2019-10-28 08:00:36
Số lượt xem 1837
Đã thành “thói quen”, trước mỗi kỳ đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc, các thế lực thù địch, phản động lại không ngừng đưa những thông tin sai trái, bóp méo, xuyên tạc tình hình đất nước nhằm kích động, chia rẽ nội bộ, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
ảnh minh họa
SÁNG SUỐT TRONG VIỆC CHỌN LỌC VÀ TIẾP NHẬN THÔNG TIN
Trong thời gian chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch, những phần tử phản động, cơ hội ngày càng tăng cường các hoạt động chống phá. Nắm bắt được nhu cầu thông tin của nhân dân về công tác chuẩn bị nhân sự, chúng đã tung lên mạng Internet đủ các loại thông tin bịa đặt, bôi nhọ, suy diễn, đồn đoán nhận định vô căn cứ về công tác cán bộ nhằm mục đích gây rối, làm nhiễu loạn thông tin, chia rẽ nội bộ và phá hoại sự thành công của Đại hội Đảng các cấp. Đặc biệt, chúng triệt để sử dụng Internet phát tán tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và cá nhân các đồng chí lãnh đạo.
Có thể khu biệt những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu cán bộ, đảng viên được kẻ xấu thể hiện ở một số kiểu dạng như: xuyên tạc, sai sự thật về tình hình sức khỏe; moi móc, thêu dệt bí mật đời tư; bình phẩm, phán xét về trình độ, năng lực; xuyên tạc nhân phẩm, đạo đức lối sống... Chẳng hề được chứng kiến sự kiện, mà chỉ là “bắc chõ nghe hơi”, nhưng chúng đã dựng nên những câu chuyện về các cuộc tiếp xúc ngoại giao, đón tiếp nguyên thủ các quốc gia sang thăm, các chuyến đi công tác nước ngoài... Điều này khiến cho dư luận hiểu sai về trình độ, khả năng ứng xử của cán bộ, hiểu sai về đường lối đối ngoại của Việt Nam ta.
Từ những vụ việc đã được xử lý, hoặc đang trong quá trình xử lý, chúng đưa ra bình luận ác ý, rồi suy diễn, bịa đặt rằng các đối tượng đã “bôi trơn” nên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật không dám làm mạnh tay. Lợi dụng kết quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng ta tiến hành, chúng xuyên tạc, bóp méo, vu khống, suy diễn cho rằng đó là cuộc “thanh toán phe phái”, “trả thù cá nhân” giữa người này với người kia, nhóm này với nhóm khác vì “lợi ích nhóm”... Từ đó, nhằm gieo rắc những hoài nghi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chúng xuyên tạc các mối quan hệ cho rằng người này ủng hộ người kia, người này cùng ê kíp người kia, rồi tự phân chia phe phái. Từ những sự việc mà báo chí đã đưa tin, chúng đặt điều, vu khống, bóp méo, xuyên tạc nói rằng người này đang “dắt tay” người kia vào vị trí này, vị trí nọ; bình phẩm, phán xét rồi nhận định người này nghỉ thì người kia sẽ lên thay và cuộc chiến chống tham nhũng sẽ đi về đâu, “cán cân” quyền lực sẽ nghiêng về phe nào (!?)
Để hướng lái nội dung đại hội, nhất là công tác nhân sự, chúng dùng chiêu “nắn dòng” đưa ra những thông tin bình phẩm về trình độ, năng lực của người này, người kia rồi đặt lên bàn cân so sánh. Khi cần “hạ bệ” cá nhân nào, chúng tập trung khoét sâu những hạn chế, khuyết điểm ở những ngành, những lĩnh vực mà cá nhân đó phụ trách; rồi quy kết trách nhiệm theo kiểu “bới lông tìm vết”, “có ít xít ra nhiều”; thậm chí là trắng trợn dựng chuyện, bịa đặt, đổi trắng thay đen, bóp méo hòng thay đổi bản chất của các vụ việc liên quan đến một số cán bộ, nhất là những đồng chí nằm trong quy hoạch nhân sự đại hội...
