2019-03-15 13:52:30
Số lượt xem 1486
Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng phản ánh những nét đặc sắc, tiêu biểu nhất về truyền thống văn hoá của mỗi địa phương. Thành phố Bắc Ninh có 194 di tích, trong đó 89 di tích được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Tỉnh và Quốc gia. Hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống tại các điểm di tích. Toàn thành phố hiện có trên 80 lễ hội diễn ra trên địa bàn 18/19 xã phường, vì vậy, công tác quản lý và tổ chức lễ hội luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở quan tâm chỉ đạo. Ngày 03/12/2018, UBND thành phố Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND về việc chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2019, với chủ đề: "Tổ chức lễ hội văn minh, an toàn, tiết kiệm và phù hợp với bản sắc văn hoá Bắc Ninh - Kinh Bắc”.
Lãnh đạo tỉnh và thành phố kiểm tra công tác tổ chức, quản lý Lễ hội Đền Bà Chúa Kho
Thành phố chủ trương tăng cường các biện pháp chỉ đạo tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2019, trong đó chú trọng vào một số lễ hội lớn thu hút đông người, có tầm ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư như: Lễ hội khu Thượng (phường Khắc Niệm); lễ hội làng Viêm Xá (xã Hoà Long), lễ hội Đền Bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh). Thành lập Ban chỉ đạo đối với từng lễ hội; hướng dẫn UBND các xã, phường kiện toàn Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội và xây dựng Kế hoạch tổ chức lễ hội trình UBND Thành phố phê duyệt; tổ chức họp triển khai và bàn công tác tổ chức lễ hội tại các địa phương với Ban tổ chức lễ hội khu Thượng, lễ hội Đền Bà Chúa Kho, lễ hội làng Viêm Xá, thường xuyên đôn đốc, nắm bắt kịp thời những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức lễ hội; chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm môi trường văn hóa tại các di tích và lễ hội. Lập và cung cấp đường dây nóng, lắp camera trong khu vực I của di tích (Đền Bà Chúa Kho lắp đặt hơn 40 bộ camera, Đền Cùng - Giếng Ngọc lắp 12 bộ camera) nhằm theo dõi, kiểm tra các hoạt động diễn ra tại lễ hội. Đặc biệt là phối hợp với các ngành trong công tác chỉ đạo địa phương bố trí lực lượng chức năng tham gia đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, ngăn chặn xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực, chèo kéo, ép khách, khấn thuê, lễ mướn, trộm cắp, móc túi…; thành lập tổ giải quyết các đối tượng ăn xin, ăn mày tại lễ hội.
Công tác quản lý tiền công đức và sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ được chỉ đạo cụ thể, đúng mục đích; các di tích lịch sử - văn hóa đều có hòm công đức, bàn ghi công đức khoa học, thuận lợi cho du khách về tham dự lễ hội. Hướng dẫn nhân dân sử dụng đặt tiền lễ, tiền công đức có mệnh giá nhỏ hợp lý, các dịch vụ đổi tiền lẻ được quản lý chặt chẽ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra di tích và lễ hội, kịp thời nhắc nhở các sai phạm, những biểu hiện tiêu cực trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội như: khấn thuê, ép khách, quẻ thẻ, văn hóa phẩm ngoài luồng có nội dung mê tín dị đoan...
Để tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Kỷ Hợi 2019, thành phố Bắc Ninh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích và tổ chức lễ hội, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành và trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp của Ban tổ chức, Ban quản lý di tích. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương, của Tỉnh và Thành phố: Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 10/2012/CT-UBND ngày 29/11/2012 của UBND Tỉnh về tăng cường chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội...
Thứ hai: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của nhân dân trong thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội; xây dựng ý thức và nếp sống văn hóa trong nhân dân, giữ gìn và chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, các nghi lễ hiến sinh không còn phù hợp (như tục chém lợn của lễ hội khu Thượng, phường Khắc Niệm); phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, thực hiện tốt nếp sống văn minh nơi thờ tự, đưa các hoạt động văn hóa truyền thống và trò chơi dân gian vào lễ hội góp phần làm phong phú thêm văn hóa truyền thống của dân tộc.
