh, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Hệ thống mạng lưới y tế phải rộng khắp, gần dân; được chỉ đạo thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ tỉnh tới cơ sở, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Nhưng một nội dung mà chúng ta cũng hết sức quan tâm đó là nâng cao sức khỏe nhân dân về cả thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Vì vậy, trước mắt, việc tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi người dân là việc cần làm ngay. Cần quan tâm phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm đối tượng, quan tâm chất lượng nguồn nguyên liệu; triển khai các chương trình bổ sung vi chất cần thiết cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em, người cao tuổi; Thực hiện việc kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc dựa trên quy chuẩn, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng xấu từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu tới sức khỏe; đảm bảo người dân được tiếp cận sử dụng nước sạch; xử lý chất thải; khắc phục ô nhiễm các dòng sông, các cơ sở sản xuất…; vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, lối sống lành mạnh, vệ sinh, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao….Bên cạnh đó, mỗi người dân phải tự rèn luyện nâng cao sức khỏe. Như Bác Hồ đã từng nói đầy thuyết phục: “Vậy nên tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ, ai cũng nên làm và ai cũng làm được” và “Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”
Trở lại với quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, năm 1955, trong thư gửi cán bộ y tế toàn quốc, Bác viết: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào…Vì vậy, cán bộ phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”. Đó là lý do Người khẳng định công việc của những người trong ngành Y tế là một “nhiệm vụ rất vẻ vang”. Và đó cũng là quan điểm chỉ đạo của Đảng: Nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.
Có lẽ trong mọi ngành nghề, thì nghề thầy thuốc là một trong những nghề thể hiện rõ nhất tính nhân đức. Người làm nghề thuốc hơn ai hết phải có tình cảm yêu thương đồng loại, phải coi nỗi đau của đồng loại như nỗi đau của chính mình, từ đó mà phải có tinh thần hết lòng giúp đỡ, phục vụ, chăm sóc người bệnh. Đạo đức của người thầy thuốc trong chế độ mới còn được thể hiện trong mối quan hệ giữa những người đông nghiệp. Có lẽ cũng không có lĩnh vực nào lại có sự đòi hỏi tính cấu kết, cộng đồng chặt chẽ như nghề thầy thuốc: bắt đầu từ khâu khám bệnh đến khâu điều trị, chăm sóc người bệnh, phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Tài năng cũng là một phẩm chất cần thiết của người thầy thuốc. Người thầy thuốc trước hết phải giỏi trong lĩnh vực chuyên môn của mình để phát hiện đúng bệnh và chữa được khỏi bệnh. Đặc biệt trước những bước phát triển của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, người thầy thuốc còn cần phải nỗ lực vươn lên, nắm bắt cho được những thành tựu mới nhất của nền y học tiên tiến trên thế giới, đồng thời vận dụng một cách thích hợp với điều hiện hiện tại của đất nước, con người, kết hợp y học cổ truyền với hiện đại.
Trong bối cảnh mới của đất nước, vấn đề y đức cũng đang được đặt ra như một vấn đề bức xúc. Sự chuyển đổi từ một nền y tế bao cấp sang một nền y tế trong cơ chế thị trường, những tác động tiêu cực của nó ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề giữ gìn đạo đức, phẩm chất của người thầy thuốc. Khi đồng tiền được đặt ra giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Khi người bệnh đến bệnh viện có nhiều phương thức trả tiền trong những điều kiện đời sống của nhưng người thầy thuốc còn nhiều khó khăn ..thì những tác động tiêu cực cũng làm không ít thày thuốc bị xói mòn lương tâm đạo đức; đồng tiền, quà cáp đang làm thay đổi tiêu chí đối xử với bệnh nhân. Nhận rõ tính bức xúc trên đây, trong thời gian qua ngành y tế bằng nhiều biện pháp đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng y đức, với quyết tâm càng ngày càng nâng cao hơn nữa lòng tin của nhân dân đối với ngành y tế. Vấn đề đặt ra tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương là phải tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế; đồng thời có chính sách, đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế, nhất là các chính sách khuyến khích đối với những người có trình độ chuyên môn…
Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Thống nhất nhận thức, quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đưa mục tiêu, chỉ tiêu về y tế vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, cá đoàn thể và của cả cộng đồng; phân công trách nhiệm cụ thể, rõ rừng đối với từng ngành, từng cơ quan, đoàn thể trong thực hiện các mục tiêu, giải pháp; tiếp tục tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mỗi người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
 
Nguyễn Thị Hiền 
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy
 
 
 
 
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online32
Tất cả2577518