2018-05-30 10:08:25 Số lượt xem 2201
THÀNH ỦY BẮC NINH
BAN TUYÊN GIÁO
*
Số:  298  -CV/TG
V/v định hướng nội dung SHCB và tuyên truyền tháng 6/2018
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
 
        TP. Bắc Ninh, ngày  23 tháng 5 năm 2018
 
 
 
 
 
 
 
 
 
                Kính gửi :  - Đ/c Bí thư  các Đảng bộ trực thuộc;
                                    - Ban Tuyên giáo các Đảng bộ trực thuộc
 
 
Thực hiện chương trình công tác tháng 5 năm 2018 của Thành ủy, UBND thành phố, trên cơ sở nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy định hướng nội dung sinh hoạt chi bộ và công tác tuyên truyền tháng 6/2018 như sau:
1. Nội dung phục vụ sinh hoạt chi bộ:
- Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của chi bộ trong tháng 5, thảo luận phương hướng và triển khai các nhiệm vụ trong tháng 6/2018.
- Tiếp tục thực hiện chỉ thị 05-CT/TW về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chuyên đề năm 2018 “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ đảng viên”. Giám sát việc “làm theo” tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên theo các nội dung đã đăng ký.
- Tiếp tục tuyên truyền và triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị TW6: Nghị quyết 18 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” gắn với thực hiện Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
- Tiếp tục tuyên truyền việc thực hiện chương trình “10 phút góp phần làm sạch Thành phố”.
- Tuyên truyền kết quả Hội nghị Trung ương 7 khóa X và diễn biến kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.
- Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018) và 60 năm 5 lần Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh trong 2 năm 1958, 1959 gắn với kỷ niệm 107 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2018). Làm rõ những nội dung, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong sự nghiệp cách mạng, trong đó nhấn mạnh giá trị trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Biểu dương những điển hình tiên tiến trong thực hiện các phong trào thi đua tại địa phương, đơn vị.
- Tuyên truyền về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nhân “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2018. Chỉ đạo Đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động hè cho thanh thiếu niên đảm bảo vui tươi, an toàn, bổ ích.
- Tuyên truyền về một số điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 theo Thông tư số 04/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục – Đào tạo về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
- Tuyên truyền nâng cao cảnh giác của đảng viên và nhân dân đối với hoạt động của Hội thánh Đức chúa trời và các hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Tuyên truyền công tác vận động quần chúng tránh xa các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các tà đạo. Phân biệt “Hội thánh Đức Chúa trời” với các tổ chức Tin lành có tên gọi tương tự để có biện pháp giải quyết, quản lý theo quy định của pháp luật
- Nắm bắt tình hình dư luận xã hội, định hướng tư tưởng theo quan điểm, chủ trương của Đảng đồng thời triển khai các nhiệm vụ cụ thể của địa phương, đơn vị.
2. Sinh hoạt chuyên đề tháng 6/2018: Tuyên truyền về công tác phòng chống thiên tai.
(Có đề cương chi tiết kèm theo)
Đề nghị Thường trực Đảng ủy các xã, phường phổ biến nội dung sinh hoạt chuyên đề đối với các chi bộ trực thuộc gắn với các nhiệm vụ tại địa phương, đơn vị.
 Ban Tuyên giáo Đảng ủy sao gửi công văn này đến các chi bộ cơ sở để cùng với cuốn Thông tin sinh hoạt chi bộ, cuốn Bản tin Thành phố Bắc Ninh, các nội dung trong Website Thanhuy.bacninh.gov.vn, tổng hợp thành các nội dung phục vụ công tác sinh hoạt chi bộ.
Đề nghị các đồng chí quan tâm, thực hiện để đảm bảo chất lượng sinh hoạt chi bộ ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
 
Nơi nhận:
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (B/c);
- TT Thành ủy, HĐND, UBND TP (B/c);
- Các Ban XDĐ;
- MTTQ và các đoàn thể TP (P/h)
- Như kính gửi;
- Lưu.
 TRƯỞNG BAN
 
