Với vị trí địa lý và vị thế lịch sử đó, thành phố Bắc Ninh tiếp tục giữ vai trò tỉnh lỵ của tỉnh Bắc Ninh sau cách mạng tháng Tám năm 1945, vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm ba lần.
Lần thứ nhất vào tháng 5-1946: Bác Hồ làm việc với Ủy ban hành chính tỉnh Bắc Ninh tại Tòa sứ Bắc Ninh-tức Tòa Giám mục Bắc Ninh. Sau đó Bác đến gặp gỡ và nói chuyện với nhân dân thị xã tại Nhà Thông tin. Bác phân tích rõ ý nghĩa to lớn của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, nêu lên những nhiệm vụ cấp bách của toàn dân, là đẩy mạnh tăng gia sản xuất, giệt giặc đói, giặc dốt, tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ. Sau đó Bác đến thăm bộ đội ở Đáp Cầu, căn dặn các chiến sỹ phải trau dồi bản lĩnh chính trị, sẵn sàng chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
Lần thứ hai vào ngày 17-11-1946: Bác đến thăm giám mục Ataraz tại tòa Giám mục Bắc Ninh. Bác nói chuyện cảm ơn Giám mục đã có những đóng góp tích cực vào việc tăng cường khối đoàn kết lương giáo. Rồi Bác đến thăm trại thanh niên Công giáo, Quân y viện, trung đoàn bộ Bắc Ninh.
Lần thứ ba vào ngày 11-7-1958: Bác về dự Hội nghị sản xuất của tỉnh Bắc Ninh tổ chức tại thị xã Bắc Ninh. Bác chỉ ra những khuyết điểm cụ thể của cán bộ và nhân dân trong sản xuất nông nghiệp và yêu cầu thực hiện 10 việc phải làm về phân, nước, cải tiến kỹ thuật… đoàn kết thi đua để giành thắng lợi vụ mùa. Bác tặng Huy hiệu cho hai tổ đổi công điển hình của xã Liên Hà (Từ Sơn) và Hà Mãn (Thuận Thành).
Xứng đáng với sự quan tâm của Bác Hồ, hiện nay, thành phố Bắc Ninh trở thành đô thi loại I với mục tiêu xây dựng nền kinh tế tri thức và đô thị thông minh, trung tâm văn hóa du lịch của tỉnh và vùng Thủ đô với thế mạnh là nguồn di sản phong phú và độc đáo.
Với số lượng gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa, đứng đầu trong các địa phương trong tỉnh, trong đó có 72 di tích được xếp hạng (41 di tích cấp Quốc gia và 31 di tích cấp tỉnh), nhiều di tích và di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc như: Văn Miếu Bắc Ninh-nơi khắc bia ghi danh và tôn thờ gần 700 vị Đại khoa của quê hương Kinh Bắc; thành cổ Bắc Ninh-một trong số ít kiến trúc thành lũy của thời Nguyễn còn lại ở nước ta. Di tích chùa Dạm (xã Nam Sơn)-một danh lam cổ tự thời Lý với cột đá chạm rồng độc đáo cùng các dấu tích các tầng nền kiến trúc mới được các nhà khảo cổ học khai quật đã cho thấy chùa Dạm là ngôi chùa hoàng gia, có quy mô to lớn và kiến trúc độc đáo nhất trong các ngôi chùa thời Lý. Thành phố Bắc Ninh còn có các ngôi đình cổ kính và nghệ thuật kiến trúc độc đáo, tiêu biểu của dân tộc thể kỷ XVII, XVIII, như đình Đáp Cầu, đình Cổ Mễ, đặc biệt là đình Diềm, với bức cửa võng là tác phẩm độc nhất vô nhị trong số các ngôi đình cổ của nước ta. Nơi đây có làng Tiến sỹ Kim Đôi với 25 vị Đại khoa thời phong kiến, trong đó có Nguyễn Nhân Thiếp đỗ Tiến sỹ năm 15 tuổi, có gia đình 5 anh em cùng đỗ Tiến sỹ…
Thành phố Bắc Ninh tự hào là chiếc nôi của Dân ca Quan họ Bắc Ninh-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với 31 làng trong số 49 làng Quan họ gốc, nơi có đền thờ Đức Vua Bà (làng Diềm, xã Hòa Long), người khai sinh Dân ca Quan họ.
Cùng với di sản văn hóa độc đáo trên, là hàng trăm lễ hội truyền thống, mỗi hội có những nét riêng độc đáo, như lễ hội tâm linh tín ngưỡng đền Bà Chúa Kho (làng Cổ Mễ), hội chùa Hàm Long, hội chùa Dạm, hội Ó, hội Nhồi. Đặc sắc nhất là lễ hội ở các làng Quan họ, trong đó tiêu biểu là lễ hội đền Vua Bà (làng Diềm), kỷ niệm vị Thủy tổ Quan họ với các nghi thức rước uy nghiêm, cuốn hút với các “bọn” Quan họ đón bạn và ca hát Quan họ truyền thống. Lễ hội đền Vua Bà (làng Diềm) vào ngày 6 tháng 2 (âm lịch) hàng năm, trở thành lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc, thu hút hàng vạn du khách trong nước và nước ngoài tới dự hội.
Cùng với việc đầu tư bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, thành phố Bắc Ninh còn nhiều công trình văn hóa mới như Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Tượng đài Lý Thái Tổ, Tượng đài và công viên Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, Nhà thi đấu đa năng, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Trung tâm văn hóa-Thể thao thành phố, Hồ điều hòa Văn Miếu, Trường trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh, cột cờ, cột đồng hồ, Trường tiểu học cơ sở và trường Trung học cơ sở Suối Hoa… Đó là những công trình văn hóa quy mô và hiện đại, nhưng giàu bản sắc quê hương-nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật quy mô Quốc gia và Quốc tế, như Hội thi hát Quan họ đầu xuân, chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ”, Festival Bắc Ninh, Liên hoan đàn và hát dân ca, các cuộc thi đấu thể thao Quốc tế… thu hút hàng vạn quý khách trong nước và nước ngoài tới tham dự.
Đang online | 41 | |
Tất cả | 3093836 |