Cần nhận thức rõ thực chất của những việc làm trên vẫn là những chiêu trò cũ rích mà họ đã sử dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta trong các kỳ đại hội trước đây. Mục đích cuối cùng của những chiêu trò ấy mới nghe tưởng chỉ nhằm vào từng cá nhân đơn lẻ, nhưng xét cho cùng, vẫn là nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, hạ thấp uy tín lãnh tụ, uy tín cán bộ, đảng viên để chống phá chế độ, chống phá dân tộc ta.
|
Dù có tinh vi, thâm hiểm đến đâu chăng nữa, những chiêu trò ấy cũng không che giấu nổi tâm địa xấu xa của các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội và càng không thể đánh lừa được dư luận. Bởi lẽ đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân ta luôn cảnh giác, bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt trong việc chọn lọc và tiếp nhận thông tin.
DÂN CHỦ, CÔNG KHAI, MINH BẠCH HÓA THÔNG TIN
Để chuẩn bị chu đáo, toàn diện cho Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 30-5-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Ngày 15-8-2019, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 55-KL/TW về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Tiếp đó, ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/ TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền.
Càng gần đến đại hội, sự quan tâm của dư luận đến công tác chuẩn bị, đặc biệt là công tác nhân sự cũng càng cao. Đây là điều dễ hiểu và cũng là điều đáng mừng. Bởi lẽ, có lo lắng, quan tâm đến tương lai, vận mệnh của dân tộc; đường hướng phát triển của đất nước, nhân dân mới có nhu cầu thông tin về công tác chuẩn bị đại hội, đặc biệt là muốn biết những người lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ mới là ai.
Thực tế, trong một chừng mực nhất định, một số thông tin xuyên tạc, bịa đặt đã gây băn khoăn, lo lắng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; khiến cho dư luận bức xúc, ít nhiều ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và lòng tin của nhân dân.
Để đấu tranh với những thông tin xấu, độc ấy một cách hiệu quả, cần sự đồng thuận từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đến các đảng bộ, chi bộ cơ sở. Cơ quan tham mưu của Đảng phải công minh, tỉnh táo để tiếp nhận, xử lý thông tin trái chiều một cách thấu đáo. Khi thông tin chính thống được dân chủ, công khai, minh bạch hóa, các thế lực thù địch, phản động khó có thể lợi dụng để xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu cán bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo trước những thông tin sai trái để kịp thời phát hiện và tẩy chay, không tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền thông tin, nhất là trên không gian mạng.
Ngoài việc học tập tìm hiểu, tự rèn luyện của mỗi người, các cấp ủy đảng cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, trang bị phương pháp xem xét, tiếp cận thông tin một cách đúng đắn, khoa học cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Chỉ có bản lĩnh vững vàng, nhận thức đầy đủ, hiểu biết thấu đáo, dân trí được nâng cao, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân mới có thể đủ sức đề kháng để tự phòng vệ trước các luồng thông tin, phân định rõ đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin sai, đâu là thông tin độc hại và đâu là thông tin hữu ích.
Song song với đó, cần tăng cường thông tin chính thống, đặc biệt là những thông tin liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, công tác nhân sự chuẩn bị cho đại hội để đáp ứng nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Kịp thời lên tiếng, đấu tranh, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, bịa đặt, kiên quyết không để kẻ xấu coi thường luật pháp, bôi nhọ uy tín, thanh danh của Đảng, Nhà nước và cá nhân các đồng chí lãnh đạo, gây hoang mang dư luận.
Công tác đấu tranh phản bác trước những thông tin sai trái, bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ cán bộ phải chủ động, nhạy bén hơn nữa. Cần dựa trên hệ thống hành lang pháp lý được xây dựng và hoàn thiện làm cơ sở cho việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Đối với những cá nhân có hành vi thông tin đăng sai sự thật, mang tính vu khống, bôi nhọ cá nhân phải kiên quyết phải xử lý theo pháp luật.
Do đó, cần tích cực, chủ động cung cấp thông tin chính thống cho các cơ quan chức năng, nhất là các phương tiện thông tin đại chúng. Cần nhận thức rõ, việc cung cấp thông tin kịp thời, thường xuyên, chính xác và đầy đủ là sự phản bác có hiệu quả nhất đối với những luận điệu xuyên tạc, chống phá. Đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện yêu cầu: cần thoát khỏi thế “chống đỡ” để chuyển mạnh sang thế “tấn công” các thế lực thù địch, phản động./.
Phùng Kim Lân
_____________________________
(Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số 10/2019)
Nguồn: tuyengiao.vn
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 17 | |
Tất cả | 3196172 |