2019-07-25 08:50:21 Số lượt xem 2515
Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tăng cường xây dựng Đảng ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ, việc nhận thức và thực hiện tư tưởng của Người về chống chủ nghĩa cá nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay tự soi, tự sửa, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao của quần chúng nhân dân trước những thời cơ và vận hội mới của đất nước.
Nghiên cứu, quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân sẽ làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh
(Nguồn: voh.com.vn)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó, Người luôn nhắc nhở, căn dặn chúng ta: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(1). Lời cảnh tỉnh đó vẫn còn nguyên giá trị trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Con người phát triển toàn diện trong chế độ xã hội chủ nghĩa là con người biết kết hợp đầy đủ và hài hòa các lợi ích giữa cá nhân - tập thể - xã hội. Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn coi trọng và xác định lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp cho sự phát triển. Tuy nhiên, nếu tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, coi lợi ích cá nhân là động lực duy nhất thì đó là tư tưởng cực đoan, dễ sa ngã vào chủ nghĩa cá nhân. Về bản chất, chủ nghĩa cá nhân là lối sống tuyệt đối hóa lợi ích, sự tự do cá nhân, hướng tới thỏa mãn những suy nghĩ, nhu cầu, mục đích, hành vi vụ lợi, hưởng lạc theo chủ nghĩa vị kỷ, nuôi dưỡng tính hám lợi, hiếu danh, ích kỷ. Đúng như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, v.v.. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”(2).

Chủ nghĩa cá nhân không tự nhiên sinh ra và tồn tại ở mọi xã hội mà nó chỉ nảy sinh và phát triển trong xã hội dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, ở đó còn tồn tại tình trạng người bóc lột người, khi giải quyết mối quan hệ về lợi ích thì luôn đặt quyền lợi của cá nhân lên trên hết: “khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng”(3). Hệ lụy của chủ nghĩa cá nhân mang lại là vô cùng nguy hại, bởi đó là nguồn gốc sâu xa dẫn tới sự suy thoái, biến chất, làm giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong Đảng, bởi vì: “do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(4) và “do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”(5).

Chủ nghĩa cá nhân được biểu hiện đa dạng, luôn biến hóa muôn hình vạn trạng. Cách đây 50 năm, trước khi về cõi vĩnh hằng, trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (3-2-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra 10 loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân cần nhận diện và phòng chống: bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh “hữu danh vô thực”; bệnh cận thị (biểu hiện là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tỵ nạnh; bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh. Người coi chủ nghĩa cá nhân là “địch nội xâm” và “địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”(6). Đó là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. Chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân nó sẽ “ngăn trở” người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin cậy của dân với Đảng, cho nên: “chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”(7).

Hiện nay, bên cạnh những cơ hội thuận lợi, nước ta còn chịu sự tác động không nhỏ từ mặt trái của cơ chế thị trường, những tiêu cực nảy sinh trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang thực hiện quá độ lên CNXH, khi cái mới và cũ còn tồn tại đan xen, cái tiến bộ đang dần hình thành và tàn dư của xã hội cũ chưa bị loại bỏ hoàn toàn thì chủ nghĩa cá nhân vẫn có môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển với những biểu hiện ngày càng phức tạp và vô cùng tinh vi. Thực tế này đã được Đảng ta nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”(8). Ở một số cơ quan công quyền, tình trạng cục bộ địa phương, bè phái, tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, tư lợi của công, chuyên quyền, độc đoán, hách dịch, lên mặt làm quan cách mạng,... vẫn diễn ra, đang nổi lên như một vấn nạn, gây bức xúc cho toàn xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”(9)… Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng này là do “bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”(10). Điều đó dẫn đến một hệ lụy vô cùng nguy hại: “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”(11).

Một khi chủ nghĩa cá nhân có điều kiện thuận lợi để tồn tại và phát triển sẽ là mối nguy hại vô cùng to lớn cho Đảng và dân tộc, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, gây trở ngại lớn đến sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Do vậy, trên cơ sở nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này, chủ động đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên hiện nay là việc làm cần thiết, thường xuyên và là lương tâm, trách nhiệm của những người cộng sản chân chính. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, chúng ta cần nhận thức và thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên

Các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm cho mỗi cán bộ, đảng viên. Về nội dung, cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu, kỹ về các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn, quy định về công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Cán bộ, công chức; Quy định 47-QĐ/TW, ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa XI, ngày 7-6-2012 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Trong bối cảnh hiện nay, trên từng cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao, cần phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”... làm cho mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, từ đó khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức, thái độ tích cực với công việc, khắc phục tính ích kỷ, vụ lợi, cục bộ, bè phái vì lợi ích của bản thân mà quên đi lợi ích của tập thể, xã hội.

