2017-06-15 07:47:49 Số lượt xem 1371

Báo chí cách mạng Việt Nam những năm qua, kể từ số báo Thanh niên ra số đầu tiên (21-­6­-1925) đến nay luôn luôn đồng hành cùng dân tộc; là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân, đồng thời cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch chống phá cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Sau khi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo Cách mạng Tháng Mười Nga và lý luận Chủ nghĩa Mác -­Lênin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Quảng Châu ­ Trung Quốc sáng lập ra tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên -­ một tổ chức yêu nước Việt Nam đầu tiên đi theo con đường cách mạng vô sản, đồng thời xuất bản báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của tổ chức này. Ngày 21­-6-­1925, Thanh niên, tờ báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam, ra số đầu tiên.

Báo Thanh niên có vai trò rất lớn đối với quá trình tuyên truyền Chủ nghĩa Mác­Lênin và con đường cứu nước vào trong nước, dẫn đến sự ra đời của các tổ chức tiền thân của Đảng. Các tổ chức này đã tổ chức ra cơ quan ngôn luận của mình. Đông Dương Cộng sản đảng xuất bản báo Búa liềm. Ban Công vận Trung ương của Đảng ra báo Công hội đỏ, Tổng Công hội Bắc kỳ ra báo Lao động. An Nam Cộng sản Đảng ra báo Đỏ... Những tờ báo của các tổ chức cộng sản sơ khai này có tác dụng rất quan trọng trong việc giáo dục ý thức giai cấp, đấu tranh giai cấp và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cho quần chúng lao động.

Tháng 2-­1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản được triệu tập dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua một số văn kiện quan trọng, trong đó, quyết định ra báo của Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất. Vì vậy, ngày 5-­8-­1930, Trung ương cho ra báo Tạp chí đỏ. Ngày 15-­8-­1930, báo Tranh đấu ra mắt. Trước sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, Trung ương quyết định cho ra báo Cờ vô sản và tạp chí Cộng sản. Báo chí trong thời kỳ này đóng vai trò quan trọng trong việc phát động cao trào cách mạng của công nông chống đế quốc, phong kiến, đỉnh cao là cao trào Xô viết ­ Nghệ Tĩnh. Và, cũng trong thời kỳ này, Ban lãnh đạo ở nước ngoài của Đảng được thành lập làm nhiệm vụ tạm thời của Trung ương, đã xuất bản tạp chí Bôn­sê­vích làm cơ quan lý luận để thống nhất Đảng. Tháng 3­-1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất họp, quyết định chuyển tạp chí Bôn­sê­vích thành tạp chí lý luận Trung ương của Đảng. Bên cạnh các tờ báo lớn, công khai hoạt động của Đảng, các chi bộ cộng sản trong một số nhà tù lớn cũng đã xuất bản báo và tạp chí. Báo chí trong những năm 1930­-1936 đã phục vụ tích cực cho công tác xây dựng Đảng, tuyên truyền Chủ nghĩa Mác­Lênin và đường lối cách mạng dân quyền của Đảng, kiên quyết chống đế quốc, phong kiến, chống chủ nghĩa cải lương của giai cấp tư sản và chủ nghĩa dân tộc tư sản của Việt Nam quốc dân Đảng, chuẩn bị điều kiện, tạo và chớp thời cơ đưa cách mạng tiến lên một cao trào mới.

Tranh thủ điều kiện quốc tế có nhiều thuận lợi, mặt trận nhân dân chống phát xít được thành lập ở nhiều nước, trong đó có nước Pháp và hình thành Mặt trận nhân dân thế giới chống phát xít; lợi dụng khả năng hoạt động nửa hợp pháp, nửa bất hợp pháp, Đảng chủ trương đưa báo chí ra xuất bản công khai, hợp pháp. Một số tờ báo cách mạng bằng chữ Pháp được xuất bản ở Hà Nội, cùng với đó, một loạt các tờ báo tiếng Việt đã được xuất bản công khai hợp pháp, trong đó có tờ Dân chúng, cơ quan Trung ương của Đảng.

Báo chí thời kỳ vận động dân chủ in ty­pô số lượng lớn. Tờ Dân chúng số Xuân 1939 in đến 15.000 bản. Cách trình bày nội dung trên mặt báo mang mang dấp của tính hiện hiện đại, biên tập và in nhanh, phát hành nhanh, rộng trong cả nước và ra nước ngoài.

Nhìn nhận thời cơ cách mạng đã đến, sau ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Bắc Pó, Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Người, tháng 5­-1941, Mặt trận Việt Minh thành lập. Tháng 8­-1941, báo Việt Nam độc lập do Người sáng lập, lấy danh nghĩa Việt Minh tại Cao Bằng, sau mở rộng thành Việt Minh Cao Bằng ­ Bắc Cạn, rồi Cao Bằng ­ Bắc Cạn ­ Lạng Sơn. Ngày 25­-1-­1942, báo Cứu quốc, cơ quan của tổng bộ Việt Minh ra đời. Ngày 10-­10-­1942, báo Cờ giải phóng, cơ quan Trung ương của Đảng xuất bản số 1. Trung ương còn xuất bản tạp chí Cộng sản làm cơ quan lý luận. Các kỳ bộ Việt Minh và tỉnh bộ Việt Minh lần lượt cho xuất bản báo của địa phương cùng với báo của các đoàn thể cứu quốc ở Trung ương: Công nhân, Thanh niên, Học sinh, Văn hóa, Tự vệ...

