2018-01-29 10:00:56
Số lượt xem 2146
THÀNH ỦY BẮC NINH
BAN TUYÊN GIÁO
*
Số: 262 -CV/TG
V/v định hướng nội dung SHCB và tuyên truyền
tháng 02/2018
|
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
TP. Bắc Ninh, ngày 29 tháng 01 năm 2018
|
Kính gửi : - Đ/c Bí thư các Đảng bộ trực thuộc;
- Ban Tuyên giáo các Đảng bộ trực thuộc
Thực hiện chương trình công tác tháng 1 năm 2018 của Thành ủy, UBND thành phố, trên cơ sở nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy định hướng nội dung sinh hoạt chi bộ và công tác tuyên truyền tháng 02/2018 như sau:
1. Nội dung phục vụ sinh hoạt chi bộ:
- Tuyên truyền các kết quả thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, phương hướng nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện năm 2018.
- Tiếp tục tuyên truyền các nghị quyết, kết luận của Hội nghị TW6 của Đảng như: Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” ...
- Triển khai các văn bản chỉ đạo đón tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 của Trung ương, của Tỉnh và Thành phố để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, thực hiện, tạo không khí phấn khởi thi đua và quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ chính trị năm 2018.
- Triển khai chỉ thị 05-CT/TW về “Học tập và làm theo tư tưởn, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chuyên đề năm 2018 “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ đảng viên”.
- Tổ chức các hoạt động mít tinh, kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2018).
- Các chi bộ nông thôn chỉ đạo triển khai công tác sản xuất vụ xuân năm 2018, đảm bảo gieo cấy hết diện tích, đúng thời vụ.
- Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 20, Nghị quyết 191 của HĐND Tỉnh Bắc ninh về thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đặc biệt chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống cháy nổ, cấm đốt pháo trong dịp Tết Nguyên đán 2018.
- Tuyên truyền về Đại hội TDTT Thành phố Bắc Ninh năm 2018 và sự kiện Thành phố Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bắc Ninh.
- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện chương trình “10 phút góp phần làm sạch Thành phố”.
- Tuyên truyền về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với các địa phương có nghề truyền thống sản xuất, chế biến thực phẩm.
- Tuyên truyền kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 theo đề cương hướng dẫn do Ban Tuyên giáo Thành ủy sao gửi.
- Nắm bắt tình hình dư luận xã hội, định hướng tư tưởng theo quan điểm, chủ trương của Đảng đồng thời triển khai các nhiệm vụ cụ thể của địa phương, đơn vị.
2. Sinh hoạt chuyên đề tháng 02/2018: Một số vấn đề chung về phong cách và phong cách Hồ Chí Minh:
(Có nội dung chi tiết kèm theo)
Đề nghị Thường trực Đảng ủy các xã, phường phổ biến nội dung sinh hoạt chuyên đề đối với các chi bộ trực thuộc gắn với các nhiệm vụ tại địa phương, đơn vị.
Ban Tuyên giáo Đảng ủy sao gửi công văn này đến các chi bộ cơ sở để cùng với cuốn Thông tin sinh hoạt chi bộ, cuốn Bản tin Thành phố Bắc Ninh, các nội dung trong Website Thanhuy.bacninh.gov.vn, tổng hợp thành các nội dung phục vụ công tác sinh hoạt chi bộ.
Đề nghị các đồng chí quan tâm, thực hiện để đảm bảo chất lượng sinh hoạt chi bộ ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Nơi nhận:
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (B/c);
- Thường trực Thành ủy (B/c);
- TT HĐND, lãnh đạo UBND TP (B/c);
- Các Ban XDĐ;
- MTTQ và các đoàn thể TP (P/h)
- Như kính gửi;
- Lưu.
|
TRƯỞNG BAN
Đã ký
Nguyễn Mạnh Hiếu
|
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
1. Khái niệm phong cách
Phong cách là một khái niệm có hàm nghĩa rộng, hẹp khác nhau.
