2018-06-27 10:55:00
Số lượt xem 4408
Thành phố Bắc Ninh ngày nay là trung tâm của vùng Quan họ, nơi tập trung hầu hết các làng Quan họ gốc (31 làng trong tổng số 44 làng Quan họ gốc của tỉnh Bắc Ninh), là quê hương của Đức Vua Bà - Thủy tổ Quan họ ở làng Viêm Xá (xã Hòa Long) với câu ca truyền đời của người Quan họ:
Thủy tổ Quan họ làng ta,
Những lời ca xướng, Vua Bà sinh ra.
Hát Quan họ tại lễ hội Làng Diềm quê hương của Thuỷ tổ Vua bà
|
Vì vậy, Thành phố Bắc Ninh chính là nơi khởi nguồn của Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dân ca Quan họ với hơn 300 bài (làn điệu) được sưu tầm chủ yếu ở nghệ nhân các làng Quan họ Viêm Xá (tức làng Diềm), Thị Cầu, Đào Xá, Bò Sơn, Y Na, Thị Chung... thuộc thành phố Bắc Ninh ngày nay, đã khẳng định lớp lớp các thế hệ nghệ nhân của thành phố, góp phần chủ yếu trong việc sáng tạo, bảo tồn và truyền dạy cho các thế hệ nối tiếp không chỉ hàng trăm làn điệu Quan họ cổ, mà còn truyền dạy nghệ thuật ca hát, hướng dẫn lối chơi Quan họ ở mỗi làng, mỗi bọn Quan họ với những phong cách riêng, vừa đặc sắc và độc đáo. Ngày nay các nhà nghiên cứu Quan họ đã xác định nghệ thuật ca hát cùng lối chơi Quan họ mang phong cách riêng của từng làng Viêm Xá, Thị Cầu, Bò Sơn, Y Na, Thị Chung, Châm Khê... không chỉ thể hiện sự phong phú, đa dạng của sinh hoạt văn hóa Quan họ, mà còn là lối chơi Quan họ điển hình và đặc sắc của Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Sự kết bạn giữa “các bọn” Quan họ, giữa các làng Quan họ gốc của thành phố Bắc Ninh như Bò Sơn với Y Na, Bò Sơn với Khả Lễ, Diềm với Bựu Sim. Khả Lễ với Hòa Đình, Hữu Chấp với Khúc Toại... là những mẫu mực của tình bạn Quan họ: vừa thủy chung vừa bền chặt, vừa rộng mở hòa đồng “tứ hải giao tình, bốn biển một nhà”, “tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm”. Qua trường kỳ lịch sử với biết bao thăng trầm, đến nay, mối gắn kết Quan họ của nhiều làng Quan họ, nhiều bọn Quan họ vẫn được duy trì, điển hình như Bò Sơn - Y Na, Đọ Xá - Phúc Sơn, Diềm - Bựu Sim, Đào Xá - Thị Cầu...
Quan họ thường gắn liền với lễ hội và là một đặc trưng quan trọng của sinh hoạt văn hóa Quan họ. Lễ hội Quan họ ở thành phố Bắc Ninh không chỉ phong phú, mà còn đặc sắc tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của sinh hoạt văn hóa Quan họ. Hầu như làng Quan họ nào của thành phố cũng có lễ hội, mỗi lễ hội có một sắc thái riêng độc đáo và hấp dẫn, và hội nào cũng gắn với sinh hoạt văn hóa Quan họ với các cuộc đón bạn Quan họ kết bạn, tổ chức đón tiếp nhau thật thắm tình, lịch lãm, ca hát với nhau thâu đêm suốt sáng, vừa thi tài nghệ thuật ca hát đối đáp, vừa phổ diễn nét đặc sắc trong sinh hoạt, phong tục ca hát Quan họ của mỗi làng, mà “trong 6 tỉnh, ngoại năm thành” chỉ có ở Bắc Ninh, như lời người quan họ:
Trong sáu tỉnh người còn chưa tỏ,
Ngoài năm thành chỉ có Bắc Ninh.
