2017-02-21 09:03:39 Số lượt xem 9372
1. Hỏi: Khi đang công tác, đảng viên B thuộc Chi bộ khu phố A, Đảng bộ phường K có vi phạm trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về hỗ trợ, đền bù, giải phóng mặt bằng đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Nay do tuổi cao, sức yếu, đảng viên B đã được chi bộ cho miễn sinh hoạt đảng. Vừa qua, Đảng ủy phường K mới phát hiện vi phạm khi đảng viên B đang công tác. Đảng ủy phường K chỉ đạo chi bộ khu phố A thực hiện quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với đảng viên B, nhưng đảng viên B không tự giác viết bản kiểm điểm, không tham dự hội nghị chi bộ để kiểm điểm, xem xét, xử lý kỷ luật đối với mình mặc dù chi bộ đã mời nhiều lần.
Vậy, việc xử lý kỷ luật đảng viên B được thực hiện như thế nào?
 
Trả lời: Điểm d, Khoản 7.1, Điều 7, Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Điều lệ Đảng quy định:
“7- Đảng viên miễn công tác và sinh hoạt đảng.
d) Bản thân phải gương mẫu và vận động gia đình chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, nếu vi phạm kỷ luật đảng thì xử lý kỷ luật như đối với đảng viên đang sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Đảng”.
- Khoản 1, Điều 39, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định:
“ Đảng viên vi phạm kỷ luật phải kiểm điểm trước chi bộ, tự nhận hình thức kỷ luật; nếu từ chối kiểm điểm hoặc bị tạm giam, tổ chức đảng vẫn tiến hành xem xét kỷ luật. Trường hợp cần thiết, cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp có thẩm quyền trực tiếp xem xét kỷ luật”.
Căn cứ các quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, đảng viên B mặc dù được miễn sinh hoạt đảng do tuổi cao, sức yếu nhưng khi có vi phạm thì chi bộ vẫn tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật như với các đảng viên khác đang sinh hoạt tại chi bộ. Việc đảng viên B không tự giác viết bản kiểm điểm, không tham dự hội nghị của chi bộ để kiểm điểm, xem xét, xử lý kỷ luật đối với mình, mặc dù đã được chi bộ mời nhiều lần thì chi bộ vẫn tổ chức họp xem xét kỷ luật và trao quyết định kỷ luật để đảng viên B chấp hành. Hành vi không tự giác của đảng viên B được coi là tình tiết tăng nặng trong quá trình xem xét, xử lý kỷ luật đảng theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 3, Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
 
2. Hỏi: Sau khi chi bộ xem xét, quyết định thi hành kỷ luật đối với đảng viên trong chi bộ, chi ủy làm báo cáo nêu rõ việc chi bộ xem xét, thi hành kỷ luật đối với đảng viên gửi BTV đảng ủy xã. Tuy nhiên, khi đánh giá công tác cuối năm, chi bộ bị Đảng ủy phê bình là không nộp đầy đủ hồ sơ thi hành kỷ luật đảng viên. Vậy, báo cáo cấp trên thi hành kỷ luật đối với đảng viên trong chi bộ gồm những văn bản gì?
 
Trả lời:
- Khoản 4, Điều 39, Quy định số 30- QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng (gọi tắt là Quy định 30) quy định:
“Quyết định của cấp dưới về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm phải báo cáo lên cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp; nếu đảng viên vi phạm tham gia nhiều cơ quan lãnh đạo của Đảng thì phải báo cáo đến các cơ quan lãnh đạo cấp trên mà đảng viên đó là thành viên”.
- Điểm 6.1, Khoản 6, Điều 39, Quy định 30 quy định:
“Quyết định khiển trách, cảnh cáo đối với đảng viên vi phạm của chi bộ có hiệu lực ngay sau khi chi bộ công bố kết quả biểu quyết quyết định kỷ luật. Trong vòng 10 ngày, chi ủy ban hành quyết định kỷ luật trao cho đảng viên bị kỷ luật, báo cáo cấp trên và lưu hồ sơ. Quyết định kỷ luật của chi bộ (trong đảng bộ bộ phận, trong đảng bộ cơ sở) được đóng dấu của đảng ủy cơ sở vào phía trên, góc trái. Đảng ủy cơ sở hoặc cấp ủy cấp trên trực tiếp không phải ra quyết định chuẩn y”.
Căn cứ các quy định trên, sau khi biểu quyết kỷ luật đảng viên, chi bộ phải báo cáo bằng văn bản với đảng ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên, đồng thời nếu đảng viên vi phạm tham gia nhiều cơ quan lãnh đạo của Đảng thì vừa phải gửi quyết định kỷ luật, vừa phải báo cáo đến các cơ quan lãnh đạo cấp trên mà đảng viên đó là thành viên và lưu hồ sơ theo quy định. Không phải nộp đầy đủ hồ sơ thi hành kỷ luật đảng viên cho Đảng ủy.
 