 
Đã ký
 
 
Nguyễn Mạnh Hiếu
 
 
 
 
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
 
 
Những năm gần đây, thiên tai trên thế giới và khu vực diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, là một trong những mối lo lớn nhất của nhân loại. Ở nước ta, thiên tai diễn ra nghiêm trọng có các yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo với những thiệt hại nặng nề chưa từng có.
A. TÌNH HÌNH THIÊN TAI
1. Thế giới và khu vực
Các trận thiên tai lớn những năm gần đây đã gây thảm họa cho nhiều quốc gia như: động đất, sóng thần tại Nhật Bản tháng 3/2011 làm chết và mất tích 18.500 người, thiệt hại về kinh tế khoảng 300 tỷ USD; siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippin tháng 11/2013 làm chết và mất tích 7.800 người, thiệt hại kinh tế trên 820 triệu USD; lũ lụt tại Thái Lan vào tháng 10/2011 làm chết 747 người, thiệt hại kinh tế 45 tỷ USD. Năm 2017, 02 siêu bão đổ bộ vào nước Mỹ và gây ra mưa lớn kỷ lục với trên 34 tỷ m3, làm chết và mất tích trên 100 người, tổng thiệt hại năm 2017 của nước Mỹ là 306 tỷ USD. Động đất mạnh ở Mexico ngày 19/9/2017 làm hơn 200 người chết, mưa lũ cuối tháng 8 tại ba quốc gia Nam Á: Ấn Độ, Nêpan, Bangladdesh làm 1.200 người chết, 41 triệu người bị ảnh hưởng…
2. Việt Nam
Trong 20 năm vừa qua, các khu vực trên cả nước ta đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động đến môi trường sống, hoạt động sản xuất kinh doanh. ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước (trung bình mỗi năm thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP). Tình hình thiên tai có những diễn biến bất thường, trái quy luật, ngày càng nghiêm trọng hơn cả về cường độ và tần suất. Thiên tai xảy ra nhiều hơn ở các vùng, miền trước đây ít xảy ra. Rủi ro thiên tai một số vùng tăng do phát triển kinh tế nhanh, quy mô lớn nhưng cơ sở hạ tầng thiếu bền vững.
- Tháng 10 năm 1985, cơn bão Cecil vào Bình Trị Thiên gây nước dâng cao 4m làm 901 người chết, gần 69.000 ngôi nhà bị đổ; cơn bão Linda gió cấp 10 đổ bộ vào Cà Mau tháng 11/1997 làm gần 3.000 người chết và mất tích, trên 3.000 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng; cơn bão số 7 năm 2005 gió cấp 12 đổ bộ vào các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ gây vỡ hàng loạt các tuyến đê biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa; cơn bão Chanchu tháng 5/2006 gió cấp 12 làm 268 người chết và mất tích; cơn bão Sơn Tinh tháng 10/2012 gió cấp 14 làm 10 người chết, mất tích, hơn 60.800 ngôi nhà bị đổ, hư hại và 381 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng.
Năm 2016, có 10 cơn bão và 07 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có 05 cơn bão và 02 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp và gây thiệt hại đến nước ta, làm 3.434 nhà bị sập, cuốn trôi, 87.000 ngôi nhà bị tốc mãi, hư hỏng, gần 3000 nhà bị ngập nước… Tổng thiệt hại kinh tế là 11.628 tỷ đồng.
Năm 2017 là năm có số lượng bão kỷ lục (16 cơn bão và 04 áp thấp nhiệt đới) xuất hiện và hoạt động trên Biển Đông, trong đó bão số 10, số 12 đổ bộ vào khu vực Bắc và Nam Trung Bộ và cơn bão số 16 đi qua quần đảo Trường Sa với với sức gió trên 11-12 giật cấp 13-15 (rủi ro thiên tai cấp độ 4). Thiệt hại bão số 10 làm 06 người chết, 3200 nhà bị sập, đổ, gần 200.000 nhà bị hư hỏng, tốc mái, nước dâng sông lớn gây hư hỏng nặng các tuyến đê biển từ Hải Phòng đến Thừa Thiên - Huế… về kinh tế khoảng 18.402 tỷ đồng. Thiệt hại bão số 12 làm 123 người chết và mất tích, 3.350 nhà bị sập đổ, gần 300.000 nhà bị hư hỏng, 73.744 lồng, bè nuôi trồng thủy sản … về kinh tế khoảng 22.679 tỷ đồng.
- Trận lũ lịch sử năm 1999 trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung làm 900 người chết, mất tích, gây mất mùa và để lại hậu quả nặng nề. Trận lũ lớn năm 2000 tương đương mức lũ lịch sử tại đồng bằng sông Cửu Long làm 565 người chết, hơn 263.000 ha lúa bị hư hỏng. Trận lũ lịch sử tại Quảng Ninh và các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2015 làm 42 người chết và mất tích, gây thiệt hại nghiêm trọng ở khu vực hầm lò khai thác than. 05 trận lũ lớn liên tiếp cuối năm 2016 tại khu vực miền Trung gây ngập úng kéo dài 02 tháng làm 129 người chết, mất tích. Năm 2017 là năm có tổng lượng mưa lớn trên diện rộng, nhiều nơi mưa lớn hơn trung bình nhiều năm từ khoảng 20 đến 40%.
