2017-10-30 11:16:07
Số lượt xem 1267
Là trung tâm chính trị, kinh tế vă hóa xã hội của tỉnh Bắc Ninh, trong những năm gần đây, thành phố Bắc Ninh có tốc độ phát triển mạnh mẽ. Kiến trúc hạ tầng đô thị đồng bộ hiện đại, các dịch vụ cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. An ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ổn định. Những yếu tố đó đã góp phần thu hút một lượng không nhỏ người nước ngoài và nhân dân các tỉnh thành trên cả nước về lập nghiệp, sinh sống tại thành phố Bắc Ninh.
Trong xu hướng phát triển đó, Thành ủy, UBND thành phố Bắc Ninh xác định rõ vai trò quan trọng của công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi mạng lưới chợ dân sinh cơ bản hoàn chỉnh, số lượng các nhà hàng, bếp ăn tập thể, cửa hàng ăn uống liên tục tăng nhanh. Đã có rất nhiều các giải pháp được thành phố triển khai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt vào thời điểm đầu tháng 9 vừa qua, tại Hội nghị triển khai thực hiện “Thành phố Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn”, đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Đức Điện đã khẳng định: vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm có tác động mạnh mẽ đến kinh tế và xã hội, để đảm bảo an toàn sức khỏe người dân, thành phố quyết tâm thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thành phố không còn thực phẩm không an toàn.
Theo số liệu thống kê, thành phố Bắc Ninh hiện có trên 1.800 cơ sở sản xuất, sơ chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, trong đó có 1.098 cơ sở do ngành Y tế quản lý, còn lại do Phòng Kinh tế quản lý. Hằng năm, UBND thành phố tổ chức kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về đảm bảo ATTP trên địa bàn. Từ năm 2011 đến hết tháng 8/2017, Đoàn thanh kiểm tra liên ngành của thành phố đã tiến hành kiểm tra trên 1.100 lượt cơ sở, xử phạt hành chính 73 cơ sở vi phạm trên 131 triệu đồng; tiêu hủy tại chỗ 30kg bánh, 185 chiếc bánh trung thu các loại, 20kg đồ ăn trẻ em, 70kg ngô cay và hạt hướng dương không rõ nguồn gốc xuất xứ; tạm đình chỉ hoạt động 1 cơ sở sản xuất bánh ngọt và 3 cơ sở dịch vụ ăn uống chưa có các thủ tục hành chính liên quan đến việc kinh doanh. Phối hợp với UBND xã Hòa Long kiểm tra lập biên bản phạt 5 triệu đồng đối cơ sở sản xuất mỡ tại thôn Đẩu Hàn.
Cùng với công tác thanh kiểm tra, thành phố tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung về ATTP trên hệ thống Đài Phát thanh thành phố và Đài truyền thanh các phường xã. Cấp 148 băng zôn, 240 đĩa tuyên truyền trong các đợt cao điểm, phát 57.000 tờ rơi. Tổ chức 9 lớp tập huấn Luật ATTP và các thông tư Nghị định có liên quan cho các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm; 49 buổi phổ biến kiến thức vệ sinh ATTP, 5 lớp dạy nghề nấu ăn cho 145 nhân viên các bếp ăn tập thể. Thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP cho 234 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đủ điều kiện theo quy định.
Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tạo nguồn cung thực phẩm an toàn cũng được thành phố triển khai đồng bộ. Hoạt động quản lý giám sát, xử lý ngộ độc thực phẩm được chú trọng, giai đoạn 2011 – 2016, trên địa bàn thành phố không có vụ ngộ độc lớn nào xảy ra.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố chưa thực sự đồng bộ. Cụ thể như nguồn cung thực phẩm, tình trạng người chăn nuôi sử dụng thức ăn tạo nạc, thức ăn kích thích tăng trưởng cho vật nuôi vẫn còn xảy ra; các loại rau củ quả khi đến tay người tiêu dùng có lúc vẫn còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; một số cơ sở chế biến, một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm vẫn buôn bán sử dụng nguồn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và chưa tuân thủ đầy đủ những quy định về khám sức khỏe định kỳ, vệ sinh khu vực chế biến và dụng cụ chế biến… Vì vậy để đạt mục tiêu đến năm 2020, thành phố không còn thực phẩm không an toàn, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Cụ thể: thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, lưu thông đến sử dụng; khuyến cáo các hộ dân tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi và chất phụ gia thuộc danh mục cấm; không buôn bán, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các đơn vị chuyên môn như phòng Kinh tế và ngành Y tế triển khai kế hoạch tổ chức bồi dưỡng tập huấn, đào tạo nghiệp vụ vệ sinh ATTP cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh kiểm tra của phòng Kinh tế, phòng Y tế, Trung tâm y tế thành phố và 19 phường xã; đồng thời tham mưu với UBND thành phố trong việc kiểm soát thực phẩm từ khâu sản xuất, lưu thông và sử dụng. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra và kiên quyết xử lý đối với những cơ sở vi phạm quy định về vệ sinh ATTP; trang bị đầy đủ các trang thiết bị, máy móc cần thiết phục vụ cho công tác kiểm tra. Đội quản lý Thị trường số 1 và Công an thành phố xây dựng kế hoạch triển khai các đợt cao điểm và quy chế phối hợp với các Phòng chuyên môn của thành phố, trong đó xác định rõ địa bàn và đối tượng trọng điểm trong công tác thanh kiểm tra, đề xuất phương pháp quản lý khoa học, phù hợp, cụ thể đối với vấn đề thức ăn đường phố và phát hiện, xử lý tiêu hủy các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên địa bàn.
Thúy Nga
Đài Phát thanh TP Bắc Ninh
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 20 | |
Tất cả | 3191562 |