3. Hỏi: Chi ủy Chi bộ A họp bàn chương trình họp Chi bộ kỳ tới, xem xét, quyết định thi hành kỷ luật đối với đồng chí X là cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý có vi phạm về đạo đức, lối sống.
Có ý kiến cho rằng: Chi bộ phải báo cáo sự việc của đồng chí X lên Thành ủy để xin ý kiến chỉ đạo, sau đó mới họp chi bộ. Ý kiến khác cho rằng: Theo quy định của Đảng, Chi bộ phải báo cáo Thành ủy nhưng không phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo mà chỉ báo cáo về kết quả xử lý kỷ luật sau khi đã quyết định thi hành kỷ luật đối với đồng chí X.
Vậy, ý kiến nào là đúng?
Trả lời:
Khoản 1, Điều 36, Quy định số 30- QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định:
“Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao). Nhiệm vụ do cấp trên giao là công việc do tổ chức đảng cấp trên hoặc lãnh đạo cấp trên có thẩm quyền giao cho đảng viên.
Nếu phải xử lý kỷ luật cao hơn, chi bộ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo của chi bộ đối với cấp ủy viên các cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý phải báo cáo lên các cấp ủy mà đảng viên đó là thành viên và cấp ủy, ủy ban kiểm tra của cấp ủy quản lý cán bộ đó”.
Như vậy, theo quy định trên, Chi bộ có quyền quyết định khiển trách, cảnh cáo đối với đồng chí X là cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý có vi phạm về đạo đức lối sống theo thẩm quyền, không phải báo cáo xin ý kiến của Thành ủy trước khi xem xét, biểu quyết quyết định kỷ luật đồng chí X. Sau khi có kết quả biểu quyết quyết định kỷ luật hình thức cụ thể đồng chí X theo thẩm quyền, chi bộ gửi báo cáo kết quả quyết định thi hành kỷ luật đối với đồng chí X lên Thành ủy, Ban Tổ chức và UBKT Thành ủy là cấp trên quản lý đồng chí X.
 
4. Hỏi: Cấp ủy quyết định cảnh cáo một cấp ủy viên cùng cấp, đồng chí đó khiếu nại lên UBKT cấp trên trực tiếp. Vậy UBKT cấp trên có quyền quyết định thay đổi hình thức kỷ luật trên như thế nào?
 
Trả lời:
- Tiết 5.2.3, Điểm 5.2, Khoản 5, Điều 32, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng (gọi tắt là Quy định 30) quy định:
“Ủy ban kiểm tra từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên có thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xóa bỏ hình thức kỷ luật đối với đảng viên do tổ chức đảng cấp dưới đã quyết định”.
- Điểm 4.2, Khoản 4, Điều 36, Quy định 30 quy định:
“Ủy ban kiểm tra từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp; quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý và cấp ủy viên cấp dưới trực tiếp”.
Theo các quy định trên, khi giải quyết khiếu nại kỷ luật do cấp dưới quyết định đối với cấp ủy viên cùng cấp, UBKT cấp trên được trực tiếp có quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xóa bỏ hình thức kỷ luật theo quy định tại Khoản 4, Điều 36, Quy định 30. Cụ thể là chỉ có quyền quyết định thay đổi giữa hai hình thức kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo (từ khiển trách lên cảnh cáo hoặc từ cảnh cáo xuống khiển trách). Nếu cần thay đổi hình thức kỷ luật cao hơn (cách chức, khai trừ) thì ủy ban kiểm tra phải báo cáo để cấp ủy cùng cấp xem xét, quyết định kỷ luật theo thẩm quyền.
 
