2019-01-07 11:01:40
Số lượt xem 8174
Câu hỏi 1:
Đảng viên A là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã X vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình (sinh con thứ 4), bị Đảng ủy xã X ra quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã. Vậy, việc Đảng ủy xã X quyết định cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã đối với đảng viên A có đúng thẩm quyền không?
Trả lời:
Khoản 2, Điều 36, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của BCH Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định:
“Cấp ủy tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp ủy viên cùng cấp vi phạm nhiệm vụ do cấp ủy giao.
…Ban Thường vụ cấp ủy quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên, cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý vi phạm nhiệm vụ chuyên môn được giao…
Quyết định các hình thức kỷ luật đối với đảng viên, kể cả bí thư, phó bí thư, ủy viên Ban Thường vụ, cấp ủy viên cấp dưới trực tiếp và cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp”.
Căn cứ các quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, đảng viên A là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã X, vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức thì thẩm quyền xử lý kỷ luật thuộc Ban Thường vụ Huyện ủy. Như vậy, Đảng ủy xã X quyết định kỷ luật cách chức ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã đối với đảng viên A là không đúng thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng.
Câu hỏi 2:
Chi bộ cơ sở A ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với đảng viên B (là đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) và báo cáo UBKT Huyện ủy C. Sau khi xem xét, UBKT Huyện ủy C nhận thấy Chi bộ A xử lý không đúng mức với mức độ vi phạm của đảng viên B. Vậy UBKT Huyện ủy C phải thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Khoản 2, Điều 38, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của BCH Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định:
“Trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật nhưng tổ chức đảng cấp dưới không xử lý hoặc xử lý không đúng mức thì cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy hoặc UBKT cấp trên trực tiếp quyết định xem xét, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền, không phải làm thủ tục từ dưới lên. Đồng thời, phải xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng và người đứng đầu của tổ chức đảng đó, nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì phải xử lý đúng mức”.
Căn cứ các quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, UBKT Huyện ủy C có thể rút hồ sơ đảng viên B để xem xét, quyết định hình thức kỷ luật theo thẩm quyền. Trường hợp không thuộc thẩm quyền thi hành kỷ luật thì báo cáo cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, phải xem xét trách nhiệm của Chi bộ A nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì phải đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật.
Câu hỏi 3:
Đảng viên A tố cáo đ/c Bí thư Đảng ủy xã, UBKT Huyện ủy X đã giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho người tố cáo. Người tố cáo không đồng ý với kết quả giải quyết của UBKT Huyện ủy X, tiếp tục gửi đơn lên UBKT Tỉnh ủy nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới.
UBKT Tỉnh ủy chuyển đơn về cho UBKT Huyện ủy X. Vậy, việc chuyển đơn tố cáo về cho UBKT Huyện ủy X có đúng không và UBKT Huyện ủy X có phải giải quyết đơn tố cáo đó không?
Trả lời:
Việc giải quyết tố cáo trong Đảng thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ. Cán bộ bị tố cáo thuộc cấp ủy nào quản lý thì cấp ủy đó giải quyết tố cáo. Đ/c Bí thư Đảng ủy xã là cán bộ thuộc Ban Thường vụ Huyện ủy X quản lý nên UBKT Tỉnh ủy chuyển đơn tố cáo đảng viên A cho UBKT Huyện ủy X giải quyết là theo đúng quy định về phân cấp quản lý cán bộ.
Mặt khác, Điểm 5.1, Khoản 5, Điều 32, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của BCH Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định:
“Không giải quyết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ và đơn tố cáo có tên đã được cấp có thẩm quyền (do Điều lệ Đảng và Luật Tố cáo quy định) xem xét, kết luận, nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ việc…”.
Như vậy, căn cứ quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, UBKT Huyện ủy X không xem xét, giải quyết đơn tố cáo đó của đảng viên A là đúng quy định.
Câu hỏi 4:
Tổ chức đảng đã làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng tạm thời cho đảng viên A nhưng đảng viên A không tham gia sinh hoạt đảng và không đóng đảng phí 4 tháng liên tục trong năm mà không có lý do chính đáng. Khi xem xét, xử lý đảng viên vi phạm, có 2 ý kiến khác nhau:
Ý kiến 1: Cấp ủy nơi đảng viên sinh hoạt đảng tạm thời được xem xét, xóa tên trong danh sách đảng viên đối với đảng viên A.
Ý kiến 2: Tổ chức đảng nơi đảng viên sinh hoạt chính thức mới có thẩm quyền xem xét xóa tên trong danh sách đảng viên đối với đảng viên A.