Yêu nhau trở lại xuân tình,
Nghề chơi Quan họ có tinh mới tường.
Các lễ hội và sinh hoạt văn hóa Quan họ của các làng Quan họ của thành phố được diễn ra trong không gian của những công trình tín ngưỡng, tâm linh và văn hóa nổi tiếng như các đền Vua Bà, đền Bà Chúa Kho, đình chùa Bồ Sơn, đình chùa Cổ Mễ, Văn Miếu Bắc Ninh, Thành cổ Bắc Ninh, chùa Y Na, chùa Yên Mẫn, chùa Hàm Long, chùa Dạm... Đó là những công trình kiến trúc cổ vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn hóa nghệ thuật tiêu biểu, kết tinh những giá trị của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc nổi tiếng “địa linh nhân kiệt”. Các nhà nghiên cứu Quan họ đã khẳng định lễ hội cùng các sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh diễn ra ở các đình, đền, chùa của các làng Quan họ là môi trường nuôi dưỡng và bảo tồn sinh hoạt văn hóa Quan họ qua trường kỳ lịch sử với biết bao thăng trầm, biến cố của thiên nhiên và xã hội.
Từ ngày tỉnh Bắc Ninh được tái lập, đặc biệt từ khi thị xã Bắc Ninh được mở rộng và nâng cấp lên thành phố, và Dân ca Quan họ Bắc Ninh trở thành Di sản văn hóa nhân loại, được sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền thành phố, sự nghiệp bảo tồn, phát huy Dân ca Quan họ của thành phố Bắc Ninh đã được những thành tựu quan trọng.
Sinh hoạt văn hóa Quan họ truyền thống đã được khôi phục và duy trì ở nhiều làng Quan họ gốc tiêu biểu Viêm Xá, Đào Xá, Châm Khê, Bò Sơn... Phong trào ca hát Quan họ phát triển rộng khắp ở nhiều cơ quan, đơn vị và ở hầu khắp các làng trong thành phố. Thành phố Bắc Ninh có 31 nghệ nhân trong tổng số 41 nghệ nhân của toàn tỉnh chiếm số lượng đông nhất. Các cụ nghệ nhân và các anh hai, chị hai ở các làng quan họ đã tích cực truyền dạy cho các lớp thanh thiếu niên và những người yêu thích Quan họ những bài ca, điệu hát cùng lề lối sinh hoạt và lối chơi Quan họ. Qua đó các Đội văn nghệ, các Câu lạc bộ Quan họ của thành phố luôn được phát triển, là lực lượng chủ yếu tham gia và đóng góp thành công vào các sự kiện sinh hoạt văn hóa nghệ thuật lớn của tỉnh như: Hội thi hát Quan họ đầu xuân, các cuộc Festival văn hóa và thể thao, các ngày kỷ niệm trọng đại của tỉnh và của thành phố. Dân ca Quan họ đã đóng vai trò nòng cốt trong việc quảng bá giới thiệu sinh hoạt văn hóa và ca hát Quan họ truyền thống với quý khách trong và ngoài nước mỗi khi có dịp tới thăm miền quê Quan họ Bắc Ninh
Với sự nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ, thành phố đã có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả như: phục dựng các nghi lễ truyền thống và không gian văn hóa Quan họ, tổ chức truyền dạy Quan họ cho cán bộ, công chức và đưa chương trình dạy hát Dân ca Quan họ vào các trường phổ thông; tổ chức chức chương trình giao lưu “Canh hát Quan họ đêm Rằm”, xây dựng các nhà chứa Quan họ... Với những tiềm năng và những thành tựu đã đạt được, thành phố Bắc Ninh thực sự giữ vai trò quyết định trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy Dân ca Quan họ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận năm 2009.
Nguồn: Thành phố Bắc Ninh - vùng đất văn hiến
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 17 | |
Tất cả | 3093445 |