Thứ ba: Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trước, trong thời gian tổ chức lễ hội, Đội kiểm tra liên ngành 814 Thành phố tập trung kiểm tra cao điểm trong dịp lễ hội đầu Xuân Kỷ Hợi (từ ngày 20/01-28/02/2019), ngăn chặn kịp thời việc buôn bán, lưu hành các ấn phẩm văn hóa có nội dung mê tín dị đoan, các đồ chơi mang tính kích động bạo lực không được phép lưu hành, các hoạt động không phù hợp với truyền thống, bản chất của lễ hội làm ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội như: Lên đồng, xem bói, xóc thẻ, đốt mã đốt hương tràn lan không đúng nơi quy định…
Thứ tư: Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, kịp thời ngăn chặn, giải quyết các tệ nạn xã hội, các trường hợp chèo kéo, ép khách, đối tượng ăn xin, ăn mày gây phản cảm tại lễ hội; có kế hoạch phân luồng giao thông hợp lý, tránh hiện tượng ùn tắc, chen lấn xô đẩy mất an toàn giao thông và ảnh hưởng mỹ quan đô thị; xây dựng phương án phòng chống cháy nổ; đảm bảo vệ sinh môi trường trong khuôn viên di tích và lễ hội; quy hoạch khu kinh doanh dịch vụ ăn uống tại lễ hội hợp lý, niêm yết giá dịch vụ các mặt hàng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lập đường dây nóng lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân, du khách.
Thứ năm: Tăng cường công tác quy hoạch, trùng tu di tích, đặt các hòm công đức phù hợp cảnh quan di tích, không tuỳ tiện tu bổ, tôn tạo di tích; không tiếp nhận, bổ sung hiện vật mới di tích khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền; tiếp nhận, sử dụng tiền công đức minh bạch, đúng mục đích, từng bước nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình về quản lý di tích phù hợp với địa phương. Lắp đặt bảng biển "Quy tắc ứng xử tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội" tại khu vực di tích và tổ chức lễ hội ở các vị trí phù hợp (Nội dung theo văn bản Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, ban hành kèm theo Quyết định số 2777/QĐ-UBND ngày 13/11/2018 của UBND Thành phố).
Thứ sáu: Tập trung chỉ đạo các lễ hội lớn trên địa bàn Thành phố đảm bảo văn minh, an toàn, có hiệu quả:
+ Đối với lễ hội Đền Bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh): Giao các đơn vị chuyên môn và ngành liên quan phối hợp quản lý, tổ chức: thành lập tổ công tác
trực tại Đền trong những ngày cao điểm; tăng cường bố trí lực lượng đảm bảo về an ninh trật tự, không để ùn tắc giao thông; lên các phương án tiến hành thu gom rác thải thường xuyên, kịp thời; giải quyết triệt để không để ăn xin, ăn mày trong lễ hội; thực hiện nghiêm việc niêm yết giá một số mặt hàng, yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện các tiêu chí văn minh của lễ hội: ứng xử có văn hóa, không lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, không ép giá, ép khách…
+ Đối với lễ hội Khu Thượng (phường Khắc Niệm): tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không thực hiện tục chém lợn giữa sân đình, sau khi tổ chức rước lợn sẽ đưa về sân sau đình để làm cỗ ngọc Tế Thánh.
+ Lễ hội Đền Vua Bà Thủy tổ Quan họ, Đền Cùng - Giếng Ngọc (xã Hòa Long): Tổ chức lễ hội gắn với không gian văn hóa Quan họ, sắp xếp khu vực bán hàng hợp lý; không bố trí hàng quán phi tiêu, cờ bạc trá hình, không tổ chức sóc quẻ thẻ, rút thẻ, tăng cường nắm bắt quản lý thu - chi tài chính từ nguồn công đức và giọt dầu tại di tích. Đặc biệt năm 2019, gắn việc tổ chức lễ hội với các hoạt động kỷ niệm 10 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.
Nguyễn Thị Hải
TUV, Trưởng Phòng Văn hóa
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 43 | |
Tất cả | 3097269 |