Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta diễn ra hết sức ác liệt nhưng đã đạt được những dấu mốc quan trọng; cách mạng dù còn khó khăn, song đang trên đà thắng lợi, đòi hỏi sự đoàn kết, chiến đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng.
Theo đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác Hồ, Bác bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc để lại cho muôn đời sau lúc 9 giờ sáng thứ Hai, ngày 10/5/1965, đến 10 giờ, Bác viết xong phần mở đầu. Bác xếp tài liệu lại và chuyển sang làm các công việc thường ngày. Các ngày tiếp theo, ngày 11, 12, 13/5/1965, cũng vào giờ đó (từ 9 giờ đến 10 giờ), Bác viết tiếp các phần còn lại.
Riêng ngày 14/5/1965, do buổi sáng có lịch đi thăm một hợp tác xã ở ngoại thành Hà Nội và dự một phiên họp của Bộ Chính trị, Bác chuyển viết Di chúc sang buổi chiều với thời gian gấp đôi, từ 14 giờ đến 16 giờ. Đúng 16 giờ, Bác đánh máy xong Bản Di chúc và cho vào phong bì.
Đến 21 giờ hôm đó, Bác giao chiếc phong bì cho đồng chí Vũ Kỳ và dặn: “Chú cất giữ cẩn thận, vào dịp này sang năm nhớ đưa lại cho Bác”.
Và cứ đến dịp sinh nhật Bác hằng năm, đồng chí Vũ Kỳ lại đặt bản Di chúc lên bàn làm việc của Bác; sau đó Bác bổ sung và giao lại cho đồng chí Vũ Kỳ. Bác đọc kỹ bản Di chúc xem xét, cân nhắc kỹ từng đoạn, từng câu, từng ý, từng lời và bổ sung thêm vào bản Di chúc tùy theo tình hình đất nước. Đặc biệt là qua tình hình chiến sự miền Nam, Bác lại viết thêm những phần cần thiết vào bản Di chúc.
Năm 1966, Bác bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng, trong đó Bác nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Năm 1967, Bác xem lại bản Di chúc, nhưng không sửa gì. Năm 1968, Bác viết thêm 6 trang, gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi.
Năm 1969, Bác xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm một trang viết tay. Ngày 19/5/1969, Bác sửa lần cuối. Toàn văn Di chúc được công bố sau ngày Bác Hồ qua đời (ngày 2/9/1969).
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn về nhiều mặt; là sự kết tinh của tinh hoa văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại, là những chỉ dẫn quý báu, nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Di chúc là những lời căn dặn tâm huyết, toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng”, là sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách, tâm hồn cao đẹp của vị lãnh tụ suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân và nhân loại.
Bản Di chúc cũng là ánh sáng soi đường, là sức mạnh thôi thúc hành động cho cách mạng Việt Nam phát triển đi lên, cho đất nước ta phồn vinh, cho nhân dân được tự do, no ấm và hạnh phúc, không chỉ đối với nhân dân ta mà còn đối với các dân tộc đang đấu tranh cho tự do, độc lập, hòa bình, công lý, vì hạnh phúc của con người.
ĐẢNG VÀ NHÂN DÂN LUÔN Ở TRONG TRAI TIM CỦA NGƯỜI
Là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, Người đã dẫn dắt Đảng và dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm căn dặn trong Di chúc: “Trước hết nói về Đảng”. Chỉ rõ “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”, Người tâm huyết nhắc nhở các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ “cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ cho chúng ta, muốn làm được việc đó thì trong Đảng phải đoàn kết nhất trí, thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Đặc biệt, Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Trong hai câu văn ngắn gọn nhưng Người liên tiếp sử dụng hai từ “thật sự” và “thật” như một lời nhắn gửi mang tính quy luật, phổ biến, phải làm thường xuyên, liên tục, nếu không Đảng khó lòng mà giữ nổi vai trò cầm quyền của mình. Điều đó cho thấy sự nung nấu, suy tính của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều năm, chứa đựng chiều sâu của tư tưởng, tình cảm, chiều cao trí tuệ của Người.
Để thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Người chỉ rõ: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.
Trong Di Chúc Bác Hồ cũng chỉ rõ: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa...” và “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”. Sau khi chiến tranh kết thúc, Người căn dặn: “Công việc toàn đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man”. Đó là công việc khó khăn, vô cùng phức tạp nên Người rất quan tâm căn dặn trong Di chúc.
Đối với Đoàn viên thanh niên, trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là đội hậu bị của Đảng, là người chủ tương lai của đất nước, do vậy Đảng phải chăm lo bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho họ. Đó là thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Bác Hồ đối với việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Bác căn dặn và nhấn mạnh: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bản đánh máy ngày 15/5/1969 có sự chứng kiến của Bí thư thứ nhất BCH trung ương Đảng, Lê Duẩn và bản viết tay sửa chữa, bổ sung năm 1965 và năm 1969 - Ảnh tư liệu của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước |
Theo Bác, việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sau mỗi lần chiến thắng, ông cha ta lại có kế sách để bồi dưỡng sức dân, tăng cường lực lượng. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa truyền thống lâu đời đó của dân tộc ta. Với tình thương bao la dành cho mọi tầng lớp nhân dân, Bác đặc biệt quan tâm và căn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều chiến tranh...
