2018-05-23 10:18:56 Số lượt xem 1384
Nói một cách cô đọng nhất về giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh và giá trị sự nghiệp của Người là giá trị nhân văn. Đó là giá trị tổng hợp các yếu tố chân - thiện - mỹ, thuộc bản chất người, được thể hiện qua tư tưởng, hành động của Người, từ đó lan rộng ra toàn xã hội về sự phấn đấu cho độc lập, tự do, hạnh phúc của mỗi người dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam và của toàn thể nhân loại. “Lời Kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với toàn thể nhân dân Việt Nam cũng chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc đó.
Như ta đã biết, ngay sau thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong bối cảnh giặc đói, giặc dốt hoành hành khắp nơi, giặc ngoại xâm lăm le, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ, trước tình thế cách mạng “ngàn cân treo sợi tóc”, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, động viên đồng bào, chiến sỹ phát huy truyền thống yêu nước thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp của, góp công vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Bác khẳng định: “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của kẻ địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”(1).
Vì mục tiêu dân sinh, dân trí, dân quyền
Bảy mươi năm qua, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân Việt Nam, biến thành sức mạnh trong các phong trào thi đua nối tiếp nhau ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn cách mạng, không chỉ trực tiếp giải quyết những nhiệm vụ cần kíp trước mắt, cũng như góp phần to lớn làm nên thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến, kiến quốc thần thánh vừa qua, mà còn chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc cần nhận diện để toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục các phong trào thi đua yêu nước trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh hiện nay.
Giá trị nhân văn của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” thể hiệu sâu sắc trước hết ở mục đích dân sinh, dân trí, dân quyền, tiến tới xây dựng xã hội nhân văn của phong trào. Trong những năm đầu đầy cam go của công cuộc kháng chiến, phong trào thi đua được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ là “đồng thời phải: Diệt giặc đói khổ, Diệt giặc dốt nát, Diệt giặc ngoại xâm”, để: 
“Toàn dân đủ ăn, đủ mặc
Toàn dân biết đọc, biết viết,
Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm
Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”(2).
Thi đua yêu nước nhằm thực hiện mục tiêu chính trị để giải quyết những nhiệm vụ cần kíp trước mắt đang được đặt ra làm cơ sở, tiền đề cho việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ toàn cục, nhiệm vụ chiến lược lâu dài của cách mạng dân tộc, dân chủ là giành độc lập cho dân tộc, dân chủ, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đối với dân tộc ta, những ngày đầu xây dựng chính quyền mới trong hoàn cảnh đói, dốt mà thù trong, giặc ngoài, chúng ta đã nhân nhượng, càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, buộc phải cầm súng kháng chiến thì việc thi đua nhằm tạo ra xung lực mới lúc này để vừa vượt qua khó khăn hiện thời, vừa góp phần giải quyết toàn diện những vấn đề của kháng chiến trường kỳ, không chỉ có ý nghĩa trực tiếp thúc đẩy cuộc kháng chiến mau đến thắng lợi, mà còn chứa đựng những giá trị nhân văn là tạo ngay ra lượng vật chất, tinh thần để “cấp cứu” tình trạng suy kiệt về thể chất của một dân tộc trước sự áp bức, bóc lột đến xương cùng, tủy tận của lũ thực dân đế quốc, phong kiến suốt 90 năm qua. Từ hiệu triệu của “Lời kêu gọi…” cả nước đã dấy lên phong trào người thi đua, ngành ngành thi đua, cả nước thi đua mang lại kết quả to lớn là nhân dân ta đã có ăn, nạn đói được đẩy lùi, nhân dân ta có mặc, bộ đội có thêm lương thực, khí giới bước vào cuộc kháng chiến một cách vững vàng hơn. Kết quả to lớn của phong trào thi đua mang lại một niềm tin mới vào ý chí và sức mạnh vượt khó của nhân dân dù đó có là tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Vượt qua được những thử thách ban đầu là trải nghiệm, là tiền đề và cả bài học tạo niềm tin cho nhân dân vào những lần vượt hiểm, vượt khó tiếp theo mà ta biết không thể nào tránh khỏi trong hành trình của cách mạng. Phong trào thi đua yêu nước thực hiện được mục tiêu xác định, góp phần nâng cao tính nhạy cảm chính trị, ý thức chính trị và trách nhiệm chính trị của nhân dân về việc kịp thời giải quyết nhiệm vụ chính trị mà thực tế đặt ra của từng thời kỳ cách mạng. 
