2017-10-31 14:04:09 Số lượt xem 2947
Thành phố Bắc Ninh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, cùng với sự gia tăng về dân số đã góp phần làm cho số lượng đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng liên tục tăng về số lượng. Đảng bộ Thành phố Bắc Ninh hiện có 78 chi, đảng bộ trực thuộc (trong đó 03 Đảng bộ xã, 16 Đảng bộ phường với 113 Chi bộ thôn, khu phố). Từ tốc độ thị hóa và phát triển công nghiệp không đồng đều giữa các xã, phường nên họat động lãnh đạo của từng chi bộ thôn, khu phố về cơ bản giống nhau nhưng có những điểm khác nhau để phù hợp với điều kiện cụ thể. Nhiều chi bộ thôn, khu phố đã lãnh đạo và thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, góp phần to lớn trong công cuộc đổi mới, trong sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn. Tuy nhiên, vẫn còn không ít chi bộ thôn, khu phố chưa đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ngang tầm với nhiệm vụ mới. Có nhiều chi bộ thôn, khu phố đạt “trong sạch, vững mạnh” nhưng thực tế chất lượng và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chưa cao.
 Vậy những yếu tố nào ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Chi bộ thôn, khu phố. Bởi những yếu tố này đóng một vai trò quan trọng đối với năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, nó vừa là điều kiện cần và cũng là điều kiện đủ.
Những yếu tố khách quan:
Điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội là yếu tố khách quan có ảnh hưởng mạnh mẽ đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ. Những thôn, khu phố có điều kiện tự nhiên, kinh tế thuận lợi và cơ sở hạ tầng tốt thì rất thuận lợi trong việc tổ chức sinh hoạt, hội họp, việc tiếp nhận, cập nhật thông tin cho đảng viên và quần chúng nhân dân nhanh chóng, dễ dàng. Ngược lại, đối với những thôn, khu phố mà điều kiện kinh tế và đời sống người dân khó khăn thì việc sinh hoạt Đảng, hội họp, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước khó khăn hơn. Do vậy, mỗi chi bộ phải đánh giá đúng thực trạng điều kiện của mình để phát huy thế mạnh, hạn chế, khắc phục khó khăn của thôn, khu phố nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ.
Các thiết chế xã hội truyền thống cũng có ảnh hưởng lớn đến Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, đáng quan tâm nhất là thiết chế cộng đồng làng xã và cộng đồng dòng họ. Mặc dù ở mỗi nơi, mỗi thôn, khu phố có những quy ước khác nhau, thiết chế, truyền thống riêng phù hợp với đời sống cộng đồng dân cư. Song, đặc trưng cơ bản của các thiết chế này là tình thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, bảo vệ nhau, cùng tồn tại và phát triển. Trong các thiết chế này thì vai trò của trưởng họ của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư có vị trí, vai trò rất quan trọng. Bên cạnh những ưu điểm, các thiết chế này còn nhiều tồn tại, hạn chế: tính cục bộ dòng tộc rất cao, ảnh hưởng tiêu cực đến tính quyết đoán của cá nhân đảng viên và lãnh đạo chi bộ, hạn chế trách nhiệm cá nhân, thậm chí còn bè phái gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng và quần chúng nhân dân, làm triệt tiêu sự sáng tạo của cá nhân v .v…
Mỗi thôn, khu phố, mỗi cộng đồng dân cư, mỗi dòng họ trong thôn, khu phố đều có nếp sống riêng, cho nên các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung và chi bộ nói riêng nếu được trưởng họ ủng hộ thì dân tin tưởng hơn và thực hiện tốt hơn. Do vậy, để nâng cao Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu thì yêu cầu đặt ra là các cấp ủy Đảng, chi bộ phải biết sử dụng và phối hợp các đối tượng này với các thiết chế xã hội vào công tác lãnh đạo. Có như vậy, mới nâng cao được Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu chi bộ, đồng thời phát huy những mặt mạnh của các thiết chế xã hội truyền thống trong giữ gìn tính cộng đồng, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng cộng đồng dân cư có đời sống văn hoá.
Chi bộ có chức năng, nhiệm vụ cơ bản là triển khai thực hịên ở cơ sở các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên giao cho. Nhưng một số cấp ủy Đảng còn quan liêu, xa dân, không thường xuyên làm việc với cơ sở nên dẫn đến vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với chi bộ còn yếu kém. Do vậy, trong việc nâng cao Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới thì phải quan tâm tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng. Bởi vì, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng là yếu tố quan trọng nhất trong Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, nơi nào mà cấp ủy Đảng quan tâm đối với chi bộ thì nơi ấy chi bộ có Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao.
Thực tế hiện nay, các Bí thư, Phó Bí thư chi bộ là đảng viên hoạt động không chuyên cho nên các khoản phụ cấp còn thấp so với mặt bằng xã hội. Do vậy, phải nhìn nhận chế độ phụ cấp và đãi ngộ hiện nay là chưa thỏa đáng nên đảng viên dành nhiều thời gian cho việc mưu sinh, không toàn tâm, toàn ý dành thời gian vào công việc. Do vậy, việc xem xét các chế độ phụ cấp và đãi ngộ cho những đối tượng này cũng là một trong những yêu cầu quan trọng trong việc nâng cao Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ.
Những yếu tố chủ quan:
Trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới và trong khu vực, những thách thức từ mặt trái của cơ chế thị trường, nhưng nhìn chung hầu hết Đảng viên luôn vững vàng, kiên định và hăng hái đi đầu trong công cuộc đổi mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh và gần gũi với quần chúng nhân dân. Cơ bản đảng viên có ý thức tổ chức kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, điều lệ Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương.
Bên cạnh những mặt mạnh, vẫn còn một số ít đảng viên thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu còn thấp, đội ngũ đảng viên không đều về trình độ. Đáng lo ngại nhất là tình trạng cơ hội về chính trị, thoái hóa về đạo đức và lối sống, nhất là tình trạng tham nhũng đã trở thành vấn đề dư luận xã hội rất đang quan tâm. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là phải xây dựng đội ngũ đảng viên nói chung và nhất là đảng viên ở thôn, khu phố nói riêng có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hịên chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, công tâm, thạo việc, tận tụy với dân, biết phát huy sức mạnh của dân để đưa các phong trào địa phương đi lên.
Từ những vấn đề trên cho thấy đội ngũ đảng viên có vị trí, vai trò quan trọng trong Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng nói chung và chi bộ thôn, khu phố nói riêng. Do vậy, phải xây dựng một đội ngũ đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên” là nền tảng căn bản để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ thôn, khu phố trên địa bàn thành phố Bắc Ninh.
Nguyễn Thị Hương Giang
Phó Chủ nhiệm UBKT Thành ủy
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online11
Tất cả2599267