Công tác tuyên truyền, giáo dục đòi hỏi phải kiên trì, thường xuyên, liên tục, đồng bộ, tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi, mọi điều kiện, hoàn cảnh, thực hiện “mưa dầm, thấm lâu” trong mỗi cán bộ, đảng viên. Phát huy vai trò, trách nhiệm của mọi tổ chức, đoàn thể, mọi lực lượng nhất là lực lượng chuyên trách trong công tác tuyên truyền. Đẩy mạnh việc tuyên dương, tôn vinh những tấm gương người tốt, việc tốt và nhân rộng những điển hình tiên tiến trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, chủ động thông tin, kịp thời định hướng tư tưởng dư luận trước những vụ việc bị pháp luật phanh phui có liên quan đến việc lợi dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn của cá nhân gây tổn hại nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của tổ chức, đoàn thể. Trong thế giới phẳng như hiện nay, công tác tuyên truyền, giáo dục cần tận dụng và phát huy tối đa lợi thế của hệ thống các phương tiện truyền thông, nhất là trên các trang mạng xã hội, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vì một xã hội lành mạnh, tiến bộ và văn minh.

Hai là, xây dựng môi trường xã hội dân chủ, công bằng, tiến bộ, tạo động lực cho cán bộ, đảng viên tích cực học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành

Chủ nghĩa cá nhân sẽ không thể tồn tại nếu chúng ta xây dựng được một môi trường xã hội dân chủ, công bằng và tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Về kinh tế, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật nhằm khai thác tối đa mặt tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất mặt tiêu cực, tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cá nhân phát triển hài hòa trong mối quan hệ với tập thể, xã hội. Về chính trị, cần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với toàn xã hội, bảo đảm nước ta có một nền chính trị ổn định, phát triển bền vững. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(12). Về văn hóa, cần tạo lập môi trường văn hóa tiến bộ thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, làm chỗ dựa, động lực tích cực cho việc xây dựng con người mới XHCN. Tiếp tục củng cố và xây dựng môi trường văn hóa lành lạnh, phong phú, đa dạng, ở đó thang giá trị chân - thiện - mỹ luôn được cổ vũ, ca ngợi, ủng hộ, còn cái ác, cái xấu, cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ,... bị lên án, đấu tranh và đẩy lùi. Về pháp luật, thực hiện mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và “không có vùng cấm”. Tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật của Nhà nước và kỷ luật Đảng trong các cơ quan công quyền. Tiếp tục rà soát, kiện toàn hệ thống pháp luật bảo đảm các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, ngăn chặn, trừng trị thích đáng, kịp thời, nghiêm minh, công khai những cán bộ, đảng viên vi phạm, dù ở bất cứ ở cương vị nào. Về xã hội, cần quan tâm cải thiện các chính sách phúc lợi xã hội, nhất là về y tế, giáo dục, hưu trí. Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, khuyến khích mọi cá nhân làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Đồng thời, muốn quét sạch chủ nghĩa cá nhân, theo Hồ Chí Minh “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”(13). Rõ ràng, có thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng thì mới phát huy được vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Ở đâu có dân chủ rộng rãi, ở đó chủ nghĩa cá nhân không có điều kiện để tồn tại. Hơn nữa, thực hành dân chủ trong Đảng là cơ sở để thực hành dân chủ rộng rãi trong toàn xã hội, phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội trong cuộc đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân. Thực hiện nghiêm túc “Định kỳ lấy ý kiến nhận xét của nhân dân về tư cách, đạo đức của cán bộ, đảng viên”(14). Để chống được chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng thì phải lôi cuốn quần chúng phê bình tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Bởi vì, “Đảng là đầy tớ dân, cần phải hoan nghênh sự phê bình của dân”(15). Phải lôi cuốn, khuyến khích nhân dân tham gia phê bình cán bộ, đảng viên. Nhân dân quan tâm xây dựng Đảng, thật thà góp ý, phê bình tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thì Đảng mới mau tiến bộ. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải gắn bó với nhân dân, lắng nghe nhân dân, kịp thời khắc phục thiếu sót, sửa chữa khuyết điểm, trau dồi đạo đức cách mạng. Lắng nghe nhân dân, được dân tin, dân mến, chủ nghĩa cá nhân sẽ không có điều kiện để nảy sinh.

Ba là, Đảng phải thường xuyên tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc

