2018-04-19 14:33:34 Số lượt xem 16947
Truyền thống hiếu học, khoa bảng và một số danh nhân tiêu biểu của thành phố Bắc Ninh 
phần 1:Truyền thống hiếu học khoa bảng
 
Trải suốt quá trình lịch sử khoa cử thời phong kiến Việt Nam, kể từ khoa thi Hội đầu tiên năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh thứ 4 (1075), vua Lý Nhân Tông triều Lý mở khoa thi Minh kinh bác học, đến khoa thi Hội cuối cùng năm Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định thứ 4 (1919) triều Nguyễn, nước ta có 188 khoa thi và 2.971 vị đỗ Đại khoa trong đó vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc có 679 vị đỗ Đại khoa, (tính riêng thành phố Bắc Ninh có 44 vị), hàng nghìn vị Cử nhân và Tú tài góp phần viết lên trang sử vẻ vang của vùng đất nổi tiếng hiếu học và khoa bảng.
Thành phố Bắc Ninh hiện nay là đơn vị hành chính được thành lập muộn trên cơ sở đất đai tách ra từ các huyện Tiên Du, Yên Phong, Võ Giàng. Đây là những vùng đất có bề dày lịch sử truyền thống, có vị trí địa lý và điều kiện thuận lợi để người xưa chọn làm nơi khai phá ruộng đồng, sinh cơ lập nghiệp, phát triển kinh tế, văn hoá. Trải qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, hiện nay thành phố Bắc Ninh có 19 xã, phường (16 phường, 3 xã) với 114 làng, khu phố. Trong đó, số danh nhân khoa bảng thời kỳ phong kiến Việt Nam của các làng xã thuộc thành phố Bắc Ninh hiện nay theo các tài liệu đăng khoa lục và điều tra khảo sát tại địa phương, số người đỗ đại khoa là 44 vị, gồm: xã Kim Chân 26 vị (làng Kim Đôi 25 vị, làng Ngọc Đôi 01 vị), xã Nam Sơn 04 vị, phường Vũ Ninh 05 vị, phường Vân Dương 02 vị, phường Khắc Niệm 02 vị, xã Hoà Long 02 vị, phường Khúc Xuyên 01 vị, phường Đáp Cầu 01 vị, phường Võ Cường 01 vị. Trong đó có 01 vị đỗ Bảng nhãn, 05 vị đỗ Hoàng giáp (Đệ Nhị giáp tiến sĩ xuất thân), 37 vị đồng tiến sĩ xuất thân, 01 vị Phó bảng và hàng trăm vị đỗ cử nhân, tú tài.
Tấm bia bình phong Bắc Ninh tỉnh (Văn Miếu Bắc Ninh), trùng tu bi kí dựng năm 1928
Lịch sử khoa cử của thành phố Bắc Ninh dưới chế độ phong kiến Việt Nam được tính từ Trần Bá Linh đỗ tiến sĩ năm Nhâm Tuất (1442) đến Phó bảng Dương Danh Lập đỗ năm Ất Sửu (1865). Số lượng đỗ đại khoa nhiều nhất của thành phố Bắc Ninh tập trung tại xã Kim Chân có 26 vị đại khoa, trong đó làng Kim Đôi có 25 vị (họ Nguyễn 18 vị, họ Phạm 06 vị, họ Tạ 01 vị), làng Ngọc Đôi có 1 vị (họ Chu). Nhắc đến truyền thống hiếu học, khoa bảng của xã Kim Chân nói riêng, thành phố Bắc Ninh nói chung, không thể không nhắc đến sự nghiệp khoa cử vẻ vang của họ Nguyễn làng Kim Đôi với 18 tiến sĩ. Đây là dòng họ nổi danh khoa cử xứ Kinh Bắc xưa và là biểu tượng của truyền thống hiếu học tỉnh Bắc Ninh.