Vậy, ý kiến nào đúng?
Trả lời:
Điểm 6.8, Khoản 6, Điều 36, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của BCH Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định:
“Đảng viên sinh hoạt tạm thời vi phạm kỷ luật ở nơi sinh hoạt tạm thời, thì cấp ủy nơi đảng viên sinh hoạt tạm thời có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật tới mức cảnh cáo. Sau khi xử lý kỷ luật phải thông báo bằng văn bản cho cấp ủy nơi đảng viên sinh hoạt chính thức biết”.
Mục d, Tiết 4.6, Mục 4, Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 05/01/2012 của Ban Bí thư về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng, quy định về thủ tục xóa tên đảng viên trong danh sách đảng viên như sau:
“Đảng ủy cơ sở được ủy quyền quyết định kết nạp đảng viên ra quyết định xóa tên đảng viên dự bị nếu được sự đồng ý của ít nhất hai phần ba đảng ủy viên đương nhiệm”.
Trong trường hợp câu hỏi nêu, Chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt tạm thời chỉ có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên A đến mức Cảnh cáo. Việc xóa tên đảng viên không phải là một hình thức kỷ luật và không thuộc thẩm quyền của tổ chức đảng nơi đảng viên sinh hoạt tạm thời, mà thuộc thẩm quyền của tổ chức đảng nơi đảng viên sinh hoạt chính thức quyết định.
Vậy, ý kiến thứ 2 đúng.
Câu hỏi 5:
Điểm 3.1, khoản 3, Điều 40, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của BCH Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định: “Đảng viên bị kỷ luật cách chức, bao gồm cả chức vụ do đại hội, cấp ủy, UBKT bầu, do chỉ định hoặc bổ nhiệm, trong vòng một năm kể từ ngày công bố quyết định, không được bầu vào cấp ủy, không chỉ định, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn”.
Tuy nhiên, tại khoản 6, Điều 10 Quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị quy định một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng nêu không cơ cấu vào cấp ủy, bố trí làm cán bộ chủ chốt, bầu làm đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đối với trường hợp: “Có biểu hiện cơ hội chính trị, bè phái, gây mâu thuẫn, mất đoàn kết nghiêm trọng, bị thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên, thời gian thi hành kỷ luật chưa được 60 tháng”.
Vậy khi thực hiện thẩm định tiêu chuẩn cán bộ để bầu, bổ nhiệm, chỉ định cấp ủy, các chức danh chủ chốt thì áp dụng Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của BCH Trung ương hay Quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị đối với trường hợp đảng viên bị thi hành kỷ luật?
Trả lời:
Tại Điểm 3.1, khoản 3, Điều 40, Quy định Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của BCH Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định: “Đảng viên bị kỷ luật cách chức, bao gồm cả chức vụ do đại hội, cấp ủy, UBKT bầu, do chỉ định hoặc bổ nhiệm, trong vòng một năm kể từ ngày công bố quyết định, không được bầu vào cấp ủy, không chỉ định, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn”.
Quy định này thực hiện đối với việc bầu, chỉ định, bổ nhiệm đảng viên bị kỷ luật cách chức nói chung.
Còn tại Khoản 6, Điều 10, Quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị quy định một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng nêu “Có biểu hiện cơ hội chính trị, bè phái, gây mâu thuẫn, mất đoàn kết nghiêm trọng, bị thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên, thời gian thi hành kỷ luật chưa được 60 tháng”.
Đây là trường hợp áp dụng cụ thể đối với đảng viên vi phạm về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng nêu trên.
Câu hỏi 6:
Chi bộ A bị Đảng ủy kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, đ/c X là đảng viên trong chi bộ A có vi phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, trong thời gian này cũng đến thời điểm xem xét, bổ nhiệm lại đối với đ/c A.
Hỏi, đ/c A có được tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét, bổ nhiệm lại hay không?
Trả lời:
Khoản 6, Điều 3, Quy định 07-Qđi/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị về xử lý tổ chức Đảng vi phạm quy định như sau: “Kỷ luật một tổ chức Đảng phải xem xét và quy rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời xem xét trách nhiệm của từng cá nhân để xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm có liên quan; những đảng viên không bị kỷ luật về cá nhân vẫn được tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét, thực hiện công tác cán bộ theo quy định”.
Căn cứ quy định trên, trường hợp Chi bộ bị xử lý kỷ luật, vì đ/c A không bị kỷ luật nên vẫn được tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét, bổ nhiệm lại; còn việc đ/c A có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm lại hay không do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Câu hỏi 7:
Chi bộ thôn A ban hành nghị quyết bán đất trái thẩm quyền, Đảng ủy xã X xem xét, kết luận đến mức kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Tuy nhiên, sự việc đó đã xảy ra cách đây hơn 10 năm. Hỏi Đảng ủy xã X có xử lý kỷ luật hay không xử lý kỷ luật đối với Chi bộ thôn A?
