2023-07-04 14:15:43
Số lượt xem 2334
(TG) - Gia Lai là địa phương điển hình cho sự đa dạng về sắc tộc, tín ngưỡng, tôn giáo của đất nước. Sự đa dạng này một mặt tạo ra những nét phong phú, đa dạng, đặc sắc về văn hóa, con người, vùng đất của địa phương, là “sức mạnh mềm” đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, với đặc điểm nêu trên, Gia Lai cũng là một vùng trọng điểm bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường xuyên chống phá quyết liệt
Ảnh minh họa
YẾU TỐ DÂN TỘC VÀ TÔN GIÁO LUÔN BỊ LỢI DỤNG TRIỆT ĐỂ
Là một tỉnh Bắc Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, có lịch sử lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, Gia Lai cũng là nơi hội tụ đa dạng tín ngưỡng, tôn giáo. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có trên 417.000 tín đồ của 05 tôn giáo chính (Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao đài, Baha’i); riêng Tin lành có 24 hệ phái; có 300 tổ chức tôn giáo trực thuộc và 150 điểm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; 1 cơ sở đào tạo tôn giáo; 633 chức sắc, 1.968 chức việc và 272 nhà tu hành. Với đặc điểm trên, có thể xem Gia Lai là địa phương điển hình cho sự đa dạng về sắc tộc, tín ngưỡng, tôn giáo của đất nước. Sự đa dạng này một mặt tạo ra những nét phong phú, đa dạng, đặc sắc về văn hóa, con người, vùng đất của địa phương, là “sức mạnh mềm” đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, với đặc điểm nêu trên, Gia Lai cũng là một vùng trọng điểm bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường xuyên chống phá quyết liệt với âm mưu cơ bản, lâu dài là kích động ly khai, tự trị, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị, xã hội; chia rẽ các dân tộc thiểu số với người Kinh; chia rẽ giữa các tôn giáo, giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; thực hiện “Diễn biến hoà bình”, làm suy yếu, chuyển hóa từ bên trong; cao nhất là thành lập “Nhà nước ly khai, tự trị” nhằm chống cách mạng và sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Để thực hiện âm mưu trên, chúng đã tập trung đẩy mạnh lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đặc biệt là trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số để hoạt động chống phá. Núp dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền; vừa bí mật, vừa “công khai hóa, quốc tế hóa”; kết hợp tổ chức lực lượng bên ngoài với việc tìm cách thâm nhập tạo dựng ngọn cờ, lực lượng và ảnh hưởng bên trong bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Các thủ đoạn chính vẫn là kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan trong đồng bào dân tộc thiểu số; vu cáo, tuyên truyền người Kinh lên chiếm đất đai, tài nguyên, thực hiện chính sách đồng hóa người dân tộc; phân biệt đối xử với người dân tộc, với người theo đạo; tuyên truyền người cầm đầu và tổ chức FULRO lưu vong được quốc tế công nhận, ủng hộ là người lãnh đạo các dân tộc thiểu số Tây Nguyên để thành lập “Nhà nước Đê Ga độc lập”, “Nhà nước riêng của người dân tộc”; xuyên tạc các quy định của luật pháp quốc tế về nhân quyền, quyền tự quyết dân tộc, tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa của Liên Hợp quốc... và cho rằng lãnh thổ Tây Nguyên là của người dân tộc thiểu số; gây dựng, phát triển hệ thống tổ chức, cơ sở ngầm FULRO bên trong.
Qua thực tiễn ở địa bàn tỉnh cho thấy, hai yếu tố dân tộc và tôn giáo luôn bị các đối tượng phản động, thù địch triệt để lợi dụng. Các tôn giáo chưa được công nhận, các tà đạo, đạo lạ có xu hướng tập trung lôi kéo, tuyên truyền, mở rộng phạm vi, ảnh hưởng trong các vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, sử dụng yếu tố dân tộc để tuyên truyền, kích động đồng bào dân tộc thiểu số phải đấu tranh để có “Nhà nước riêng - Tôn giáo riêng”. Các thế lực thù địch, phản động đã sử dụng “tôn giáo” như “ngọn cờ” tinh thần để kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai, tự trị dân tộc, tập hợp lực lượng, lôi kéo quần chúng vào hoạt động chống cấp ủy, chính quyền.
Nguyên nhân của các hiện tượng trên xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Gia Lai là tỉnh có địa bàn rộng, dân cư phân bổ không đồng đều, đời sống kinh tế - xã hội, mặt bằng dân trí so với nhiều địa phương còn thấp. Thời gian trước đây, do nguồn lực còn hạn chế nên việc đầu cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được như kỳ vọng, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đồng bào dân tộc thiểu số vừa thiếu “cái chữ trong đầu”, vừa thiếu cả “hạt cơm trong bụng”, bên cạnh đó, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu vẫn in sâu trong tâm thức, đời sống hằng ngày của phần đông đồng bào. Trước thực tế đó, FULRO và các lực lượng thù địch đã lợi dụng ngay cơ hội này đã tổ chức tuyên truyền, dụ dỗ đồng bào với luận điệu “không phải làm việc vất vả mà vẫn có cái ăn, cái mặc, cuộc sống sung túc”; những ai tham gia tích cực sẽ được phong chức tước khi có “nhà nước Đề Ga” tự trị… Có những thời điểm, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ của tỉnh còn xem nhẹ công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; vướng phải sai lầm, khuyết điểm trong công tác quản lý điều hành, dẫn đến quần chúng không nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bị FULRO và các thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc.
