2018-06-01 10:46:47 Số lượt xem 3792
Truyền thống hiếu học, khoa bảng và một số danh nhân tiêu biểu của thành phố Bắc Ninh 
phần 2: Một số danh nhân tiêu biểu
 
Dưới đây là một số danh nhân tiêu biểu cho truyền thống hiếu học có nhiều công lao đóng góp cho quê hương, đất nước, trở thành niềm tự hào của thành phố Bắc Ninh nói riêng, tỉnh Bắc Ninh nói chung:
1. NGUYỄN NHÂN BỈ (1448-1517): người xã Kim Đôi, huyện Vũ Ninh (nay là thôn Kim Đôi, xã Kim Chân, thành phố Bắc Ninh); là cha của Nguyễn Dũng Nghĩa, bác của Nguyễn Nhân Huân, Nguyễn Nhân Kính. Năm 19 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận 7 (1466) đời Lê Thánh Tông. Ông từng được cử đi xứ sang nhà Minh và là thành viên hội “Tao Đàn nhị thập bát tú” của vua Lê Thánh Tông. Tác phẩm hiện còn 12 bài thơ trong “Toàn Việt thi lục”. Ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh.
Gia tộc lập đền thờ từ thời Lê, nhưng trải qua trường kỳ lịch sử đã bị hư hỏng nặng. Gần đây con cháu dòng họ đã tu dựng lại. Tại đây còn bảo lưu được nhiều tài liệu hiện vật cổ quý như: gia phả đá, bia ghi việc khuyến học, hoành phi câu đối...đặc biệt là tấm bia gia phả đá do trạng nguyên Lương Thế Vinh soạn khắc vào năm 1484 ghi lại toàn bộ lai lịch dòng họ, công lao nuôi dạy con cái học hành của cha mẹ và sự thành danh của các tiến sỹ.
Đây là dòng họ khoa bảng nổi tiếng cả nước, từng được sử sách lưu danh. Đền thờ họ Nguyễn Kim Đôi được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng theo Quyết định số 100/BVH ngày 21 tháng 01 năm 1989.
2. NGUYỄN XUNG XÁC(1451-?): người xã Kim Đôi, huyện Vũ Ninh (nay là thôn Kim Đôi, xã Kim Chân, thành phố Bắc Ninh). Thủa nhỏ, ông có tên là Nhân Bồng, sau đó đổi tên là Trọng Xác; đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ (tên xếp thứ 3) khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 đời Lê Thánh Tông (1469) khi mới 19 tuổi. Được ngự bút của Vua Lê Thánh Tông đổi tên thành Nguyễn Xung Xác. Năm Quý Mão (1483) Nguyễn Xung Xác được cử làm Hàn lâm thị độc, Chưởng viện sự. Ông từng được cử đi sứ phương Bắc. Sau khi đi sứ về, ông được thăng lên chức Tả Thị lang bộ Lại (cũng có thuyết nói: ông làm quan đến chức Thượng thư và mất ở Quảng Nam trong một lần đi công cán). Nguyễn Xung Xác là thành viên của hội “Tao đàn nhị thập bát tú” của vua Lê Thánh Tông. Tác phẩm còn ghi trong “Toàn Việt thi lục”.
Nguyễn Xung Xác là em ruột của Nguyễn Nhân Bỉ; anh của Nguyễn Nhân Thiếp, Nguyễn Nhân Dư, Nguyễn Nhân Dịch; là cha của Nguyễn Đạo Diễn. Vì 5 anh em, cha con đều làm quan trong triều nên người đời ví nhà ông như Ngũ Quế ở Yên Sơn (Trung Quốc). Vua Lê Thánh Tông từng nói với cận thần rằng: “Kim Đôi gia thế, chu tử mãn triều” (Gia thế làng Kim Đôi, áo đỏ áo tía đầy triều).
3. NGUYỄN NHÂN BỊ:người xã Kim Đôi, huyện Vũ Ninh (nay là thôn Kim Đôi, xã Kim Chân, thành phố Bắc Ninh); là cháu của Nguyễn Nhân Bỉ. Đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ khoa Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức 12 (1481). Ông làm quan đến chức Hàn Lâm viện Kiểm Thảo.
4. CHU HUÂN: người xã Ngọc Đôi, huyện Vũ Ninh (nay là thôn Ngọc Đôi, xã Kim Chân, thành phố Bắc Ninh), xuất thân từ chân Giám Sinh, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân (xếp thứ 22) khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493) đời Vua Lê Thánh Tông. Ông làm quan đến chức Thừa chính sứ và là thành viên của hội “Tao đàn nhị thập bát tú” của vua Lê Thánh Tông. Tác phẩm của ông hiện còn 6 bài thơ chữ Hán được chép trong “Toàn Việt thi lục”.
