Từ xa xưa, cha ông ta đã sáng tạo ra nhiều trò chơi dân gian, góp phần tạo nên sự đa dạng và đặc sắc của văn hóa cổ truyền dân tộc. Theo thời gian, các trò chơi dân gian dần đi vào quên lãng, nhưng nay đang được phục hồi tại các lễ hội. Việt Nam là quốc gia có nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời, trong tiến trình phát triển của lịch sử lại phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ đất nước nên trong các lễ hội ở những làng quê ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam thường có tổ chức nấu cơm (thổi cơm), thi gắn với các sinh hoạt làng xã cũng như các hoạt động quân sự có liên quan. Tùy theo tập quán của từng địa phương, trò thổi cơm thi được tiến hành ở mỗi nơi một khác nhưng nó không chỉ là một trò chơi giải trí trong dịp lễ hội. Sản phẩm đoạt giải của cuộc nấu cơm thi được coi là vật phẩm quý giá để cúng thần linh.
Thi nấu cơm ở từng nơi có những luật lệ, nét đặc trưng riêng như nấu cơm trên thuyền, vừa nấu cơm vừa trông trẻ hoặc vừa di chuyển vừa nấu cơm, chăn cóc nấu cơm... nhằm tìm ra những người phụ nữ nhanh nhẹn, tháo vát, khéo léo, đảm đang thỏa mãn các mục đích khác nhau của người tổ chức đồng thời tạo ra những nét văn hóa đặc sắc riêng của các vùng quê. Trò thổi cơm thi phản ánh đậm nét đời sống lao động của cư dân trồng lúa ở Việt Nam. Nó không chỉ là một trò chơi giải trí đơn thuần trong dịp lễ hội mà thổi cơm thi còn là một trò diễn nhằm thể hiện lòng quý trọng lúa gạo, quý trọng mồ hôi, công sức của con người một nắng hai sương làm ra hạt gạo, đồng thời trau dồi, truyền thụ những thao tác chế biến một sản phẩm nông nghiệp quan trọng bậc nhất do chính bàn tay người nông dân làm ra.
Vùng quê Kinh Bắc - Bắc Ninh không chỉ nổi tiếng có nhiều dấu ấn văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt. Bắc Ninh còn là vùng đất nhiều lễ hội nhất cả nước; các nhà nghiên cứu văn hóa cho là xứ sở vương quốc của lễ hội. Nét đặc sắc ở các lễ hội là những sinh hoạt văn hóa dân gian trong đó có các trò chơi dân gian nổi tiếng thu hút đồng hội tham gia như: đánh đu, vật, chọi gà, tổ tôm điếm, đánh cờ người, chạy gió, rồng rắn lên mây… Tổ chức nhiều cuộc thi như dệt vải, đan lưới, rổ rá, võng đay… đặc biệt thường không thể thiếu phần thi nấu cơm trong các lễ hội.
Thi nấu cơm ở lễ hội Tam Tảo – xã Phú Lâm, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh là cuộc đọ sức dành riêng cho những người phụ nữ ở nơi đây có dịp trổ tài “khéo tay, hay làm, đảm đang tháo vát”. Có hai hình thức thi nấu cơm ở lễ hội Tam Tảo đó là “thi nấu cơm trên thuyền và chăn cóc nấu cơm”. Cả hai hình thức thi đều mang những nét riêng, đặc biệt của làng Tam Tảo.
Thi nấu cơm bơi thuyền là cuộc thi của những phụ nữ mặc áo tứ thân đặc trưng cho hình ảnh người phụ nữ Kinh Bắc, ngồi trên mui thuyền ở dưới ao đình, cạnh đó là bó củi, còn chõ nấu cơm và bếp thì đặt trên bờ ao. Cuộc thi có nhiều chị em tham gia làm thành các đội, có các dụng cụ quy định riêng, với mức nước và lượng gạo như nhau. Thời gian cho mỗi đợt thi khoảng 30 phút. Người thi phải tự bơi thuyền sao cho thuyền không chệch khỏi mép bờ ao, để tự đốt bếp và nấu cơm, điều chỉnh độ lửa cho cơm chín, dẻo và thơm ngon. Người dân, du khách đứng hai bên bờ ao cổ vũ, reo hò trong không khí chiêng, trống thúc giục liên hồi. Khi thời gian thi kết thúc, giám khảo chấm đội nào nấu được cơm chín và thơm ngon sẽ được giải.