- Theo nghĩa hẹp, phong cách là những lề lối, cung cách, cách thức hành xử của một người hay một lớp người, được thể hiện nhất quán trong lao động, học tập, sinh hoạt, … tạo nên cái riêng của họ, phân biệt họ với những người khác. Phong cách hình thành trên cơ sở những yếu tố về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tài năng, sở trường, khí chất… Phong cách chịu ảnh hưởng của nghề nghiệp, tạo nên những thói quen của mỗi người. Có phong cách nhà giáo, phong cách nghệ sĩ, phong cách quân nhân, phong cách lãnh đạo…
- Theo nghĩa rộng, phong cách là người, là những đặc trưng riêng có của mỗi người, phản ánh những phẩm chất và năng lực của họ, thể hiện những đặc điểm bản chất của họ qua các quan hệ với tự nhiên, xã hội và với bản thân mình. Do vậy, phong cách là sự thể hiện của lẽ sống, lối sống, là phương thức để thực hiện mục đích sống của mỗi người.
- Biểu hiện chung của phong cách đối với tất cả mọi người là phong cách sống. Thông thường phong cách sống tương ứng với trình độ học vấn. Nhưng trên thực tế, cũng có không ít nghịch lý, người có trình độ học vấn cao, nhưng trong cuộc sống lại có những biểu hiện tồi tệ đến kinh ngạc. Điều đó cho thấy, phong cách sống của con người không chỉ phụ thuộc vào trình độ hiểu biết mà còn chịu ảnh hưởng của ý thức đạo đức, thái độ và sự rèn luyện của cá nhân. Muốn có một phẩm chất cao đẹp đòi hỏi con người phải phấn đấu, rèn luyện một cách toàn diện và suốt đời.
- Phong cách lãnh đạo, quản lý liên quan đến những người được giao nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý trên một pham vi nhất định. Đặc trưng cơ bản nhất của phong cách lãnh đạo, quản lý là phong cách của cá nhân người lãnh đạo, quản lý thể hiện qua thái độ, hành động của họ với tập thể và với các cá nhân chịu sự quản lý. Giống như phongcách sống của mỗi cá nhân, phong cách lãnh đạo, quản lý không tự nhiên mà có. Nó được hình thành thông qua quá trình học tập, rèn luyện của người lãnh đạo, quản lý và chịu tác động bởi những yếu tố chủ quan và khách quan.
Một là, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người lãnh đạo, quản lý. Đây là những yếu tố nền tảng để hình thành và phát triển phong cách lãnh đạo, quản lý.
Hai là, trình độ và kết quả nhận thức, nhất là các tri thức khoa học, tri thức về lãnh đạo, quản lý, tri thức về các bộ môn khoa học xã hội, nhân văn...
Ba là,những đặc điểm về tâm lý, khí chất, nhân cách cá nhân…
Bốn là,kinh nghiệm và sự rèn luyện trong thực tiễn, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
Năm là, môi trường công tác; những điều kiện kinh tế - xã hội - văn hóa mà người lãnh đạo, quản lý sinh sống và làm việc.
2. Phong cách Hồ Chí Minh
* Khái niệm phong cách Hồ Chí Minh
- Trước Đại hội VII (tháng 6-1991), Đảng ta thường dùng khái niệm “tác phong” để nói về “tác phong Hồ Chủ tịch”. Hai chữ “tác phong” ở đây được hiểu là phong cách làm việc và phong cách công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ Đại hội VII, “tác phong” được thay bằng “phong cách” trong cụm từ “Tiếp tục bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Từ đây, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thường được nói liền với nhau, thể hiện những giá trị to lớn, những đặc trưng nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những giá trị đặc trưng của tư tưởng, đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, phong cách Hồ Chí Minh mang đậm tính chất dân tộc và hiện đại, khoa học và cách mạng..của mộtnhân cách lớn, một trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng, nhân văn của nhà văn hóa lớn trên thế giới Hồ Chí Minh.
Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức, thẩm mỹ; là tấm gương sáng cho mọi người, mọi thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo.
* Những nội dung cơ bản của phong cách Hồ Chí Minh
Để học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, cần thiết phải quán triệt sâu sắc nội dung cơ bản phong cách của Người. Trong chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2016 và toàn khóa để thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, có đề cập một cách đầy đủ những đặc trưng cơ bản của phong cách Hồ Chí Minh. Để học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, vận dụng vào việc xây dựng phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo của cán bộ, đảng viên, cần quán triệt những nội dung cơ bản của phong cách Hồ Chí Minh.