Cùng với thực hành dân chủ rộng rãi, Đảng phải thường xuyên tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc: “Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như người ta cần không khí”(16) và “mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”(17). Tự phê bình, xem xét, đánh giá những ưu, khuyết điểm của một người, một tổ chức, một sự việc về thực chất là cuộc đấu tranh tư tưởng trong mỗi cán bộ, đảng viên, đòi hỏi phải có tính tự giác cao, bản lĩnh chính trị vững vàng. Người được phê bình hiểu được mặt mạnh, nhận rõ khuyết điểm, thiếu sót để sửa chữa, phấn đấu rèn luyện tốt hơn. Từ phê bình người khác mà bản thân có dịp nhìn nhận lại chính mình, trên cơ sở đó có những điều chỉnh cho phù hợp. Tự phê bình và phê bình phải trên cơ sở tình đồng chí, thương yêu giúp đỡ nhau chân tình, làm cho cái chân, cái thiện, cái mỹ sinh sôi nảy nở, đẩy lùi dần cái xấu, cái ác, sự vô cảm, sự ích kỷ. Vì vậy, các cấp ủy đảng cần giữ vững các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng, phát huy dân chủ trong Đảng, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình. Khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi; kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất hiện nay. Quá trình tiến hành kiểm điểm phải bảo đảm thật sự dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng, đúng yêu cầu, nội dung, cách làm. Cấp trên phải làm gương tự phê bình trước, cấp dưới làm sau; tập thể làm trước, cá nhân làm sau; các đồng chí trong thường vụ, cấp ủy viên cấp trên gương mẫu, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, làm gương cho cấp dưới noi theo.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật trong Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”(18) và “kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”(19). Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng cần chủ động xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Hàng năm, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát đảng viên, tổ chức đảng sao cho phù hợp với thực tiễn cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc cấp ủy cấp trên kiểm tra, giám sát cấp ủy cấp dưới, kiểm tra chéo, kiểm tra định kỳ và không định kỳ. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng cùng với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp gắn với kiểm tra, giám sát cấp ủy viên, cán bộ chủ trì về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy các cấp, việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhiệm vụ đảng viên và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Quá trình kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện ngăn chặn, “xử lý nghiêm mọi cán bộ, đảng viên vi phạm về trách nhiệm, phẩm chất, đạo đức, lối sống”(20) và “Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên”(21), góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng.
Năm là, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, phải xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, con người cộng sản chủ nghĩa. Muốn có con người xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa thì phải xây dựng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa. Mà muốn có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa thì phải gột sạch chủ nghĩa cá nhân”(22) và “cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”(23). Để thực hiện lời dạy của Người, Đảng ta đã chỉ rõ: “Xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị”(24). Theo đó, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải nhận thức và xác định đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân là lương tâm và trách nhiệm của mình trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, được thể hiện trên một số nội dung:

Tiền phong, gương mẫu về chính trị, tư tưởng: có lập trường chính trị, tư tưởng luôn kiên định vững vàng, tuyệt đối tin tưởng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Có thế giới quan, phương pháp luận khoa học, khả năng phân tích, xem xét, đánh giá, dự báo tình hình một cách khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển. Trước những sự kiện chính trị có tính phức tạp, nhạy cảm, nhất là sự tuyên truyền, kích động của các thế lực thù địch cần có lập trường, quan điểm, chính kiến rõ ràng, giữ vững định hướng tư tưởng. Kiên quyết bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Luôn có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Hết lòng, hết sức vì sự bình yên của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, luôn đặt lợi ích của tập thể, tổ chức lên trên hết, trước hết.

Tiền phong, gương mẫu về đạo đức, lối sống: thực sự là tấm gương tiêu biểu về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân; phải chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh là nguồn gốc sinh ra tham ô, lãng phí”(25). Mỗi người phải thực sự yêu nghề, say mê, gắn bó hết mình với công việc, chức trách, nhiệm vụ được giao; có ý thức tiết kiệm của công, không tham nhũng, lãng phí; công minh, chính trực, thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực; không quản hy sinh, gian khổ; có tinh thần đoàn kết, bao dung, độ lượng, vị tha, không đố kỵ, ganh ghét; không thù hằn, trù úm, quy chụp cấp dưới. Gương mẫu trong mọi lúc, mọi nơi, ở cơ quan, đơn vị cũng như nơi cư trú, gắn bó mật thiết và luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của quần chúng, nhân dân.

Tiền phong, gương mẫu về hành động: Tích cực học tập, nghiên cứu, có ý thức kiên trì rèn luyện thói quen, phương pháp làm việc khoa học, nghiêm túc, cụ thể, tỷ mỷ. Chủ động vươn lên làm chủ tri thức, nhất là chuyên môn, nghiệp vụ. Có năng lực lãnh đạo, quản lý hiệu quả, tổ chức, kiểm tra thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Luôn bình tĩnh, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khôn khéo xử lý có hiệu quả các tình huống nảy sinh. Thực hiện nói đi đôi với làm, tư tưởng gắn với động tác, tác phong, lý luận liên hệ với thực tiễn, chuẩn mực từ lời nói đến việc làm, cử chỉ, thái độ, hành vi ứng xử góp phần xây dựng hình ảnh, uy tín người cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới.
_______________________
(1), (4), (5), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.672, 547, 547, 622.
(2), (25) Sđd, t.13, tr.90, 70.
(3), (15), (16)  Sđd, t.7, tr.361, 111, 114.
(6), (17), (19) Sđd, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.278, 279, 327.
(7)  Sđd, t.11, tr.611.
(8), (10), (11) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.23, 24-25, 23.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.127.
(12), (24) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.25, 203.
(14), (20), (21) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.258, 258, 260.
(18), (23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.362, 223.
(22)  Sđd, t.12, tr.69.

Nguồn: tuyengiao.vn

 
Video
Thống kê truy cập
Đang online30
Tất cả3205505