Báo chí cách mạng thời kỳ này phục vụ tích cực cho công tác xây dựng lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Từ sau khi có chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa của tổng bộ Việt Minh (5­-1944) và nhất là sau cuộc đảo chính Nhật ­ Pháp (3­-1945), Đảng phát động cao trào kháng Nhật cứu nước tiến tới tổng khởi nghĩa, một số báo của các lực lượng vũ trang từ các căn cứ kháng Nhật và khu giải phóng được xuất bản. Hai tờ báo Cờ giải phóng và Cứu quốc có cống hiến lớn nhất trong việc đẩy mạnh cao trào cách mạng và giành thắng lợi lịch sử tháng Tám năm 1945.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời không chỉ thay đổi chế độ mà còn khẳng định quyền lực và tiếng nói của mình qua hai cơ quan báo chí mới: Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam và Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam). Cuối năm 1945, Đảng ta chuyển vào bí mật, báo Cờ giải phóng ngừng xuất bản. Báo Sự thật ra đời với danh nghĩa cơ quan của Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương.

Trong năm đầu của chính quyền cách mạng, báo chí phục vụ tích cực cho nhiệm vụ bảo vệ chính quyền non trẻ, đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ và lan rộng. Báo chí cách mạng có một bộ phận xuất bản công khai ở các vùng tự do và các căn cứ kháng chiến, một bộ phận xuất bản trong vùng địch chiếm. Những văn kiện của Đảng, bài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng được in trên các báo Trung ương và các báo địa phương. Năm 1951, báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng bắt đầu xuất bản, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Sinh hoạt nội bộ, báo Quân đội Nhân dân lần lượt ra đời, phục vụ đặc lực, cùng dân tộc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nước ta tạm thời chia làm 2 miền với 2 nhiệm vụ chiến lược khác nhau, nhưng cùng chung một nhiệm vụ: Đánh đổ đế quốc Mỹ và tay sai, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc. Báo chí cách mạng tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình, vừa hình thành báo chí tự do ở miền Bắc và báo chí xuất bản bí mật bất hợp pháp ở vùng địch tạm chiếm ở miền Nam. Trong điều kiện mới, báo chí miền Bắc có những bước tiến vượt bậc. Báo Nhân Dân ra hàng ngày, in với số lượng lớn nhất bằng kỹ thuật tiên tiến. Trung ương cho ra Tạp chí lý luận, lúc đầu là Học tập, sau đổi thành Tạp chí Cộng sản.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, báo chí ở miền Bắc và báo chí cách mạng ở miền Nam đã cùng quân dân đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và góp phần bảo vệ hòa bình thế giới. Báo chí thời kỳ này đã tập trung phản ánh sinh động cuộc chiến đấu chống Mỹ của quân dân ta ở miền Nam và phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Báo chí cách mạng là đội quân chủ lực trong việc động viên cổ vũ tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và tranh thủ sự ủng hộ của bè bạn quốc tế. Những bản tin, bài báo, bức ảnh chiến trường, phóng sự thu thanh từ miền Nam, trên các báo: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam… thực sự là nguồn động viên to lớn và lời hiệu triệu lớp lớp thanh niên lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà long phơi phới dậy tương lai”. Điều đó chứng tỏ, thắng lợi của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có một phần đóng góp không nhỏ của báo chí cách mạng.

Cả nước bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ, gần 30 năm qua, báo chí đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của cả dân tộc. Những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Các nhà báo luôn bám sát thực tiễn sinh động, xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió, thông tin kịp thời, phân tích sâu sắc những diễn biến hằng ngày trên các lĩnh vực, ở khắp mọi miền của Tổ quốc; phản ánh, tuyên truyền, nhân lên các điển hình tiên tiến; chủ động đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, trì trệ, tham nhũng, lãng phí; đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; tham gia phản bác các luận điệu thù địch, xuyên tạc; bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng. Báo chí còn tích cực tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Báo chí cách mạng góp công lớn trong việc mở rộng quan hệ đối ngoại, đưa Việt Nam đến với bạn bè thế giới; đóng góp tích cực vào việc quảng bá, giới thiệu đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế, đồng thời là cầu nối quan trọng giúp bạn đọc trong nước hiểu biết nhiều hơn về tình hình khu vực và thế giới, đặc biệt báo chí cách mạng đã góp một phần không nhỏ vào nhiệm vụ đánh bại âm mưu xâm lược trái phép vào lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc, truyền tải thông tin về Đại hội lần thứ XII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XIV đến nhân dân nhanh nhất và chính xác nhất… Báo chí cách mạng ­ cơ quan ngôn luận của Đảng đã khẳng định nhất quán quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, lợi dụng tự do, dân chủ, đòi đa nguyên, đa đảng; lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên để quy kết, bôi xấu chế độ, kích động, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước ta, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ. Điều đó khẳng định, báo chí cách mạng là người đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng, tỉnh táo, cảnh giác, lấy chính thực tiễn sinh động của đất nước đổi mới để tấn công, vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực xấu, thù địch, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Mỗi bước đi lên của dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam đóng góp quan trọng vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến và quá trình đổi mới đất nước. Trước tình hình trong nước, khu vực và quốc tế hiện nay cùng với những thuận lợi, đi liền sự biến động phức tạp, khó lường, người làm báo cần nhận thức sâu sắc hơn nhiệm vụ quan trọng là góp sức tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ; động viên, phát huy tiềm năng, sức mạnh của toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và phát triển đất nước bền vững. Để đạt được mục tiêu đó, nhà báo ­ người cầm bút luôn nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bám sát nhiệm vụ của công tác tư tưởng trong từng thời gian, coi trọng hơn nữa việc tuyên truyền, cổ vũ những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới hội nhập; gắn với việc phê phán các hành vi tham nhũng, quan liêu, các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Nguồn: xaydungdang.org.vn

 
Video
Thống kê truy cập
Đang online63
Tất cả3092041