2.1. Về phong cách tư duy Hồ Chí Minh
Phong cách tư duy Hồ Chí Minh có những đặc trưng nổi bật như sau:
Một là, phong cách tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại.Xuất phát từ lòng yêu nước và mục đích tìm đường cứu nước, trong quá trình hoạt động cách mạng sôi động và phong phú, Hồ Chí Minh đã hình thành cho mình một phong cách tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại. Không tiếp thu một cách thụ động, không dừng lại ở sự vật, hiện tượng bề ngoài, Hồ Chí Minh đã đi sâu phân tích, so sánh, chắt lọc, lựa chọn, tổng hợp, rút ra những kết luận, những luận điểm mới, vừa kế thừa, vừa phát triển sáng tạo để tiếp tục vượt lên phía trước. Nhờ đó, Hồ Chí Minh đã bắt kịp nhịp sống và sự phát triển của thời đại, đã hình thành được một phương pháp tư duy đúng đắn, có thể lựa chọn đúng đường đi cho dân tộc và dự kiến được những bước phát triển mới của lịch sử.
Hai là,phong các tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Đó là phong cách tư duy không giáo điều, rập khuôn, không vay mượn nguyên xi của người khác, hết sức tránh lối cũ, đường mòn, tự mình tìm tòi, suy nghĩ, truy tìm bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn.
Ba là, phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, gắn lý luận với thực tiễn.Thể hiện rõ nhất của phong cách tư duy này ở Hồ Chí Minh là luôn biết xuất phát từ cái chung, cái nhân loại, từ những chân lý phổ biến, những “lẽ phải không ai chối cãi được” để nhận thức và lý giải những vấn đề của thực tiễn. Điều này được thể hiện rõ rệt và nhất quán trong các mối quan hệ. Để giải quyết những vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, Người xuất phát từ những nguyên tắc, bắt đầu từ quyền độc lập, tự do của các dân tộc. Ở nước nào cũng vậy, độc lập tự do là thứ không thể mặc cả và là thành quả đấu tranh, đều do xương máu của những nghĩa sĩ và đoàn kết của toàn quốc dân mà xây dựng nên…
2.2.Về phong cách làm việc
Trong tác phẩm lối “Sửa đổi lối làm việc” Hồ Chí Minh đã chỉ ra một phong cách công tác mới: lấy lợi ích và hiệu quả thiết thực làm chuẩn mực cao nhất để đánh giá tác phong cán bộ và chất lượng công việc. Phong cách làm việc Hồ Chí Minh thể hiện trong những điểm chính sau:
Một là, phong cách làm việc khoa học. Hồ Chí Minh làm việc gì cũng cân nhắc kỹ, điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu, để nắm chắc thực chất tình hình, ra quyết định chính xác. Người nói: “Đảng có hiểu rõ tình hình, thì đặt chính sách mới đúng”.
Hai là, phong cách làm việc có kế hoạch. Hồ Chí Minh làm việc gì cũng thường có chương trình, kế hoạch, từ lớn đến nhỏ, từ dài hạn, trung hạn đến ngắn hạn, từ tháng, tuần đến ngày, giờ… Vì làm việc có kế hoạch, nên dù bận trăm công, nghìn việc của Đảng và Nhà nước, Người lúc nào cũng ung dung, tự tại, vẫn có thời giờ học tập, đọc sách, xem văn nghệ, đi xuống địa phương, đi thăm danh lam, thắng cảnh,… Theo Người, trong việc đặt kế hoạch “không nên tham lam, phải thiết thực, vừa sức, từ thấp đến cao”, “chớ làm kế hoạch đẹp mắt, to tát, kể hàng triệu, nhưng không thực hiện được”.
Ba là, phong cách làm việc đúng giờ. Hồ Chí Minh quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Người thường không để ai phải đợi mình, chủ động đến trước nếu có thể. Đồng thời Người luôn yêu cầu mọi người cần phải làm việc đúng giờ, vì “ thời gian quý báu lắm”…
Bốn là, phong cách đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận lối cũ, đường mòn. Đó là một phong cách làm việc không cố chấp, không bảo thủ, luôn đổi mới. Người nói: “Tư tưởng bảo thủ như là sợi dây cột chân, cột tay người ta… Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”. Cuộc đời Người là một tấm gương tuyệt vời về đổi mới, có sức động viên, khích lệ, gợi mở đổi mới, sáng tạo cho Đảng và cách mạng.