Cuộc thi “chăn cóc nấu cơm” được tổ chức ở trên cạn, trong sân đình; trong tiết lất phất mưa bay đầu xuân, trong tiếng hát Quan họ và các trò chơi dân gian diễn ra rất sôi nổi trong và xung quanh khu vực sân đình. Trên sân, ban tổ chức vẽ nhiều vòng tròn, đường kính khoảng 3 m, trong đặt kiềng, xoong, gạo nước, củi, diêm. Tham gia thi gồm nhiều đội, mỗi đội một người. Người chơi vào trong vòng với 1 con cóc thả tự do. Người thi phải vừa nấu cơm, vừa trông không để cóc nhảy ra khỏi vòng tròn. Nếu mỗi lần nhảy khỏi vòng sẽ bị trừ điểm. Thời gian thi cũng khoảng 30 phút, nếu đội nào nấu được cơm chín, dẻo thơm và không để cóc nhảy khỏi vòng sẽ được giải…Trong khi diễn ra cuộc thi, người lớn lẫn trẻ em hò reo vui vẻ trong tiếng thơ, tiếng nhạc, thanh âm rộn rã, không khí náo nhiệt, tưng bừng.
Những nồi cơm chín dẻo, thơm ngon là hình ảnh tượng trưng tiêu biểu cho một năm mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa khiến cho nhân dân cả làng vui mừng, hân hoan và có niềm tin cũng như hăng say trong lao động sản xuất. Sản phẩm đoạt giải của cuộc nấu cơm thi được coi là vật phẩm quý giá để dâng cúng, tạ ơn thần linh, cầu cho mùa màng bội thu, nhân khang, vật thịnh. Kết thúc phần thổi cơm thi là việc công bố và trao giải cho các đội.
Cũng là hình thức thi nấu cơm nhưng phần thi đặc biệt này của dân một số làng thuộc thời Lý Thường Kiệt mở chiến tuyến sông Như Nguyệt đánh giặc Tống. Khi Lý Thường Kiệt dẫn quân đi qua, nhiều người dân trong làng xin đi theo, tướng quân Lý Thường Kiệt bèn mở cuộc thi thổi cơm để chọn người nuôi quân giỏi tuyển vào phục vụ quân ngũ. Sau này khi mở hội, các làng đều tổ chức hội thi nấu cơm để nhớ lại tích xưa.
Cuộc thi nấu cơm trước đây có điểm đặc biệt là chia riêng theo đội nam, đội nữ. Những yêu cầu dành cho nam và nữ có những sự khác nhau về luật chơi nhưng đều tuân thủ theo 3 công đoạn tách sau đây: thi lấy nước, thi kéo lửa và thi nấu cơm.
Trong sân đình là 4 đội thổi cơm thi đại diện cho 4 giáp. Mỗi đội thi nấu cơm có hơn 10 người nam nữ với một sự phân công chặt chẽ. Một người đi lấy nước, 4 người kéo lửa, 4 người giã thóc thành gạo, một người dần, sàng cho gạo sạch trấu sau đó tập trung vào nấu cơm. Mùi thơm của rơm bén lửa, khói bay ngào ngạt và mùi gạo được giã, sàng, dần ngay trên bếp. Chiếc nồi đồng nhỏ kiểu cổ trên kiềng đang reo tiếng nước sôi chờ gạo. Nước nấu cơm được lấy từ giếng đình trong sạch và linh thiêng để thổi cơm thi cúng Thành Hoàng làng. Thành viên đi lấy nước là 4 cậu bé khoảng 10-15 tuổi đại diện cho 4 đội chạy đi lấy nước cầm về một bình đồng nhỏ như nậm rượu, đựng đầy nước. Ban giám khảo có tổ chức chấm giải lấy nước nhanh. Bên cạnh giải lấy nước còn có giải kéo lửa. Việc lấy lửa rất độc đáo đúng như truyền thống từ xưa. Lửa phải được kéo do ma sát từ bùi nhùi rơm nếp trà với ống giang khô. Tuyệt đối cấm dùng diêm hay bật lửa, nếu ai dùng mẹo ăn gian để lấy lửa thì cả đội phải bị phạt và mất quyền dự thi. Ngay từ trong năm, người ta cũng đã phải chọn…những ống giang già, chẻ ra, gác lên bếp cho khô mà vẫn giữ được độ cứng dẻo, sắc cạnh để khi cọ sát mạnh vào nhau sẽ phát ra lửa. Ngoài ra phải chuẩn bị bùi nhùi cho thật khô, tơi, xốp, dễ bén lửa để bắt vào nùn rơm đi kèm.
