2022-04-29 10:53:59 Số lượt xem 1787
 Với đất nước và dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là người con trung hiếu, vừa là lãnh tụ vĩ đại. “Người là Cha, là Bác, là Anh. Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”, như lời thơ của Tố Hữu. Với thế giới, nhất là với nhân dân các nước bị áp bức, khao khát phá xiềng nô lệ, Người là vĩ nhân. Từ rất sớm, UNESCO đã vinh danh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất”. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (năm 1951).
Về với thế giới người hiền ở tuổi 79 (năm 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ. Đó là các tác phẩm tiêu biểu, như “Bản án chế độ thực dân Pháp” (năm 1925), “Đường Cách mệnh” (năm 1927), “Tuyên ngôn Độc lập” (năm 1945), “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (năm 1946), “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (năm 1969) và bản “Di chúc” thiêng liêng bất hủ (năm 1969) được coi là những kiệt tác, những bảo vật quốc gia vô cùng quý giá. Bao trùm lên tất cả là tư tưởng Hồ Chí Minh, kết tinh của trí tuệ và tinh hoa văn hóa Việt Nam, của tinh thần yêu nước, thương dân, yêu Tổ quốc và đồng bào, yêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, yêu Đảng Cộng sản, ngọn cờ chiến đấu và chiến thắng của cách mạng Việt Nam.
Gần bốn thập kỷ qua, Đảng ta đã liên tiếp phát động nhiều phong trào học tập, từ “Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh” đến “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và nay là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm có liên quan đến chủ đề tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều cuộc ở tầm cỡ quốc gia đã được tổ chức, với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học.
Mới đây nhất, sau Đại hội XIII của Đảng là cuộc Hội thảo khoa học do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức với chủ đề: “Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng sự nghiệp đổi mới, ngọn cờ dẫn dắt đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc” (Nhìn lại 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và hướng tới tầm nhìn năm 2045). Đọc cuốn Kỷ yếu của Hội thảo (dày 500 trang), tôi thấy tư tưởng Hồ Chí Minh đã được đề cập một cách sâu sắc và toàn diện: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới và phát triển đất nước; về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc; về quốc phòng, an ninh, đối ngoại,... Tôi đã bắt gặp nhiều tác giả là nhà khoa học nổi tiếng như: GS. TS. Phùng Hữu Phú, GS. TS. Hoàng Chí Bảo, GS. TS. Trần Ngọc Đường, TS. Bùi Ngọc Thanh, GS. TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc, PGS. TS. Đoàn Minh Huấn, TS. Nhị Lê, PGS. TS. Vũ Trọng Lâm, GS. TS. Vũ Dương Huân, PGS. TS. Trần Vi Dân... Mỗi bài viết của các nhà khoa học ấy đều đem lại và nhân lên trong tôi nguồn cảm hứng và niềm tin.
Về phần mình, tôi muốn nhân đây, trình bày một vài ý kiến cá nhân, với nhận thức rằng: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một học thuyết cách mạng vô giá của Việt Nam
Thông thường, một học thuyết (dù là triết học, kinh tế - chính trị học hay xã hội học) được xếp theo hai cấp độ: cấp độ 1 được gọi là chủ nghĩa (chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn). Cấp độ 2 được gọi là tư tưởng (tư tưởng Mao Trạch Đông; tư tưởng chủ thể Kim Nhật Thành...).
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, chủ nghĩa (triết) là học thuyết hay hệ thống lý luận về chính trị, triết học, kinh tế, văn hóa... do một người hay một tập thể đề xuất. Ví dụ: Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết cách mạng của C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I.Lênin, là một hệ thống hoàn chỉnh, hữu cơ những quan điểm triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học... Tư tưởng, tuy nói ở cấp độ 2 những vẫn là học thuyết có chiều sâu và tầm nhìn xa rộng, có hàm lượng chất xám cao, có giá trị lý luận và thực tế không khác gì chủ nghĩa
Con người Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh đã đến với cách mạng Việt Nam, với Đảng và dân tộc ta từ rất sớm, nhất là từ sau khi nước nhà giành được độc lập (năm 1945). Vị trí và vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đã được xác định từ lâu. Từ đổi mới đến nay, rõ nhất là trong hai bản Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011). Với Đảng ta, Cương lĩnh là Tuyên ngôn chính trị của Đảng; là ngọn cờ chiếu đấu của Đảng và dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, là nền tảng lý luận, nền tảng tư tưởng và chính trị, định hướng cho hoạt động của chúng ta hiện tại và tương lai. 