Theo ý nguyện của Bác, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân dân chứng tỏ Người hiểu thấu đáo ngọn nguồn về nhân dân, về sức mạnh của nhân dân, Bác thực sự quan tâm lo lắng cho dân và về mối quan hệ giữa Đảng với Dân và Dân với Đảng. Trong tình thương bao la dành cho mọi tầng lớp nhân dân, Bác trăn trở nhiều đến nông dân - tầng lớp chịu nhiều vất vả làm ra của cải vật chất cho xã hội. Người nhấn mạnh những đóng góp to lớn của nông dân, vai trò của nông dân đối với sự nghiệp cách mạng của nước nhà: “Trong bao năm chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm nhiều phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.
Đối với con người, Bác căn dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình…, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cách sinh”. Ngay đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, Người cũng nhắc nhở “Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp đỡ họ trở nên những người lao động lương thiện”.
Bác đưa ra lời tiên đoán có tính chất khẳng định, như một tất yếu của lịch sử: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”. Trong Di chúc , Bác viết: “…Tôi mong rằng, Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”.
"CHỈ TIẾC LÀ TIẾC RẰNG KHÔNG ĐƯỢC PHỤC VỤ LÂU HƠN NỮA, NHIỀU HƠN NỮA"
Suốt đời phục vụ nhân dân, đất nước, tuy nhiên trong Di chúc, Bác không đề cập đến “cá nhân” hay “bản thân”, mà nói “về việc riêng”, bởi suốt đời Bác phấn đấu cho hạnh phúc chung của toàn dân. Cái riêng của Bác hòa trong cái chung của dân tộc. Suốt đời Bác vì dân, vì nước, vì Đảng, nên không lúc nào Bác nghĩ đến bản thân mình. Trước lúc đi xa Người “không có điều gì phải hối hận” vì Bác đã phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân hết sức, hết lòng. Người “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Trong ý định của Bác, việc đầu tiên sau ngày đất nước toàn thắng là Di chúc mừng đồng bào và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão và các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng yêu quý khắp hai miền Nam Bắc. Riêng với miền Nam thương nhớ, kể từ buổi ra đi trên bến cảng Sài Gòn ngày 5/6/1911, ròng rã mấy mươi năm, Bác chưa một lần trở lại. Bác còn thay mặt nhân dân ta đi thăm các nước anh em, thăm hỏi bạn bè quốc tế đã từng hết lòng giúp đỡ và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Đọc Di chúc, chúng ta ai cũng đau lòng xúc động, vì ao ước đó của Bác đã không kịp thực hiện.
Lời cuối cùng trong bản Di chúc có lẽ là tình cảm lắng đọng, gây xúc động mạnh nhất, trở thành đề tài phong phú cho văn học nghệ thuật về tấm lòng của Bác đối với nhân dân. “Để lại muôn vàn tình thân yêu” - cách nói nghe thân thuộc, tha thiết, cháy bỏng. Bác ra đi, không đem theo gì cho mình; tất cả, Bác để lại trọn vẹn cho đồng chí, đồng bào, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng: Cuộc sống và tình yêu, lý tưởng và ước nguyện, ham muốn tột bậc đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành… Bác lo cho đến khi từ biệt thế giới này, không có điều gì phải hối hận, “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Bác “để lại muôn vàn tình thân yêu” cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.
Từ ngày Bác Hồ đi xa đến nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức và quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, lấy nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, kinh tế là trọng tâm với phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội. Cách mạng nước ta phải trải qua muôn vàn thử thách, dù thế giới biến đổi khôn lường, toàn Đảng và toàn dân ta nguyện sống chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại. Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thực hiện đúng như lời thề mà đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, tuyên đọc khi vĩnh biệt Bác Hồ, chúng ta quyết tâm thực hiện những điều Bác căn dặn trong Di chúc: “mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng”.
50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân ta vui mừng báo cáo với Bác về những thắng lợi và thành tựu đạt được. Song chúng ta cũng xin nhận với Bác rằng chúng ta còn nhiều thiếu sót, yếu kém chưa làm được nhiều điều Bác căn dặn. Trong việc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bên cạnh những thành tựu và ưu điểm đáng kể, chúng ta còn vấp phải không ít sai lầm và khuyết điểm. Sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống, sự vi phạm các nguyên tắc về tổ chức và sinh hoạt, sự lạm dụng quyền lực, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã có những tác động tiêu cực đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tiến hành trong nhiều năm qua, đặc biệt là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động từ sau Đại hội X đến nay, chính là để Đảng ta khắc phục yếu kém và khuyết điểm, khôi phục và phát huy những phẩm chất cao đẹp vốn có.
Thực hiện Di chúc của Bác Hồ, cán bộ, đảng viên chúng ta càng luôn luôn nhớ lời Bác căn dặn, phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Đồng thời, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường tư tưởng kiên định, mãi mãi đi theo con đường Bác đã chọn, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Thực hiện một cách tốt nhất lời Bác căn dặn lại trong Di chúc, đó là những chỉ dẫn hết sức quý báu đối với Đảng và nhân dân ta xứng đáng với những điều mong muốn cuối cùng của Bác, cũng là những dòng cuối cùng của Người viết trong Di chúc: “Điều mong muốn cuối cùng là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Nguyễn Văn Công
Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Nguồn: Tuyengiao.vn
Đang online | 274 | |
Tất cả | 3180930 |