2019-07-03 15:40:18 Số lượt xem 1986
Kỳ 2: Để kinh doanh thực phẩm sạch trụ vững
Khi hệ thống cửa hàng TPS phát triển sẽ tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản cho nông dân và NTD được sử dụng thực phẩm an toàn hơn. Mặc dù các tiềm năng và lợi ích thấy rõ như vậy, nhưng thực tế phát triển mô hình này còn rất nhiều gian nan.
Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong, xã Minh Tân, Lương Tài là một trong số ít cơ sở sản xuất rau an toàn trong tỉnh cung ứng được cho chuỗi cửa hàng Vinmart +.
 
Trăm mối tơ vò
Rào cản đầu tiên đến từ sự hoài nghi của NTD. Chính lý do này khiến cho chỉ có ít cửa hàng hoạt động ổn định và mở rộng quy mô, còn rất nhiều cửa hàng không khai thác được thị trường tiêu thụ, hoạt động chưa hiệu quả, buộc phải nghỉ hoặc hoạt động cầm chừng. Chị Đặng Thị Huệ, phường Vũ Ninh (thành phố Bắc Ninh) cho biết: “Với những thông tin thực phẩm bẩn tràn lan, thật giả lẫn lộn như hiện nay, khi mua hàng chúng tôi rất cẩn trọng nhưng không biết tìm căn cứ ở đâu, nếu chỉ bằng cảm quan cũng khó xác định. Giá bán trong các cửa hàng TPS khá cao mà chất lượng có thực sự bảo đảm an toàn như đúng tên gọi của các cửa hàng hay không là điều chúng tôi còn băn khoăn…”. Nhiều NTD khác cũng có chung tâm lý như chị Huệ.
Trong khi đó, để có được chứng nhận thực phẩm an toàn theo chuỗi, người kinh doanh gặp không ít khó khăn, bởi an toàn theo chuỗi có nghĩa là cả một quá trình từ khâu nuôi trồng, chế biến, cung ứng, tiêu thụ phải đạt chuẩn và an toàn. Theo kiểm tra, đánh giá của Ban Quản lý An toàn thực phẩm  tỉnh, 100% các cơ sở kinh doanh TPS đều có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, dường như những tấm giấy chứng nhận ấy là chưa đủ để kéo người dân đến đây bởi ngoài sự hoài nghi, tâm lý tiện đâu mua đấy của NTD, ưu tiên những địa chỉ gần nhà cũng là những nguyên nhân khiến rau an toàn có địa chỉ khó tiêu thụ. Trong khi đó, do hình thành tự phát nên sự phân bố hệ thống cửa hàng TPS không đồng đều ở các địa phương, tập trung chủ yếu ở thành phố Bắc Ninh, kênh phân phối chưa ổn định nên chưa thu hút được khách hàng lâu dài, chưa tiếp cận được số đông NTD. Ngay cả với hệ thống Vinmart + có sự đầu tư mạng lưới rộng khắp, ông Nguyễn Duy Đoàn, Công ty Cổ phần dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce Quản lý Vinmart + khu vực miền Bắc cũng chia sẻ khó khăn: “Với việc bố trí điểm bán linh hoạt nằm xen trong các khu dân cư, giúp cho việc mua sắm của khách hàng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn, chúng tôi tốn nhiều chi phí về mặt bằng và vận hành hệ thống. Trong khi phải bảo đảm giá thành rẻ hơn để nhiều NTD được sử dụng, chúng tôi khá đau đầu với bài toán cân đối chi phí, doanh thu và lợi nhuận”.
Chưa dừng lại ở đó, các cửa hàng TPS, nhất là ở giai đoạn đầu đi vào hoạt động luôn phải loay hoay tìm kiếm nguồn cung ổn định, chất lượng. Thực tế, việc liên kết vùng sản xuất và tiêu thụ mới được thực hiện ở những doanh nghiệp lớn, trong khi các cửa hàng nhỏ lẻ phải tự mày mò tìm nguồn hàng từ nhiều nơi khác nhau. Anh Trần Văn Úy, Chủ cửa hàng Rau Quê phải tham gia Hiệp hội TPS với gần 30 thành viên là chủ các cửa hàng, chuỗi cửa hàng TPS trong và ngoài tỉnh, các thành viên trong Hiệp hội thay nhau nghiên cứu, tìm kiếm các cơ sở sản xuất, phân phối nguồn nông sản, thực phẩm sạch uy tín, chất lượng và kiểm tra, giám sát những cơ sở đó.... Hiện tại cửa hàng của anh có tới cả trăm mặt hàng nông sản, TPS nhập trực tiếp và gián tiếp từ các tỉnh, thành phố lân cận, chỉ có một số ít có nguồn gốc tại Bắc Ninh kéo theo phí vận chuyển, bảo quản, quản lý cao. Đặc biệt, các loại rau, củ, quả tươi không sử dụng các thuốc bảo quản nên nhanh xuống mã bán mất giá và hỏng phải bỏ đi…; việc gắn tem nhãn, bao bì trên từng sản phẩm tốn kém đòi hỏi số vốn đầu tư lớn và lâu dài…
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Với những khó khăn đó, những người kinh doanh TPS rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ mật thiết hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, các chính sách hiện có đang đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nông sản an toàn nhưng hầu như chưa có các chương trình dành cho cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch. Một số mô hình liên kết có sự chung tay xây dựng của các cơ quan như Hội Nông dân, Hội Nông nghiệp và PTNT, Liên minh HTX tỉnh với một số quầy giới thiệu sản phẩm có quy mô nhỏ lẻ nên chưa tiếp cận được NTD.
Thiết nghĩ, để hệ thống cửa hàng TPS không chỉ phát triển mà còn trụ vững được, cần có sự chung tay nâng đỡ của cả cộng đồng, xã hội, nhất là cần đẩy mạnh liên kết giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà nông (nhà sản xuất) và nhà phân phối để có nguồn hàng ổn định, sản phẩm chất lượng tới tay NTD. NTD cần nâng cao trách nhiệm của mình, kiên quyết tẩy chay những thực phẩm bẩn, nên mua ở những địa chỉ uy tín. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh sự giám sát, thường xuyên kiểm tra, các cơ sở cần được tiếp tục hướng dẫn, tư vấn chuyên môn, thủ tục, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền hơn nữa để người dân hiểu thế nào là thực phẩm an toàn, thay đổi thói quen mua sắm và công bố các địa chỉ đã được chứng nhận an toàn thực phẩm theo chuỗi để người dân có thể tìm mua. Còn với chính các cửa hàng kinh doanh, trước khi lấy được lòng tin của nhiều NTD thì cần duy trì niềm tin, kiên nhẫn khai thác và phát huy những tiềm năng của mô hình kinh doanh bằng chính lương tâm của mình.
 
Thanh Ngân-Huyền Thương
Nguồn: Baobacninh.com.vn
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online75
Tất cả2893835