Những người giã thóc, dần, sang, nấu cơm thường phải nhanh nhẹn khéo tay và phải chuẩn bị thóc, rơm từ vụ mùa, phải chọn các loại thóc tốt, khi giã không bị vỡ nát, nấu cơm dẻo thơm chóng chín để nhanh được giải, đồng thời để dâng cúng Thánh đảm bảo sự tôn kính. Trong đình đã cất sẵn các cối đá và những chiếc chầy giã dài, được giữ gìn chu đáo suốt năm để phục vụ kỳ lễ hội. Những người dự thi của các đội còn những mặc những bộ quần áo truyền thống, thắt lưng màu xanh, đỏ, tím, vàng để phân biệt đội của các giáp. Để giúp vui, tạo không khí cho hội thi có phường bát âm tấu nhạc, đánh trống chiêng và loa phóng thanh vang vang những vần thơ, câu hát ca ngợi về tục giữ lửa của con người, về những nét văn hóa đặc sắc trong nền văn minh nông nghiệp liên quan đến cây lúa và hạt gạo của người dân Việt Nam.
Tiêu chuẩn đạt giải đó là cơm chín dẻo và trắng, không lẫn hạt thóc, sạn, hạt cơm không bị đớn và sượng. Trong khi bộ phận giã và nấu cơm, những người khác đốt rất nhiều đống rơm to nhỏ khác nhau trên sân đình để tạo không khí khói bụi mù mịt để nghi binh, dễ cất giấu cơm sau đó. Sau khi cơm cạn, người ta dùng tro rơm đượm than nóng vùi kín nồi để cơm chín đều. Để kéo dài thời gian cho cơm chín nục, người phụ trách nồi cơm đốt vun nhiều đống tro rơm buộc người chấm phải mất công tìm kiếm. Thời gian dành cho quá trình thi thổi cơm kéo dài khoảng gần một giờ đồng hồ. Sau đó các cụ trong Ban tổ chức sẽ gõ trống và đi tìm các nồi cơm trong các đống tro than rơm trên sân đình. Đây là giai đoạn rất vui và cực kỳ náo nhiệt trên sân. Sau khi đã tìm thấy toàn bộ 4 nồi cơm của 4 đội, các cụ trong ban Khánh tiết sẽ chấm điểm nồi cơm đạt giải nhất và dâng mâm cơm của 4 giáp vào cửa Thánh. Rất tiếc, tục thi nấu cơm hết sức đặc biệt này ngày nay đã bị thất truyền.