PHÁT HUY SỨC MẠNH NỘI LỰC, ĐOÀN KẾT, ĐỒNG LÒNG THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT, TINH THẦN CHO NGƯỜI DÂN
Qua một thời gian tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bóc gỡ, đấu tranh với các đối tượng, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai được giữ vững ổn định. Trong những năm qua, đảng bộ, chính quyền trong tỉnh đã phát huy sức mạnh nội lực, đoàn kết, đồng lòng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Các cấp, các ngành đã tập trung thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ góp phần làm cho tình hình kinh tế - xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đưa vùng khó tiến gần vùng thuận lợi. Các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm nắm tình hình, triển khai giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh xã hội, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tăng cường đối thoại với dân và tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo được quan tâm theo hướng: Thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc, trọng dân, gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị tích cực tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh xã hội, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tăng cường đối thoại với dân và tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” với 10 nội dung thay đổi nếp nghĩ và 10 nội dung thay đổi cách làm, góp phần thực hiện hiệu quả công tác vận động quần chúng, công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhận diện, đấu tranh phản bác đối với các âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong đó có nhiều thông tin làm rõ các thành tựu trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo được các cấp, các ngành chú ý triển khai. Các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài địa phương đã đa dạng hóa hình thức, nâng cao chất lượng thông tin, tăng cường các thông tin được trình bày bằng ngôn ngữ, chữ viết đồng bào, loại hình báo ảnh, phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc. Một số ấn phẩm tuyên truyền phòng, chống phục hồi hoạt động FULRO, Tin lành Đê Ga, các tà đạo, đạo lạ... được biên soạn, dịch 3 ngôn ngữ (Kinh - Jrai - Bahnar) đã giúp nhận diện rõ phương thức, âm mưu, thủ đoạn, các luận điệu lừa phỉnh, lợi dụng vấn đề dân tộc, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo để lôi kéo quần chúng tham gia hoạt động chống phá, đồng thời cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về chính sách dân tộc, tự do tôn giáo; vận động đồng bào tại các thôn, làng tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương nơi sinh sống. Ngành Tuyên giáo, Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cũng đã triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học về thực trạng công tác thông tin tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền xây dựng hệ thống giải pháp đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh một cách hiệu quả.
Khai thác và tận dụng các thế mạnh của internet, mạng xã hội, các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là lực lượng đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh cũng đã chú trọng sử dụng các công cụ, phương tiện của mạng xã hội để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng phủ xanh thông tin tích cực, chủ động dẫn dắt, định hướng luồng thông tin trên không gian mạng liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng hơn 800 trang, cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội thực hiện công tác tuyên truyền, đấu tranh, phản bác. Hình thức thể hiện thông tin trên mạng cũng được triển khai theo hướng dễ nhận biết, dễ tiếp thu, tập trung vào thanh niên, học sinh thông qua các video clip, video ngắn (Stories), Infographic hoặc bài viết ngắn có dịch sang tiếng dân tộc thiểu số, từ đó cung cấp các thông tin chính thống một cách nhanh, phù hợp với tâm lý, thói quen của một bộ phận người dân. Đây cũng là kênh hữu hiệu để nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận, những vấn đề nổi lên mà nhân dân đang quan tâm, chú ý, từ đó giúp các cấp, các ngành nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo, định hướng xử lý các tình huống phát sinh ở cơ sở.
Qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đạo trong những năm qua được giữ vững ổn định. Đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo yên tâm sinh sống, lao động sản xuất trên mảnh đất quê hương, thực hiện tốt phương châm sống tốt đời, đẹp đạo.
NHỮNG THÀNH TỰU, KẾT QUẢ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI LÀM CƠ SỞ VỮNG CHẮC PHẢN BÁC LẠI THÔNG TIN XUYÊN TẠC, BỊA ĐẶT
Tuy nhiên, công tác đấu tranh triệt phá hoạt động lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại cách mạng trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn tập trung vào những vấn đề như sau:
Thứ nhất, ý đồ lâu dài, không thay đổi, trước sau như một của các tổ chức phản động vẫn là phủ nhận những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, địa phương; phá hoại khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo trên địa bàn; làm suy giảm niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp; thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, tiến tới “bạo loạn” và hướng đến thành lập “Nhà nước Đê Ga” trên địa bàn Tây Nguyên.