- Gần 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra trên 300 trận lũ quét, sạt lở đất với quy mô và phạm vi ngày càng lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Năm 2017, lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, làm 71 người chết và mất tích, 4.109 ngôi nhà bị sập, bị cuốn trôi. Hiện nay vẫn còn 13.246 hộ sinh sống tại những nơi không bảo đảm an toàn có nguy cơ cao ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất.
- Sạt lở bờ sông, bờ biển đang có diễn biến ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp tực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại các khu vực ven sông, ven biển, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long và dải ven biển một số tỉnh miền Trung là những nơi tập trung dân cư đông, có nhiều hoạt động kinh tế - xã hội đang có tốc độ phát triển nhanh.
- Hạn hán và xâm nhập mạnh những năm gần đây diễn ra ngày càng phức tạp cả về phạm vi và cường độ, đặc biệt là đợt hạn hán lịch sử diễn ra từ nửa cuối năm 2014 đến giữa năm 2016 trên diện rộng tại 18 tỉnh, thành phố Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đặc biệt đồng bằng sông Cửu Long đã gây tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái trong khu vực, nhất là về sản xuất nông nghiệp, đã có trên 2 triệu người bị ảnh hưởng, 500.000 hộ dân thiếu nước sạch, 280.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, thiệt hại kinh tế lên đến 15.700 tỷ đồng.
II. CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
1. Một số kết quả
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống thiên tai đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu lực quản lý và chỉ đạo điều hành hoạt động phòng, chống thiên tai.
- Tổ chức bộ máy được kiện toàn
- Cơ sở hạ tầng cho phòng, chống thiên tai được đầu tư
- Công tác chỉ đạo, tham mưu ứng phó và khắc phục hậu quả được quan tâm thích đáng và ngày càng có chất lượng
- Ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế ngày càng được tăng cường và tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm.
2. Một số tồn tại, hạn chế
- Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, năng lực ứng phó của lực lượng phòng, chống thiên tai với một số tình huống thiên tai còn bất cập, lúng túng; huy động lực lượng đông đảo nhưng hiệu quả thấp, một số trường hợp còn dẫn đến sự lãng phí; nhận thức và kỹ năng tự ứng phó với thiên tai của nhiều cấp chính quyền và người dân chưa đạt yêu cầu.
- Nguồn lực cho phòng, chống thiên tai còn hạn chế, chưa có đầu mối để theo dõi, điều phối tổng thể; chưa có chính sách tài chính bền vững trước thiên tai, chưa huy động được nhiều doanh nghiệp, cộng đồng xã hội tham gia đầu tư hoặc cung cấp dịch vụ phòng, chống thiên tai.
- Trình tự thủ tục trong một số hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả, tiếp nhận viện trợ còn theo thủ tục thông thường nên không đáp ứng được nhu cầu, kéo dài thời gian phục hồi, tái thiết hoặc gây gia tăng thiệt hại, giảm hiệu quả đầu tư, không phù hợp với thực tiễn.
- Ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế trong dự báo, theo dõi, giám sát, phân tích tính toán, cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành với những tình huống thiên tai lớn, phạm vi rộng hoặc cục bộ như đối phó với bão mạnh, siêu bão, lũ lớn tại các khu vực sông liên tỉnh, lũ quét sạt lở đất; thiếu trang thiết bị chuyên dùng để kịp thời phát hiện, ứng phó có hiệu quả, hạn chế thiệt hại.
- Sự tham gia phối hợp của một số cơ quan chuyên ngành, địa phương, thành viên ban chỉ đạo, thực thi, giám sát thi hành Luật phòng, chống thiên tai còn nhiều hạn chế; nhiều công trình, dự án làm gia tăng rủi ro thiên tai do không lồng ghép hoặc chưa quan tâm đến nội dung phòng, chống thiên tai.
3. Nguyên nhân