2.3.Về phong cách lãnh đạo
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã xây dựng cho mình một phong cách lãnh đạo đúng đắn, khoa học, phù hợp và hiệu quả. Nhờ đó, Người đã lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn dân dân tộc vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ giành được những thắng lợi to lớn, vẻ vang. Nội dung chủ yếu phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh gồm:
Một là, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Từ soạn thảo “Tuyên ngôn độc lập” đến viết một bài báo,…Hồ Chí Minh đều tham khảo ý kiến của Bộ Chính trị, hay những người xung quanh. Người tuân thủ chặt chẽ quy trình ra quyết định. Mọi vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học-kỹ thuật,…Người đều dựa vào đội ngũ trí thức, chuyên gia trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, yêu cầu chuẩn bị kỹ, trao đổi rộng, sao cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước phải được cân nhắc, lựa chọn thận trọng, để sau khi ban hành, ít phải thay đổi, bổ sung.
Hai là, đi đúng đường lối quần chúng,“lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”. Người yêu cầu và luôn thực hiện người lãnh đạo phải tôn trọng nguyên tắc dân chủ, từ dân chủ trong Đảng đến dân chủ trong các cơ quan đại biểu của dân, thực hiện đường lối quần chúng. Người đi xuống cơ sở, để lắng nghe ý kiến của cấp dưới và của quần chúng, chứ không phải chỉ để huấn thị cấp dưới. Theo Người, phải biết động viên, khuyến khích “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, tức là phải làm chocấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật.
Ba là, thực hiện tốt công việc kiểm tra, kiểm soát. Theo Hồ Chí Minh, sau khi nghị quyết đã được ban hành, phải tổ chức tốt việc thực hiện để nghị quyết đi vào cuộc sống. Điều đó gắn liền với công việc kiểm tra, kiểm soát. Muốn tốt, “phải đi tận nơi, xem tận chỗ”. Theo Người, sở dĩ sự thật còn bị bưng bít vì sự kiểm tra, kiểm soát của các ngành, các cấp, không nghiêm túc, chưa chặt chẽ, tệ quan liêu còn “nồng”.
Trong thực tiễn, Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tác phong kiểm tra sâu sát. Theo tài liệu thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, chỉ tính trong vòng 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc (1955-1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Người đã thực hiện hơn 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội…, từ miền núi đến hải đảo, để thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, để xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Tính ra mỗi năm, có hơn 60 lượt Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng có khoảng 6 lần lãnh tụ gặp gỡ quần chúng.
Ngoài ra, hàng ngày qua đọc báo, đọc thư của nhân dân gửi lên, thấy có những ý kiến hay, cần tiếp thu, những việc gấp cần giải quyết, Người đều dùng bút đỏ đóng khung lại, chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm, yêu cầu nghiên cứu và giải quyết.
Bốn là, phong cách nêu gương. Kế thừa truyền thống đạo đức của dân tộc, Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về sự nêu gương, thống nhất giữa lời nói với việc làm, luôn nêu gương trước để cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân noi theo. Thật là cảm động về hành động của một vị chủ tịch nước, tự nguyện mỗi tuần nhịn ăn một bữa, mỗi bữa một bơ gạo góp vào quỹ gạo cứu đói.
2.4.Về phong cách diễn đạt
Một là, cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực. Mục đích của nói và viết Hồ Chí Minh cốt làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu với tất cả mọi người. Với quan điểm cách mạng là sự nghiệp của hàng chục triệu người lao động, làm sao để họ hiểu được, dám vùng lên đấu tranh giải phóng..., Hồ Chí Minh hay dùng cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực, phù hợp với trình độ nhận thức của người nghe, người đọc…
Hai là, cách diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng và sinh động, có lượng thông tin cao. Hồ Chí Minh thường viết ngắn, có khi rất ngắn, trở thành câu châm ngôn, như “Nước lấy dân làm gốc”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”... Chính vì vậy, những tư tưởng lớn của Người trở nên dễ thuộc, dễ nhớ, nhanh chóng đi vào quần chúng, hướng dẫn họ hành động.
Ba là, cách nói, cách viết sinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, ví von, so sánh cụ thể. Khi nói, khi viết Hồ Chí Minh thường kết hợp với kể chuyện, đan xen những câu thơ, câu ca dao có vần điệu, làm cho bài nói hay bài viết trở nên sinh động, gần gũi với lối cảm, lối nghĩ của quần chúng. Nhờ đó mà nhiều câu nói, bài thơ, bài viết của Người đi vào lòng người, trở thành niềm tin, lời hiệu triệu, thôi thúc quần chúng tham gia các phong trào cách mạng…
Bốn là, phong cách diễn đạt luôn luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng. Trên cơ sở thống nhất về mục đích nói và viết, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rất phong phú, phù hợp với nội dung được trình bày và đối tượng hướng tới. Đó là sự đanh thép với những số liệu rõ ràng khi tố cáo; sự sôi nổi trong tranh luận; thiết tha trong kêu gọi; ân cần trong giảng giải; sáng sủa trong thuyết phục... Người quan niệm: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”.