Trong lễ hội ở một số làng Quan họ cổ có trò thổi cơm thi rất khó nhưng lại cuốn hút được sự quan tâm của nhiều người. Cuộc thi này chỉ dành riêng cho những cô gái chưa chồng. Ban chấm thi là các lão nông tri điền có uy tín do làng chọn cử, trong đó có một vị chủ khảo điều hành chung. Chủ khảo đầu quấn khăn lụa đỏ, áo thụng vàng, quần dài trắng ra điều khiển cuộc thi bằng những hồi trống dõng dạc, các tốp trai gái quan họ của làng hát đối đáp làm nền. Các cô gái dự thi đi chân đất, mặc áo tứ thân, váy lụa đen, yếm trắng, đầu chít khăn mỏ quạ, lưng thắt dải lụa. Người thi phải thực hiện tất cả các khâu nên phải chuẩn bị đầy đủ các thứ như quang gánh, hũ đựng sẵn nước, bó đóm bằng tre ngâm phơi khô, bùi nhùi rơm có ủ lửa, bã mía phơi khô, rá vo gạo, đũa bếp để khuấy cơm. Khi nghe trống lệnh, các cô gái quảy gánh lên vai đi vòng quanh trường thi theo nhịp trống, vừa đi vừa thực hiện các thao tác thổi cơm. Theo quy định của ban giám khảo thì gánh trên vai của mỗi người phải thật cân, tay không được giữ đòn gánh mà gánh vẫn không lệch về bên nào. Động tác đầu tiên là phải lấy gạo, rót nước từ hũ ra vò và phải giữ cho gạo không rơi một hạt (nếu rơi là bị loại ngay ở vòng đầu vì đã phạm quy). Tiếp theo là rót nước vào niêu cho vừa, không được rơi một giọt nào ra ngoài. Sau hai động tác ấy người dự thi phải chuyển hướng quang gánh đưa bếp từ phía sau ra phía trước để lấy lửa từ mồi rơm ra bùi nhùi, ra đóm mà đốt vào đáy niêu. Nước bắt đầu sôi thì lấy gạo ở phía sau đổ vào rồi tiếp tục điều khiển cho đến khi cơm chín. Trong suốt quá trình thổi chỉ được dùng đũa bếp khuấy cơm ba lần vào những thời điểm quy định chứ không được dùng hơn. Cái khó trong cuộc thi này là đương sự phải tự mình làm rất nhiều khâu, tất cả đều nằm trong quang gánh, nằm trên vai, phải thao tác theo bước đi, theo nhịp trống do người khác điều khiển và phải tuân theo những quy định hết sức nghiêm ngặt của ban giám khảo. Vốn là những cô gái đồng quê hằng ngày tiếp xúc với củi đuốc, gạo, cơm, lại được sự động viên, cổ vũ của dân làng và đặc biệt là những chàng trai chưa vợ đang để ý, theo dõi nên nhiều cô vẫn hoàn thành được phận sự của mình, vẫn nhận được phần thưởng của cộng đồng ban cho bàn tay sáng tạo khéo léo, cho đức tính kiên nhẫn, cần cù mà kết quả của nó là những niêu cơm thơm dẻo, đảm bảo thời gian. Ở lễ hội ba làng Ngang (xã Hiên Vân – huyện Tiên Du) có làng quan họ gốc Ngang Nội thì không dùng bã mía phơi khô mà dùng lá khô của cây sấu, tràm, mít…làm nguyên liệu nấu cơm.
Có những làng lại tổ chức trò thổi cơm thi theo từng cặp. Sau khi tế Thành hoàng ở đình, làng tổ chức thổi cơm thi cho trai gái trong làng tham gia. Những người dự thi tự ghép thành từng đôi nam nữ đảm nhiệm từng niêu cơm trình làng. Nữ thì trang phục quần lĩnh, áo mớ ba, nam thì áo dài đen, quần trắng, thắt lưng xanh, đội khăn xếp. Mỗi đợt thi có chừng 10 đôi. Họ phải chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết để khi bước vào trường thi không phải nhờ vả nhau như lúc ở nhà. Niêu cơm được treo vào một chiếc dóng bằng thép mắc vào cây gậy do chàng trai quảy lủng lẳng trên vai. Cô gái thì làm nhiệm vụ cầm bó đuốc đỏ lửa đi theo chàng trai để đốt lửa vào đáy niêu cơm cho đến khi cơm