Trả lời:
Khoản 1 và khoản 2, Điều 5, Quy định 07-Qđi/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị về xử lý tổ chức Đảng vi phạm quy định như sau:
“Thời hiệu xử lý kỷ luật tổ chức Đảng vi phạm được quy định như sau:
- 5 năm đối với những vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
- 10 năm đối với những vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.”
Trường hợp vi phạm của Chi bộ thôn A nêu trên đã hơn 10 năm, vì đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật nên Đảng ủy xã X sau khi biểu quyết quyết định kỷ luật thì không ban hành quyết định kỷ luật đối với Chi bộ thôn A.
Câu hỏi 8:
Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW, ngày 22/3/2018 của UBKT TW về thực hiện một số Điều trong Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, tại Điều 27 có nêu: “Trường hợp sinh con thứ 3 do mang thai ngoài ý muốn, nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên) thì thôi không xem xét, xử lý kỷ luật”.
Về nội dung trên có 3 ý kiến:
1. Chỉ cần có giấy xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương về việc nạo phá thai làm ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ, thì đảng viên đó không bị xử lý kỷ luật.
2. Phải có giấy xác nhận của bệnh viện cấp huyện về việc sử dụng các biện pháp tránh thai mà ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ thì mới không bị xử lý kỷ luật.
3. Chỉ cần xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương vào sổ khám chữa bệnh của người đi khám, không cần giấy xác nhận.
Vậy vấn đề trên được hiểu như thế nào là đúng?
Trả lời:
Vấn đề được hiểu như sau, trường hợp đã sử dụng biện pháp tránh thai nhưng vẫn có thai (mang thai ngoài ý muốn); có xác nhận của bệnh viện nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ, thì không xử lý kỷ luật. Ý kiến thứ nhất đúng.
Việc xác nhận do bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên thực hiện và chịu trách nhiệm, có thể thực hiện trên sổ khám bệnh hoặc bằng giấy xác nhận (quy định này không áp dụng đối với trường hợp sinh con thứ 4 trở lên).
Câu hỏi 9:
Đảng viên A có vợ sinh con thứ 3 và có giấy xác nhận thuộc trường hợp không xem xét, xử lý kỷ luật theo Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW, ngày 22/3/2018 của UBKT TW. Tuy nhiên, qua thảo luận ở Chi bộ, nhiều ý kiến cho rằng đ/c A không trung thực trong việc xác nhận (lợi dụng quen biết để xin giấy xác nhận hoặc sử dụng giấy xác nhận giả) để được miễn hình thức kỷ luật. Hỏi vấn đề trên xử lý như thế nào?
Trả lời:
Trường hợp này, nếu có sự nghi ngờ về tính trung thực, chính xác của vụ việc, Chi bộ lập Tổ kiểm tra, tiến hành thẩm tra, xác minh, xem xét, kết luận và xử lý theo thẩm quyền.
Câu hỏi 10:
Một quần chúng có thai 3 tháng (sinh con thứ 3) nhưng không khai báo với chi bộ. Chi bộ và các tổ chức Đảng liên quan, người giúp đỡ không phát hiện quần chúng đó có thai. Chi bộ đã kết nạp đảng cho quần chúng đó. Trong thời gian chưa hết 01 năm dự bị thì đảng viên đó sinh con. Vậy phải xử lý trường hợp này như thế nào, có chuyển đảng chính thức cho đảng viên đó không và xử lý kỷ luật như thế nào?
Trả lời:
Điểm 2.3, Khoản 2, Điều 35, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của BCH Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định: “Đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải kỷ luạt thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo và khi hết thời hạn dự bị, Chi bộ vẫn tiến hành xem xét công nhận đảng viên chính thức. Nếu vi phạm đến mức không còn đủ tư cách đảng viên thì xóa tên trong danh sách đảng viên”.
Như vậy, theo quy định trên, đảng viên dự bị vi phạm kỷ luật vào thời gian của thời kỳ dự bị nếu đến mức phải kỷ luật thì vẫn xem xét, xử lý kỷ luật đối với đảng viên đó; khi hết thời gian dự bị, Chi bộ vẫn tiến hành xem xét công nhận đảng viên chính thức đối với đảng viên đó. Việc có chuyển đảng chính thức hay không, tổ chức Đảng căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Đảng và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương để xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 71 | |
Tất cả | 3087133 |