2019-05-31 15:37:34 Số lượt xem 6596
Câu hỏi : Sau khi làm việc với người tố cáo, nếu người tố cáo yêu cầu thì có được gửi biên bản làm việc cho người tố cáo không? Có gửi cho người tố cáo thông báo kết luận giải quyết tố cáo bằng văn bản (khi người tố cáo có yêu cầu) không?
Trả lời:
1. Về việc gửi biên bản làm việc cho người tố cáo:
- Tiết 5.1.1 Điểm 5.1, Khoản 5, Điều 32, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của BCH Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định:
“- Người tố cáo phải trình bày trung thực sự việc, ghi rõ họ, tên, địa chỉ, ký tên chịu trách nhiệm về nội dung tố cáo và bằng chứng của mình. Nếu phản ảnh trực tiếp thì phải được ghi lại thành văn bản, người tố cáo phải ký tên chịu trách nhiệm vào văn bản. Không được viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên hoặc ký tên từ hai người trở lên trong một đơn tố cáo, không được gửi, tán phát hoặc phổ biến nội dung tố cáo, tên người bị tố cáo, nội dung làm việc với tổ chức, cá nhân giải quyết tố cáo, nội dung kết luận giải quyết tố cáo cho những tổ chức hoặc cá nhân không có trách nhiệm”.
Theo quy định trên thì việc gặp và làm việc với người tố cáo được thực hiện từ trước khi tiến hành giải quyết tố cáo để xác minh danh tính người tố cáo và thống nhất về nội dung tố cáo và đối tượng bị tố cáo. Trong quá trình giải quyết tố cáo, đoàn kiểm tra giải quyết tố cáo còn tiếp tục gặp và làm việc với người tố cáo theo lịch trình cụ thể của việc giải quyết tố cáo. Sau mỗi lần làm việc với người tố cáo, đại diện tổ chức đảng có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải lập biên bản, có chữ ký xác nhận của người tố cáo. Theo quy định của Đảng, các biên bản làm việc với người tố cáo đều là nội dung thuộc danh mục tài liệu “mật”, do đó, các biên bản làm việc với người tố cáo không được gửi cho người tố cáo.
2.  Về việc có gửi thông báo kết luận giải quyết tố cáo bằng văn bản cho người tố cáo biết không:
- Tiết 5.1.1 Điểm 5.1, Khoản 5, Điều 32, Quy định số 30-QĐ/TW, quy định về thẩm quyền, nguyên tắc giải quyết tố cáo, như sau:
Sau khi giải quyết xong, phải thông báo cho người tố cáo biết kết quả giải quyết tố cáo bằng hình thức thích hợp”.
Theo quy định trên, việc thông báo cho người tố cáo biết kết quả giải quyết tố cáo là trách nhiệm tổ chức đảng có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Quy định trên không cấm việc thông báo kết quả giải quyết tố cáo bằng văn bản. Tuy nhiên, việc giải quyết tố cáo là công việc nội bộ Đảng; do đó, việc thông báo bằng hình thức nào (bằng văn bản hay đọc cho người tố cáo nghe, cho người tố cáo trực tiếp đọc, ghi chép những nội dung cần thiết…), phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng vụ việc tố cáo cụ thể, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng trong từng thời gian của địa phương, đơn vị, để tổ chức đảng có thẩm quyền giải quyết tố cáo quyết định cho phù hợp.
 
Nguồn: Ủy ban Kiểm tra Thành ủy 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online154
Tất cả3170610