Ca ngợi truyền thống hiếu học họ Nguyễn làng Kim Đôi, Vua Lê Thánh Tông đã ban cho 8 chữ vàng: “Kim Đôi gia thế chu tử mãn triều” (nghĩa là dòng họ Kim Đôi áo đỏ, áo tía đầy triều). Tám chữ trên được lấy ý từ hai câu thơ trong Ấu học ngũ ngôn thi “Mãn triều chu tử quí/Tận thị độc thư nhân” (Đầy triều quan lại mặc sắc phục đỏ, tía/ Tất cả đều là do đọc sách mà có được). Điểm đặc biệt, trong một họ có gia đình 5 anh em ruột đều đỗ Tiến sĩ và làm quan dưới triều vua Lê Thánh Tông (Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Nhân Thiếp, Nguyễn Nhân Phùng, Nguyễn Nhân Đạc, Nguyễn Nhân Dư). Một số vị trong họ vì tài năng xuất chúng mà được dự vào Hội Tao Đàn nhị thập bát tú do vua Lê Thánh Tông làm Chủ soái như: Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Nhân Thiếp.
Họ Nguyễn làng Kim Đôi cũng là dòng họ có nhiều người đỗ đại khoa khi tuổi còn trẻ tuổi, như: Nguyễn Nhân Thiếp đỗ Tiến sĩ lúc 15 tuổi, Nguyễn Nhân Dư đỗ tiến sĩ lúc 17 tuổi, ngoài ra tiến sĩ tuổi từ 18-21 có đến hơn chục vị.
Bên cạnh sự nghiệp khoa cử vẻ vang của dòng họ Nguyễn làng Kim Đôi, còn có những dòng họ, các nhân vật khác cũng đạt được nhiều thành tựu trên con đường khoa cử. Bản thân họ là những người giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình, có nhiều đóng góp cho quốc gia, xã hội và nhân dân. Cụ thể như họ Phạm làng Kim Đôi có 6 tiến sĩ: Phạm Thiệu, Phạm Đình Châu, Phạm Nguyễn Đạt, Phạm Đình Dư, Phạm Quỹ, Phạm Bá Thiều. Trong đó có tiến sĩ Phạm Thiệu đỗ Hoàng giáp năm 1553 và tiến sĩ Phạm Nguyễn Đạt đỗ Tiến sĩ năm 1757 từng được triều định cử đi sứ sang Trung Quốc. Hay như Hoàng giáp Trần Bá Linh, người đã có công khai lập làng, xã và đình chùa Đáp Cầu, đó còn là tên tuổi và những giai thoại về sự thông minh, hiếu học của dòng họ Vũ xã Vĩ Vũ (nay là khu Phương Vĩ, phường Vũ Ninh).
Truyền thống hiếu học, khoa bảng của thành phố Bắc Ninh thực sự là di sản quý báu do các bậc tiên hiền đời trước gây dựng và để lại. Con số 44 vị đại khoa (Tiến sĩ, Phó bảng) không phải là địa phương đứng đầu về số lượng người đỗ đại khoa so với toàn tỉnh, nhưng nơi đây lại có những điểm riêng biệt khó có nơi nào có được, đó là “Làng Tiến sĩ” Kim Đôi với 25 vị đỗ đại khoa; “Họ Tiến sĩ” với 18 vị Tiến sĩ, “Gia đình Tiến sĩ” trong đó có một gia đình có 5 anh em ruột đỗ đại khoa và làm quan cùng triều; có nhiều vị là nhà văn hóa, nhà thơ lớn tham gia trong Hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông làm chủ soái... Hiện nay, các di tích gắn liền với truyền thống hiếu học và khoa bảng của thành phố như: Văn miếu Bắc Ninh, Nhà thờ 18 tiến sĩ họ Nguyễn - Kim Đôi, Văn chỉ họ Phạm... đều được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Đây là những minh chứng, là biểu tượng và lòng tự hào của nhân dân thành phố Bắc Ninh đối với truyền thống hiếu, học khoa bảng vẻ vang của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Nguồn: Thành phố Bắc Ninh - vùng đất văn hiến
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online47
Tất cả3088262