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) của Đảng ghi rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(1). Lấy tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng của Đảng đã hàm ý rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là một học thuyết cách mạng, chứ không đơn thuần là tập hợp những ý tưởng, những suy nghĩ cụ thể, riêng lẻ.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã đưa ra một định nghĩa rất chính xác, ở tầm cao: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển của các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”(2). Câu hỏi đặt ra là: nếu tư tưởng Hồ Chí Minh là sự một học thuyết chính trị cách mạng, như học thuyết (hay chủ nghĩa) Mác - Lênin thì vấn đề đặt ra cho lớp người kế thừa là phải “học tập, vận dụng và phát triển sáng tạo” chứ sao lại “học tập và làm theo”? 
Tôi nghĩ, ở đây có một sự hiểu chưa thấu đáo đối với chủ trương của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mà tôi sẽ đề cập ở phần sau. Xin nhắc lại lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, qua Báo cáo Chính trị đọc tại Đại hội XIII của Đảng là phải: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(3).
Về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”Vậy là, trong bốn sự kiên định đã nêu, chỉ có kiên định thứ nhất là duy nhất được đi kèm với “vận dụng và phát triển sáng tạo”. Vì sao? Vì một lẽ rất giản đơn: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một học thuyết cách mạng.
Học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì đã rõ. Nếu học tập mà không làm theo thì chỉ có hiểu biết trên giấy tờ. Học tập và làm theo là học đi đôi với hành. Học mà không hành thì chỉ là học suông, nói suông. Việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được phát động và thực hiện trong Đảng, trong dân ta từ lâu, không phải chỉ mấy nhiệm kỳ Đại hội của Đảng gần đây. Trong phong trào thi đua xây dựng Đời sống mới, Bác Hồ đã nói: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc.
Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất.
Thiếu một đức, thì không thành người”(4).
Lời nói ấy của Bác đã nhập tâm trong cán bộ và nhân dân ta thời đó.
Nói học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh là theo nghĩa nào? Tư tưởng Hồ Chí Minh nói ở đây không phải là tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách một học thuyết chính trị, cách mạng mà là những tư tưởng, những lời chỉ dạy cụ thể của Bác dù đề cập dưới góc độ chính trị, tư tưởng hay văn hóa, đạo đức.
Ví dụ, Bác nói: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”(5). “Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào, ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân”(6). “Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính. Muốn thế phải gần gũi nhân dân, khuyến khích nhân dân, lãnh đạo nhân dân”(7).
Bác còn nói: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(8). “Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”(9).
Bác nhiều lần nhắc nhở: Muốn thực sự làm người lãnh đạo, người chỉ huy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, phải hết sức giữ gìn và nêu gương về mặt đạo đức, nếu không thì rồi sẽ hỏng cả… Muốn thế thì: Tự mình phải chỉnh trước mới giúp được người khác chỉnh. Mình không chỉnh mà muốn người khác chỉnh là vô lý. 
Có lẽ gì cán bộ, đảng viên chúng ta lại không làm theo những lời chỉ dạy ấy?
Liên hệ với tình hình hiện nay, trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, khi nói về nhiệm vụ “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức”, đã nêu rõ: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng”(10).
Vì vậy, từ những lập luận trên, có thể khẳng định:
Thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh là một học thuyết cách mạng vô giá của Việt Nam, là ngọn cờ chiến đấu và chiến thắng của đất nước và dân tộc ta. Tư tưởng đó phải được học tập, kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo, tuyệt đối không giáo điều, dập khuôn hay ngả nghiêng, dao động.
Thứ hai, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một phong trào hành động cách mạng, vì sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người, phát huy năng lực nội sinh của đất nước. Phong trào đó phải được tiến hành một cách bài bản, thường xuyên./.
 
Hà Đăng
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng 
Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương 
____________________
(1) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, H, 1991, tr. 21.
(2) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.32.
(3) (10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.33, 183-184.
(4) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.6, tr.117, 16.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.258.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.83.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.113.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.292.
 
Nguồn: tuyengiao.vn
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online45
Tất cả3196098