5. ĐÀM VĂN LỄ (1452-1505): tự là Hoằng Kính, hiệu là Chân Trai, người xã Lãm Sơn, huyện Quế Dương (nay là thôn Sơn Nam, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh), xuất thân từ chân dân hạng. Năm 17 tuổi (1468), ông đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương. Năm 18 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân (xếp thứ 20) khoa Kỷ Sửu niên hiệu Quang Thuận thứ 10 đời Lê Thánh tông (1469). Ông từng được cử đi sứ phương Bắc. Ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, Chưởng Hàn lâm viện sự kiêm Đông các Đại học sĩ. Những năm thuộc niên hiệu Hồng Đức (1470- 1497), ông được tham gia biên soạn sách “Thiên Nam dự hạ tập”. Vào thời Cảnh Thống (1498- 1504), ông cùng Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật nhận di chiếu của vua Lê Hiến Tông để phò Lê Túc Tông lên ngôi. Nhưng sau đó, Lê Uy Mục chiếm được ngai vàng, đem lòng oán giận vì hai người không phò lập mình, bèn giáng hai ông đi Quảng Nam làm Thừa chính sứ. Khi Đàm Văn Lễ đến bến đò An lạc thuộc trấn Nghệ An, Lê Uy Mục cho người đuổi theo, bắt phải tự tử; ông khẩu chiến một bài thơ nôm rồi nhảy xuống sông tự vẫn vào tháng 7 năm 1505. Đến đời Hồng Thuận (1509- 1516), triều đình xét ông vô tội truy phong ông làm Bái Trung lang. Tác phẩm của ông có ghi trong “Hoàng Việt thi văn tuyển”, “Thánh chế việt sử tổng vịnh”, Văn bia Chiêu lăng và 24 bài thơ chữ Hán được chép trong “Toàn Việt thi lục”; “Thiên Nam dư hạ tập”. Đàm Văn Lễ là ông nội của tiến sỹ Đàm Văn Tiết.
6. NGUYỄN NHÂN THIẾP (1442-?): người xã Kim Đôi huyện Vũ Ninh (nay là thôn Kim Đôi, xã Kim Chân, thành phố Bắc Ninh). Nguyên trước đây, ông ở xã Lạc Thổ, huyện Phượng Sơn. Ông đỗ đệ Tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, đệ nhất danh khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 đời Lê Thánh tông (1466), khi mới 25 tuổi và đang giữ chức Tri huyện. Sau đó, ông dự thi và trúng khoa Hoành từ. Ông từng được cử đi sứ sang nhà Minh, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại. Nguyễn Nhân Thiếp là anh, em ruột của Nguyễn Nhân Dư, Nguyễn Nhân Bỉ, Nguyễn Nhân Dịch, Nguyễn Xung Xác, cha cha của Huân Kính, là chú của Đạo Diễn, Củng Thuận, là ông nội của Nguyễn Lượng.
7. NGUYỄN PHÚC XUYÊN(1613- 1696): người xã Đại Vũ (nay thuộc phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh), là một danh y nổi tiếng thời Lê - Trịnh, được phong “Hộ quốc Thiền sư, Thánh tổ Bồ tát”, được người đương thời tôn vinh là “Hoạt Phật” (Phật sống). Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, đền Bồ Tát thiền sư ở thôn Đồng Pháp xã Đại Vũ huyện, Võ Giàng. Đời Lê có người trong thôn, họ Nguyễn tên là Xuyên, khi mới sinh ra có sắc sáng chiếu rực rỡ trong nhà, lớn lên, ứng vào triệu “Thần Kê”, bèn có phép thiêng, nhân dân gần xa, ai có bệnh tật, đến cầu đảo liền được khỏi bệnh. Người ta đều gọi là “Phật sống”. Sau khi mất, thường hiển hiện anh linh. Địa phương lập đền thờ” (1).
8. NGUYỄN CỦNG THUẬN (1472-?): người xã Kim Đôi, huyện Vũ Ninh (nay là thôn Kim Đôi, xã Kim Chân, thành phố Bắc Ninh); năm 25 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (xếp thứ 5) khoa Bính Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 27 đời Lê Thánh tông (1496). Ông làm quan đến chức Tả Thị lang bộ Lại, kiêm Đô Ngự sử đài. Nguyễn Củng Thuận là ông nội Nguyễn Củng Nhượng.

 (1) Đại Nam nhất thống chí", Sđd, tr.107
 
Nguồn: Thành phố Bắc Ninh - vùng đất văn hiến 
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online18
Tất cả3097494