2.5.Về phong cách ứng xử
Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là phong cách ứng xử của một nhà văn hóa lớn của dân tộc và nhân loại, với những đặc trưng nổi bật nhất sau đây:
Một là, khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp. Trong các cuộc tiếp xúc, Hồ Chí Minh luôn khiêm tốn, không bao giờ đặt mình cao hơn người khác, mà trái lại, luôn hòa nhã, quan tâm chu đáo đến những người có mặt, nhất là với các cụ già, trẻ em, phụ nữ, người lao động…
Hai là, chân tình, nồng hậu, tự nhiên. Khi gặp gỡ mọi người, với những cử chỉ thân mật, lời hỏi thăm chân tình, Người tạo nên bầu không khí thân mật, thoải mái, thân thiết như trong một gia đình. Sự ân cần, nồng hậu, xóa bỏ mọi nghi thức, bằng tình cảm chân thực, tự nhiên của Hồ Chí Minh đã đi thẳng đến trái tim con người. Đó là sự thể hiện nét nổi bật trong phong cách ứng xử của những nhà văn hóa lớn của mọi thời đại.
Ba là, linh hoạt, chủ động, biến hóa. Ứng xử văn hóa Hồ Chí Minh đạt tới sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm nồng hậu với lý trí sáng suốt, linh hoạt, uyển chuyển, sẵn sàng vì cái lớn mà châm chước cái nhỏ.
Bốn là, vui vẻ, hòa nhã, xóa nhòa mọi khoảng cách. Trong các hoạt động giao tiếp, ứng xử với mọi người, Hồ Chí Minh luôn xuất hiện với thái độ vui vẻ cùng với sự hóm hỉnh, năng khiếu hài hước, đã xóa đi mọi khoảng cách, tạo không khí chan hòa, gần gũi giữa lãnh tụ với quần chúng, như giữa những người bạn... Điều đó lý giải vì sao, mỗi khi và ở đâu Hồ Chí Minh xuất hiện đều rộn lên niềm vui, những tiếng cười, sự hồ hởi không dứt...
2.6.Về phong cách sống
Một là, phong cách sống cần kiệm, liêm chính. Cả trong lời nói và việc làm Hồ Chí Minh luôn luôn tự mình thực hiện cần kiệm, liêm chính. Đó không chỉ là do hoàn cảnh mà là đạo đức, nhân cách của con người. Sinh ra tại một vùng quê nghèo, một đất nước nghèo, ra đi làm cách mạng trong tư cách một người lao động, phải tự thân vận động để sống và hoạt động, Hồ Chí Minh đã sớm hình thành cho mình một lối sống đó là rất mực cần cù, giản dị, tiết kiệm gần gũi với lối sống của những người lao động, người cách mạng chân chính. Ngay cả khi đã trở thành chủ tịch nước, Hồ Chí Minh vẫn luôn luôn giữ lối sống cần kiệm, liêm chính mẫu mực của mình.
Hai là, phong cách sống hài hòa, nhuần nhuyễn giữa văn hóa Đông – Tây. Đó là phong cách sống vừa thấm nhuần văn hóa Nho-Phật-Lão, vừa chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Âu-Mỹ nhưng luôn giữ vững, yêu quý và tự hào về văn hóa Việt Nam.
Ba là, tôn trọng quy luật tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên. Trong sinh hoạt đời thường, Hồ Chí Minh cứ thuận theo các điều kiệntự nhiên mà làm. Những người được sống bên Người cho biết: chưa bao giờ thấy Người phàn nàn về thời tiết, mưa không bực, nắng không than, dung mạo lúc nào cũng vui vẻ. Khi tuổi cao, Người chủ động tiếp nhận những quy luật tự nhiên của con người, chủ động viết di chúc để lại những lời dặn dò, những mong muốn cho Đảng và nhân dân ta.
Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 27 | |
Tất cả | 3191018 |