chín. Cuộc thi ở đây không bắt đương sự phải xay giã gạo, kéo lửa, lấy nước mà những thứ đó đã có sẵn. Tài khéo được thể hiện qua việc đôi trai gái phải phối hợp chặt chẽ với nhau, phải hiểu ý nhau, điều tiết cho nhau trong các động tác đun nấu. Vì niêu cơm luôn chuyển động theo nhịp bước của chàng trai nên cô gái cũng phải đi đúng nhịp bước ấy thì ngọn lửa mới kề sát được đáy niêu. Nhưng nếu chàng trai bước không đều, không nhẹ nhàng thì niêu sẽ lủng lẳng, ngọn lửa không bám được dễ dẫn đến tình trạng cơm sống hoặc chín không đều hay không kịp thời gian. Rồi khi cơm đã cạn thì cô gái phải biết bớt lửa kẻo cơm cháy. Bớt lửa nhưng không được phép rút bớt đóm quăng đi mà phải điều chỉnh bằng cách xoay trở bó đuốc hoặc tiến lùi bước chân. Việc làm này không dễ và người ta thường hơn thua nhau là ở chỗ này. Khi trống lệnh vang lên, các đôi trai gái dự thi lần lượt bước ra sân đình trình làng. Trống điểm tiếp ba tiếng thì cuộc thi bắt đầu. Từng đôi một đi với nhau, vừa đi vừa nấu cơm theo nhịp trống khoan thai của người cầm chịch. Bà con xem hội đứng hai bên sân đình cổ vũ, hò reo, theo dõi từng động tác của con em mình trong mọi thời điểm. Để giúp vui cho ngày hội, làng bố trí một chú làm trò giữa sân đình. Chú len lách, trêu ghẹo hết đôi này đến đôi nọ cốt làm cho họ mải vui mà sao nhãng công việc đang phải tiến hành. Kết quả của cuộc thi là đôi nào nấu chín cơm nhanh nhất, ngon nhất thì sẽ được ban giám khảo cho điểm cao nhất và làng sẽ tặng giải thưởng cho họ.
Thi nấu cơm trong lễ hội cổ truyền không chỉ là một trò chơi giải trí, thi tài trong dịp lễ hội mà nó thực sự còn là loại trò diễn mang yếu tố nghi lễ. Sản phẩm của cuộc nấu cơm thi thường được coi là thức cúng thần linh với ý nghĩa phẩm vật ấy đã được tạo ra từ những gì quý giá, tinh khiết, trong trắng nhất, mất nhiều công sức và được cả cộng đồng ủng hộ từ khâu chuẩn bị đến lúc hoàn thiện sản phẩm, biểu trưng cho lòng thành kính của cộng đồng đối với thần linh. Nếu chỉ nghe hội thổi cơm thi mà không trực tiếp tham dự cuộc thi thì không thể thấy được từng công đoạn và sự hấp dẫn của lễ hội. Mùi cơm thơm phức, không khí tưng bừng náo nhiệt, sự gay cấn, quyết tâm trong từng người, từng đội tạo nên sức hút, sức hấp dẫn với tất cả người tham dự lễ hội ở các vùng quê. Không khí lễ hội làm cho người dự hội cũng nôn nao nhớ gốc gác lúa ngô của cha ông mình, tục lệ “uống nước nhớ nguồn”. Hội thi nấu cơm ở các làng quê Kinh Bắc đều do người dân tự tổ chức với nhau, chính vì vậy mà nó giữ nguyên vẹn được không khí náo nức hội hè và tính chất cộng cảm, cộng mệnh ở làng xã cổ truyền.
Trò thổi cơm thi phản ánh đậm nét đời sống lao động của cư dân trồng lúa, ý thức tôn trọng sản phẩm nông nghiệp là hạt thóc, hạt cơm, thật đa dạng phong phú, “Chuông làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ”; mỗi làng một vẻ, vì vậy thi nấu cơm được lồng ghép vào những hình thức biểu hiện, độ khó khăn, phức tạp khác nhau. Trò thổi cơm thi cũng là yếu tố quan trọng, một tín hiệu riêng để chúng ta có thể nhận ra nét khác biệt giữa các lễ hội cổ truyền của từng làng quê Kinh Bắc – Bắc Ninh đậm đà bản sắc văn hóa là vậy./.
Theo: Hà Thu – Tạp chí Người Kinh Bắc
Đang online | 105 | |
Tất cả | 3087739 |