- Khách quan: Do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, thiên tai có diễn biến bất thường, cực đoan hơn về cường độ, thời gian, địa điểm xuất hiện và trái quy luật; nhiều nơi có mưa cục bộ cường độ lớn, mưa trái mùa, bão đổ bộ vào những nơi từ trước đến nay ít xuất hiện, dông lốc thường xuyên xảy ra gây thiệt hại cho hầu hết các khu vực trên cả nước. Dân số tăng nhanh, quy mô xã hội, nền kinh tế ngày càng lớn, các hoạt động có nguy cơ rủi ro thiên tai ngày càng gia tăng nhanh chóng. Nhiều hoạt động sử dụng nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mekong, sông Hồng thiếu bền vững, làm gia tăng thiên tai cho các nước hạ nguồn, trong đó có Việt Nam, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long.
- Chủ quan: Một bộ phận chính quyền, người dân nhận thức về công tác phòng, chống thiên tai còn hạn chế nên chưa thực sự quan tâm đúng mức đến tổ chức bộ máy, lực lượng, cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống thiên tai, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo hướng dẫn nâng cao nhận thức của cộng đồng … nên lúng túng khi có tình huống thiên tai xảy ra. Tình trạng dân làm nhà ở sát sông, kênh rạch, ven sông, suối, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt ở đất ngày càng gia tăng; nhiều công trình cơ sở hạ tầng đã và đang làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai. Quản lý ruộng đất, quy hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ ở một số địa phương chưa chú trọng đến lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai.
Tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai còn bất cập, cần được chuyển biến mạnh mẽ để thực sự có hiệu lực, hiệu quả cao trong việc chỉ đạo các bộ, ngành, các vùng, miền, địa phương. Một số văn bản quy phạm pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp thực tiễn; thiếu chính sách bền vững trước thiên tai. Nhân lực còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, chủ yếu làm kiêm nhiệm nhất là ở cấp huyện, cấp xã; cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu, chưa đồng bộ, có khoảng cách rất lớn so với các nước trong khu vực. Tài chính còn chưa có dòng ngân sách riêng cho công tác phòng, chống thiên tai; chưa có quỹ phòng, chống thiên tai cấp quốc gia nên việc huy động nguồn lực và điều phối nhiệm vụ phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Việc xã hội hóa, khuyến khích tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ, xây dựng công trình phòng chống thiên tai đã và đang được triển khai nhưng kết quả chưa cao.
Hợp tác quốc tế với các nước sông Mêkông, sông Hồng trong sử dụng, chia sẻ thông tin về nguồn nước, điều tiết dòng chảy, xả lũ và việc phối hợp quản lý ngư trường, tạo điều kiện tránh trú cho tàu thuyền khi xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới còn nhiều bất cập. Khoa học, công nghệ về phòng, chống thiên tai so với các nước trong khu vực còn lạc hậu. Tình trạng vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai chưa được ngăn chặn triệt để, thiếu chế tài xử phạt nghiêm minh, nhất là trong lĩnh vực khai thác cát và vi phạm đê điều. Việc lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa được quan tâm đến gia tăng nguy cơ rủi ro.
III. ĐỊNH HƯỚNG TUYÊN TRUYỀN
1. Một số nội dung tuyên truyền trọng tâm
a. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng; điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai
- Quan điểm của Đảng về phòng chống thiên tai thể hiện trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI, XII của Đảng; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020; các nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn … với tinh thần chủ đạo như văn kiện Đại hội XII đã nêu: “Khai thác, sử dụng và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”.
