2019-12-25 09:03:14 Số lượt xem 1638
Điều ấn tượng nhất ở Trường Sa là tình người giữa biển khơi mênh mông. Đó không chỉ là tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân mà còn là tình cảm thầy trò vượt qua những khó khăn để con chữ nảy nở nơi đầu sóng, ngọn gió.
Trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa, chúng tôi đặc biệt ấn tượng về ngôi trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa (Khánh Hòa). Trường nằm gọn giữa những hàng cây phong ba, cây bàng vuông chắn gió, chắn cát. Lớp học được xây kiên cố, đảm bảo cho học trò tới lớp bất kể ngày bình thường hay khi giông bão. Nhưng việc dạy học ở đây không hề đơn giản, ngay cả tưởng tượng, chúng tôi cũng không nghĩ tới khi học trò phải học ở những lớp ghép “6 trong 1”, từ mẫu giáo đến lớp 5. Thế nhưng, thầy giáo trẻ Bành Hữu Tình đã tình nguyện viết đơn xin ra công tác tại đảo, mong muốn được “gieo chữ” cho con em của người dân sinh sống trên đảo. Điều đặc biệt là ngôi trường này chỉ duy nhất có thầy Tình giảng dạy kiêm nhiệm từ bậc mẫu giáo đến cấp tiểu học với vẻn vẹn 8 học trò. Là giáo viên nam, thành ra thầy Tình càng gặp nhiều khó khăn hơn khi giảng dạy và chăm sóc trẻ mầm non. Tuy nhiên, vì tình yêu trẻ, thầy đã vượt qua tất cả, cùng phối hợp với Ban Chỉ huy đảo, các bậc phụ huynh giảng dạy và chăm sóc tốt cho những mầm non nơi vùng biển địa đầu Tổ quốc. Chia sẻ với chúng tôi, thầy Bành Hữu Tình cho biết: “Ở đây do điều kiện sóng gió lại cách xa đất liền nên lớp học được ghép các độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5 và lớp mẫu giáo. Mặc dù ngồi chung một lớp nhưng các em vẫn được học chương trình theo đúng độ tuổi của mình. Lúc mới ra đây công tác, tôi cũng mất rất nhiều thời gian để soạn giáo án nhưng giờ thì cũng quen và cảm thấy yêu nghề hơn khi gắn bó với những em nhỏ ngoài đảo”. 
 
Các học trò chúc mừng thầy giáo Tình, nhân ngày 20-11

Trước khi ra thị trấn Trường Sa công tác, thầy giáo Bành Hữu Tình đã dạy học tại Trường tiểu học Suối Cát (Cam Lâm, Khánh Hòa) 13 năm. Khi có thông tin tuyển dụng ra Trường Sa, anh đã viết đơn tình nguyện để đạt được hoài bão của tuổi trẻ. Nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu ra nhận công tác, anh nhắc mãi về lớp học vỏn vẹn sáu học trò, trong đó có một em lớp bốn, hai em học lớp hai và ba em học mầm non. Ở lớp học ấy, trong lúc các em làm bài tập, thầy lại hướng dẫn cháu lớp mẫu giáo chơi. Một mình thầy với nụ cười hiền khô vừa dạy các con học, vừa hướng dẫn các con chơi và cùng các con tham gia những giờ ngoại khóa, giải quyết các yêu cầu mỗi khi các cháu lớp mẫu giáo thưa: “Thầy ơi con đói bụng”, “Con khát nước”… Vất vả là vậy nhưng lúc nào lớp học cũng ngập tràn tiếng cười. 
 
Lớp học ghép “6 trong 1” của thầy giáo Bành Hữu Tình

Thầy giáo Tình dạy tất cả các môn và dạy các em suốt 5 năm tiểu học. Sau khi hết chương trình lớp 5, các em được chuyển vào đất liền để theo học bậc THCS. Việc dạy học ở đảo khá khó khăn và khác với đất liền. Do cơ sở vật chất chưa đầy đủ nên nhiều đồ dùng dạy học thầy Tình phải tự sáng tạo. Bài giảng trong sách giáo khoa, lúc dạy, thầy phải diễn đạt bằng những từ dễ hiểu và gần gũi nhất vì nhiều điều trong sách giáo khoa không có ở đảo. Nếu như ở đất liền học sinh lớp 3 học lễ hội của các vùng quê thì học sinh Trường Sa được dạy về văn hóa, chương trình văn nghệ, thể dục thể thao hay những ngày kỷ niệm của đảo. Thầy cũng dạy các em những bài hát về chiến sĩ, bộ đội, biển đảo. Tất cả học sinh trên đảo Trường Sa đều thuộc và hát rất hay các ca khúc: Quê em ở Trường Sa, Khúc quân ca Trường Sa, đồng dao biển đảo, Sức sống Trường Sa, Cháu yêu chú bộ đội… Đánh giá kết quả học tập của các em, thầy giáo Bành Hữu Tình khẳng định: “Học sinh không nhiều, nên tôi theo sát được các em. Kết quả học tập các em từng năm học đều đạt khá, giỏi trở lên kiến thức cũng đảm bảo để khi các em vào đất liền có thể theo kịp và tiếp nối thành tích đạt được”.
 
Sau giờ học các cô, cậu học trò nhỏ lại tung tăng khắp đảo
 

Trò chuyện miên man, thầy Tình kể về dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam tuy đơn sơ, nhưng tình cảm, đầm ấm vô cùng. Các em học sinh đứa thì kết hoa bàng vuông, phong ba, hoa dại, em thì vẽ tranh, em thì hát múa tùy theo năng khiếu để tặng các thầy. Giữa giờ ra chơi, rộn rã tiếng cười của các em chính là niềm vui giúp thầy vơi đi nỗi nhớ đất liền. Ở đảo, thầy với trò cũng chính là bạn bè với nhau. Ngoài giờ lên lớp, thầy giáo thường chơi đùa cùng các em, với các trò chơi như nhảy lò cò, ném banh, vẽ tranh trên cát… Nhìn gương mặt với nụ cười hồn hậu, nước da rám nắng, chúng tôi càng hiểu được những sự cống hiến thầm lặng của người thầy giáo nơi đầu sóng ngọn gió.
Rời Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa nhưng trong tâm trí tôi vẫn luôn vang lên giọng đọc thơ ngây của các em nhỏ nơi đây: “Quê em ở Trường Sa những đảo chìm, đảo nổi; quê em có biển trời bốn mùa xanh bao la, sinh ra ở Trường Sa em là con của biển…”.
 
Đỗ Xuân
Nguồn: Baobacninh.com.vn
 
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online26
Tất cả2588306