5. Hỏi: Đồng chí A, đảng viên không giữ chức vụ, thuộc Đảng bộ xã D- ở Thành phố Bắc Ninh, vi phạm pháp luật bị truy tố, tạm giam, phải đình chỉ sinh hoạt đảng. Khi nhận được đề nghị của Chi bộ, có ý kiến cho rằng thẩm quyền đình chỉ sinh hoạt đảng đối với đồng chí A là Ủy ban kiểm tra Thành ủy; ý kiến khác lại cho rằng BTV Thành ủy mới có thẩm quyền đình chỉ sinh hoạt đảng đối với đồng chí A.
Vậy, ý kiến nào trên đây là đúng?
 
Trả lời:
- Điểm 4.1, Khoản 1, Điều 40, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng (gọi tắt là Quy định 30) quy định:
“Đảng viên (kể cả cấp ủy viên) có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng mà có hành vi cố ý gây trở ngại cho hoạt động của cấp ủy và công tác kiểm tra của Đảng hoặc bị cơ quan pháp luật có thẩm quyền ra quyết định truy tố, tạm giam thì phải đình chỉ sinh hoạt đảng”.
- Điểm 4.2, Khoản 1, Điều 40, Quy định 30 quy định:
“Tổ chức đảng quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên là tổ chức đảng có thẩm quyền khai trừ đối với đảng viên đó”.
- Khoản 1, Điều 36, Quy định 30 quy định:
“Đảng ủy cơ sở được ủy quyền kết nạp đảng viên thì có quyền khai trừ đảng viên, nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp và đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý”.
- Khoản 4, Điều 36, Quy định 30 quy định:
“Ủy ban kiểm tra từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên quyết định các hình thức kỷ luật đối với đảng viên, nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp;…”.
Căn cứ các quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, đồng chí A là đảng viên không giữ chức vụ, khi vi phạm pháp luật bị cơ quan có thẩm quyền quyết định truy tố, tạm giam phải đình chỉ sinh hoạt đảng thì nếu Đảng ủy xã D được ủy quyền quyết định kết nạp đảng viên thì có quyền khai trừ, đình chỉ sinh hoạt đảng đối với đảng viên đó. Trường hợp Đảng ủy xã D không được ủy quyền quyết định kết nạp đảng viên thì Ủy ban kiểm tra Thành ủy có thẩm quyền quyết định khai trừ đảng viên không phải cấp ủy viên cùng cấp, do đó cũng có thẩm quyền quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng đối với đồng chí A.
 
6. Hỏi: Quy định số 30- QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định: “Ủy ban kiểm tra các cấp có nhiệm vụ giám sát việc ban hành các văn bản có dấu hiệu trái với chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”. Tuy vậy, theo khái niệm thì “giám sát là việc tổ chức đảng quan sát, theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động nhằm kịp thời tác động để cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên được giám sát chấp hành nghiêm chỉnh…”. Hay nói cách khác, giám sát hoạt động đang diễn ra (chưa hoàn thành).
Trên thực tế thì khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành văn bản gửi đi (ký tên, đóng dấu) thì văn bản đã hoàn thành. Do đó, việc tiến hành giám sát các văn bản này có phù hợp với Quy định không?
 