- Tại Hội nghị toàn quốc phòng, chống thiên tai ngày 29/3/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quán triệt quan điểm về việc xây dựng một xã hội “an toàn trước thiên tai”, trong đó nêu rõ: Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Phòng chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lý rủi ro, lấy phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Thực hiện các giải pháp quản lý tổng hợp, đồng bộ theo hệ thống, lưu vực, liên vùng, liên ngành, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ kết hợp với kế thừa những kinh nghiệm truyền thống. Nội dung phòng, chống thiên tai phải được đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, của các ngành; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phòng chống thiên tai theo hình thức đối tác công-tư bằng các cơ chế, chính sách phù hợp. Phải kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, kết hợp giữa khôi phục và nâng cấp sau thiên tai với yêu cầu xây dựng lại tốt hơn. Đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai phải kết hợp đa mục tiêu. Phải có tổ chức bộ máy, thể chế tốt hơn nữa cho công tác phòng chống thiên tai. Nâng cao năng năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai. Hoàn thiện chính sách về tài chính để hỗ trợ cho công tác này, thúc đẩy xã hội hóa, tạo điều kiện cho hợp tác công-tư. Truyền thông về phòng chống thiên tai phải được ưu tiên hàng đầu vì liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam…
b. Kết quả thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống thiên tai; các nội dung trong chiến lược, chương trình hành động, chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống thiên tai của Quốc hội, Chính phủ.
Những năm qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một số luật, pháp lệnh liên quan đến phòng, chống thiên tai bao gồm: Luật Tài nguyên nước năm 1998, Luật Đê điều năm 2006; Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão năm 1993 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão năm 2000, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi năm 2001. Luật Phòng chống thiên tai 2013, Luật Khí tượng Thủy văn 2015 và nhiều các bộ luật liên quan khác….
Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định hướng dẫn thi hành, trong đó có: Nghị định số 08/2006/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng chống lụt bão sửa đổi, bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000; Nghị định số 50/NĐ-CP quy định về quy chế thành lập và hoạt động của quỹ phòng chống lụt bão của địa phương; Nghị định số 14/2000/NĐ-CP quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của các bộ, ngành và địa phương (thay thế cho Nghị định số 168/1990/NĐ-HĐBT); Nghị định số 04/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão; Nghị định số 113/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều…
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các chương trình thực hiện nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Chính phủ, quyết định về quy chế, cơ chế, chính sách về công tác phòng, chống thiên tai, như Chương trình thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 (ban hành theo Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16/11/2007) và các văn bản hoàn bổ sung tiếp theo…
Việt Nam tham gia như Nghị định thư Kyoto và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Khung hành động Hyogo về giảm nhẹ thiên tai, Hiệp định ASEAN về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp (AADMER)…
Hệ thống pháp luật trên đã hỗ trợ đắc lực trong triển khai các nhiệm vụ quan trọng của công tác phòng chống thiên tai.
c. Nhiệm vụ, giải pháp công tác phòng, chống thiên tai
* Một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới: 1) Kiện toàn tổ chức, phân công cụ thể ban chỉ đạo, ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp. 2) Xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia và cấp tỉnh, huyện, xã. 3) Kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Quy hoạch, Luật Khí tượng Thủy văn và các văn bản bổ sung. 4) Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn công trình an toàn trước thiên tai, nghị định giám sát an toàn thiên tai; điều chỉnh, bổ sung các quy định về khắc phục tái thiết và tiếp nhận, phân bổ cứu trợ sau thiên tai. 5) Xây dựng chính sách xã hội hóa công tác phòng, chống thiên tai, trong đó