Thứ hai, các tổ chức phản động lưu vong dưới sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch bên ngoài vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống phá vào địa bàn; củng cố tổ chức, phục hồi hoạt động FULRO, “Tin lành Đê Ga”, lôi kéo, kích động người dân tộc thiểu số trốn ra nước ngoài. Đặc biệt, chúng liên tục sử dụng vỏ bọc để phát triển nhiều điểm nhóm, các tổ chức núp bóng danh xưng tôn giáo như tà đạo “Hà Mòn”, “Tơlơi Phrâu Hiam”, “Bơ Khăp Phrâu”, “Blung Hlơu”, “Sang Pơpũ Ană Cữ”… thay thế “Tin lành Đê Ga” nhằm che dấu bản chất phản động, đánh lừa nhận thức của quần chúng.
Thứ ba, chúng tập trung tuyên truyền, móc nối, lôi kéo số người có uy tín trong dân tộc thiểu số ở trong và ngoài nước nhằm tạo dựng thành “ngọn cờ” tập hợp lực lượng; số học sinh, sinh viên, thanh niên trong các dân tộc thiểu số; người từng giữ vai trò cầm đầu, cốt cán, tham gia hoạt động FULRO, “Tin lành Đê Ga”; số cầm đầu, cốt cán các tổ chức tà đạo, đạo lạ, “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới”, trong đó chú ý chuyển giao thế hệ, tập trung tuyên truyền, phát triển lực lượng ở giới trẻ có khả năng tiếp cận, sử dụng được công nghệ thông tin... để phục vụ việc trao đổi thông tin, tình hình, chuyển tài liệu cho bên ngoài; đăng tải, phát tán trên không gian mạng các hình ảnh, video liên quan đến hoạt động chống đối cấp ủy, chính quyền.
Thứ tư, đối tượng cầm đầu các tổ chức phản động, FULRO lưu vong tăng cường móc nối, tuyển chọn, lôi kéo số người dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong các trại tạm cư tham gia tổ chức phản động, phát triển lực lượng “nòng cốt”, đào tạo, huấn luyện để đưa trở lại chống phá.
Để giữ vững các thành quả đã đạt được, đấu tranh hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị như trên, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, thì phải thực sự chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, quan tâm tuyên truyền, vận động để người dân phát huy quyền làm chủ của mình trong các tiến trình kinh tế - xã hội của địa phương, lấy thực tiễn những thành tựu, kết quả trên mọi mặt để làm cơ sở vững chắc phản bác lại các thông tin xuyên tạc, bịa đặt. Quyết tâm không để các thế lực chống đối lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, chống phá trong thời gian đến cần nghiên cứu, xem xét thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện tốt chính sách dân tộc, đảm bảo nguyên tắc “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Có chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp, ngôn ngữ, chữ viết dân tộc; tăng cường công tác thông tin, giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Tình quân dân _Ảnh: Hà Quốc Thái
Hai là, tập trung củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số, đảm bảo đội ngũ cán bộ cơ sở có đủ trình độ, năng lực, có uy tín với nhân dân, có khả năng tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót của cán bộ chính quyền trong thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là chính sách dân tộc, tôn giáo. Quan tâm công tác đảm bảo an ninh chính trị nội bộ nhằm đảm bảo đoàn kết nội bộ, loại trừ biểu hiện tiêu cực trong nội bộ, phát hiện và có hình thức xử lý phù hợp với cán bộ có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, bị địch tác động, lôi kéo tham gia tổ chức và hoạt động chống chính quyền; nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở. Tăng cường công tác tranh thủ các tín đồ, chức sắc, người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo và vận động quần chúng, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên các địa bàn vùng dân tộc thiểu số.
Ba là, cần tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện, nhất là về đất đai liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số còn tồn đọng, đang có xu hướng diễn biến phức tạp, đồng thời chủ động phòng ngừa, giải quyết hiệu quả các vụ mới phát sinh, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng. Các ngành chức năng cần tham mưu tập trung đấu tranh với các tổ chức ly khai, tự trị, tổ chức bất hợp pháp mang danh nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo trong dân tộc thiểu số. Với những “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” hình thành, phát triển trong một hoặc nhóm dân tộc cần tập trung làm rõ bản chất của các tổ chức này, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xóa bỏ các hiện tượng, tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố tiềm ẩn phức tạp, như đối tượng cầm đầu, cốt cán có âm mưu thông qua các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo mới nhằm tuyên truyền, phát triển tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai, tự trị dân tộc...
Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động theo hướng ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, từ thấp đến cao, phải sử dụng người thực, việc thực ở địa phương để minh chứng; phải nắm chắc luận điệu tuyên truyền, kích động của đối tượng, mức độ tác động ảnh hưởng đến quần chúng, từ đó xây dựng nội dung phù hợp nhằm phản bác luận điệu của đối phương. Hình thức, phương pháp vận động phải phù hợp với đặc điểm tâm lý, phong tục, tập quán, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số; kết hợp chặt chẽ giữa các hình thức vận động rộng rãi, tập trung, cá biệt, trong đó chú ý khai thác, sử dụng hiệu quả internet, mạng xã hội để thông tin, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh./.
Phạm Văn Chương
Văn phòng Tỉnh uỷ Gia Lai
Văn phòng Tỉnh uỷ Gia Lai
Nguồn: tuyengiao.vn
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 202 | |
Tất cả | 3086459 |