Trả lời:
Tiết 3.1.1, Điểm 3.2, Khoản 3, Điều 32, Quy định số 30- QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng (gọi tắt là Quy định số 30) quy định ủy ban kiểm tra cấp trên có nhiệm vụ giám sát tổ chức đảng cấp dưới:
“Việc ban hành các văn bản có dấu hiệu trái với chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”.
Điểm 3.2, Khoản 3, Điều 32, Quy định 30 quy định ủy ban kiểm tra có thẩm quyền và trách nhiệm:
“…Phân công thành viên ủy ban, cử cán bộ kiểm tra dự các hội nghị của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới” và “qua giám sát, phải kịp thời báo cáo về để ủy ban kiểm tra kiến nghị cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên được giám sát phát huy ưu điểm, nhắc nhở, uốn nắn, khắc phục, sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm.
Nếu phát hiện cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới ban hành các nghị quyết, quyết định, kết luận hoặc đảng viên ban hành các quyết định sai trái thì ủy ban kiểm tra yêu cầu xem xét lại, nếu không khắc phục thì báo cáo cấp ủy cùng cấp xem xét trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên có liên quan”.
Theo các quy định trên, ủy ban kiểm tra có trách nhiệm phân công thành viên ủy ban, cử cán bộ kiểm tra dự các hội nghị của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới để quan sát, theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động, trong đó có việc giám sát quá trình xây dựng dự thảo văn bản, thảo luận cho ý kiến góp ý và quyết định ban hành văn bản. Qua dự hội nghị cấp ủy, tổ chức đảng, nếu thấy việc xây dựng văn bản có dấu hiệu sai trái thì kịp thời góp ý theo thẩm quyền, nếu thấy vượt quá thẩm quyền thì báo cáo thành viên ủy ban kiểm tra phụ trách hoặc báo cáo Thường trực ủy ban (ủy ban kiểm tra) để có ý kiến với cấp ủy, tổ chức đảng đó. Trường hợp, nếu văn bản đã ban hành mới phát hiện sai trái thì ủy ban kiểm tra yêu cầu xem xét lại, nếu không sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh, khắc phục thì báo cáo cấp ủy cùng cấp xem xét trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên có liên quan. Như vậy, việc giám sát diễn ra cả trước, trong và sau khi đã ban hành văn bản; phù hợp với quy định của Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng và quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng hiện hành.
Việc quy định như vậy cũng là tăng thêm thẩm quyền, trách nhiệm và tính chủ động cho ủy ban kiểm tra, cán bộ kiểm tra để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên.
 
7. Hỏi: Giáo viên là đảng viên sinh con thứ 3 thì xử lý kỷ luật về chính quyền như thế nào? Vì:
Theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008 chưa có quy định về kỷ luật viên chức sinh con thứ 3 hoặc vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có quy định, hướng dẫn về xử lý kỷ luật giáo viên vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Điều này mâu thuẫn với Quy định số 181-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm khi giáo viên đó bị kỷ luật đảng nhưng kỷ luật về chính quyền thì chưa có quy định cụ thể.
 
Trả lời:
- Khoản 1, Điều 26, Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm (gọi tắt là Quy định 181) quy định:
“1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách”.
- Điểm 1.3, Khoản 1, Điều 35, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định:
“Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại. Tổ chức đảng sau khi xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật đảng, phải chỉ đạo hoặc đề nghị ngay với các tổ chức có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể hoặc xử lý hình sự cho đồng bộ, kịp thời”.
Căn cứ các quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, nữ đảng viên sinh con thứ 3 là vi phạm Khoản 1, Điều 26, Quy định 181, tổ chức đảng có thẩm quyền phải tiến hành xử lý kỷ luật đảng viên đó đúng theo quy định của Đảng. Đồng thời, đề nghị ban giám hiệu nhà trường căn cứ các quy định của pháp luật; các nội quy, quy chế của ngành và của nhà trường để xử lý kỷ luật đồng chí đó về chính quyền cho phù hợp.
Trong Luật Cán bộ, công chức và Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có quy định, hướng dẫn việc xử lý kỷ luật viên chức, giáo viên sinh con thứ 3 không mâu thuẫn  với Quy định 181 vì Quy định 181 là quy định xử lý kỷ luật đối với đảng viên thể hiện sự nghiêm minh, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
 
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online48
Tất cả3125511