tập trung vào khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp tham gia công tác phòng chống thiên tai, cung cấp dịch vụ công, bảo hiểm rủi ro thiên tai, nghiên cứu khoa học, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai. 6) Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai. 7) Xây dựng Trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai quốc gia đảm bảo đáp ứng nhu cầu theo dõi, giám sát hoạt động xã hội, cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, tình hình diễn biến thiên tai để tham mưu nhanh chóng, kịp thời, chính xác và hiệu quả. 8) Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho văn phòng thường trực các cấp; bảo đảm kết nối trực tuyến từ cơ quan phòng, chống thiên tai Trung ương đến các tỉnh và công trình phòng, chống thiên tai quốc gia để chỉ đạo điều hành hiệu quả. 9) Hoàn thành xử lý cấp bách sự cố công trình đê điều, hồ đập, sơ tán dân khẩn cấp bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất năm 2017. 10) Xây dựng chương trình tổng thể phòng chống thiên tai các khu vực. 11) Huy động sự tham gia cả khu vực tư nhân trong phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh các hoạt động công trong phòng chống thiên tai. 12) Đẩy mạnh thành lập và hoạt động quỹ phòng, chống thiên tai. 13) Tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo truyền tin thiên tai. 14) Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao năng lực cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng để tự ứng phó trong các tình huống, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra. 15) Tăng cường hợp tác quốc tế và áp dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai.
* Một số nhiệm vụ lâu dài: 1Nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân trong việc chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai. 2) Giảm thiên tai về người, cơ sở hạ tầng khu vực miền núi do lũ, lũ quét, sạt lở đất. 3) Nâng cao năng lực ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn vùng hạ du ở các lưu vực sông, nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng và ven biển miền Trung. 4) Tăng cường năng lực ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện trên biển, ven biển và trên đất liền. 5) Hạn chế sạt lở bờ sông, bờ biển, trọng tâm là ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. 6) Giảm nhẹ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu.7) Nâng cao mức bảo đảm, khả năng chống chịu của hệ thống công trình phòng chống thiên tai (đê điều, hồ đập, khu tránh trú bão…) tại các vùng miền, khu vực.
2. Một số lưu ý trong thông tin, tuyên truyền tình hình thiên tai, công tác cứu trợ, an sinh xã hội
- Tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng kết hợp với truyền thông cơ sở kịp thời chuyển tải thông tin tới từng người dân để họ chủ động chuẩn bị, phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
- Phối hợp chặt chẽ các cơ quan thông tin truyền thông trong việc đưa tin kịp thời về các hoạt động ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng.
- Chú ý đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo ứng phó thiên tai và cứu hộ, cứu nạn, thể hiện ở việc hàng năm phải kiểm tra, rà soát, điều chính, bổ sung các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng theo từng phương án hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân trong hợp tác với chính quyền trước yêu cầu ứng phó thiên tai.
- Phản ánh những vấn đề cần được nghiên cứu, bổ sung như quy chế phối hợp điều hành các lực lượng cùng tham gia ứng phó thiên tai; quy định về việc thành lập và cơ chế, chính sách, phương thức sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai; điều chỉnh quy trình hỗ trợ ứng cứu và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra, đặc biệt ở một số nội dung cần xử lý ngay như hỗ trợ lương thực, thực phẩm, hóa chất tiêu độc khử trung, xử lý môi trường sau bão, lũ, hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất …
Ban Tuyên giáo Trung ương
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online28
Tất cả3190250