Phát huy tính toàn dân
Giá trị nhân văn thứ hai của “Lời kêu gọi…” là tính nhân dân của phong trào thi đua. Đối tượng/lực lượng tham gia phong trào thi đua ái quốc là toàn dân, không phân biệt: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần trở nên một chiến sỹ đấu tranh… ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu một cách cụ thể: “Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc; các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn; đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp; đồng bào công nông thi đua sản xuất; đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh; nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân; bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc…”(4).
Ngay từ năm 1946, khi trả lời các nhà báo nước ngoài về các điều kiện thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình”(5). Đó là quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, đem sức ta mà giải phóng cho ta, nên toàn dân phải thi đua kháng chiến và kiến quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tính nhân dân của phong trào thi đua yêu nước được thể hiện ở việc tổ chức cho các tầng lớp nhân dân được thực hiện quyền và nghĩa vụ đóng góp vào công việc chung của đất nước, tùy theo sức lực của mình. Để đạt được mục đích thi đua, trong “Lời kêu gọi...”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ “Cách làm là dựa vào:
Lực lượng của dân,
Tinh thần của dân, để gây:
Hạnh phúc cho dân”(6)
Việc xác định chủ thể của phong trào thi đua ái quốc là nhân dân, toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc này là nhất quán quan điểm về lực lượng cách mạng được xác định từ trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng khi thành lập là quần chúng công nông. Quan điểm này mang tính cách mạng trong nhận thức về xác định lực lượng của công cuộc giải phóng dân tộc khỏi ách nô dịch của đế quốc thực dân và phong kiến tay sai, xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tính nhân văn sâu sắc của quan điểm này là ở chỗ, quần chúng công nông từ địa vị nô lệ - đối tượng bị áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến được Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng thành chủ lực quân, chủ nhân ông của sự nghiệp cách mạng dân tộc, dân chủ. Và phong trào thi đua là phong trào của tất cả các tầng lớp nhân dân, sẽ trực tiếp mang lại quyền lợi cho chính quần chúng công nông và hết thảy các tầng lớp nhân dân. Thi đua “Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều”(7) lúc này để khắc phục tình trạng đói, tình trạng dốt, tình trạng thiếu thốn vật chất, phương tiện, vũ khí của bộ đội để thúc đẩy cuộc kháng chiến, kiến quốc mau tới thành công là nhiệm vụ của chính nhân dân. Cuộc kháng chiến này, phong trào thi đua ái quốc này, không có người Việt Nam yêu nước nào đứng ngoài cuộc mà đều tham gia với tư cách làm chủ. Suy cho cùng, đây là phong trào thi đua của nhân dân, thi đua do nhân dân và thi đua vì nhân dân.
Tính nhân văn trong việc xác định lực lượng/thành phần tham gia phong trào thi đua của “Lời kêu gọi…” giúp cho mỗi người, mọi người dân Việt Nam yêu nước không chỉ nhận rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình, mà còn làm bật dậy lòng tự hào, tự tôn địa vị của mỗi giai tầng trong sự nghiệp cách mạng chung này. Giá trị nhân văn đó đã tạo nên sức hấp dẫn kỳ diệu thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước phát triển rộng khắp toàn quốc, thu hút đồng bào và chiến sĩ mọi miền hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm chống giặc đói, thi đua học tập xóa nạn mù chữ, chống giặc dốt, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm.
Thi đua trên mọi mặt trận
Giá trị nhân văn thứ ba của “Lời kêu gọi…” thể hiện ở tính toàn diện của phong trào thi đua. Nhiệm vụ cách mạng lúc này cũng như bất cứ thời kỳ lịch sử nào của cách mạng cũng phải được tiến hành trên tất cả các lĩnh vực, chỉ có như vậy thì mục tiêu chung là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người mới có thể hoàn thành. Chủ tịch Hồ Chủ tịch kêu gọi, “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”(8), “Đồng bào công thương thi đua mở mang doanh nghiệp; Đồng bào công nông thi đua sản xuất; Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh; Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc phụng sự nhân dân; Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng”(9). Tính nhân văn là ở chỗ, không chỉ chiến trường mới là mặt trận, không chỉ trực tiếp cầm súng chiến đấu mới là chiến sĩ, không chỉ bộ đội mới đánh giặc mà mọi người, dù hoạt động ở mặt trận nào (kinh tế, chính trị, văn hóa…) lúc này nếu thi đua mang lại kết quả cao đều là những người yêu nước, đều trực tiếp góp phần xứng đáng của mình vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Đồng bào công, nông sản xuất giỏi cũng là đánh giặc giỏi, đồng bào công thương kinh doanh giỏi cũng là đánh Tây tài, đồng bào trí thức sáng tạo giỏi cũng là đánh giặc hay…Ngành nào, lĩnh vực nào cũng là thành phần quan trọng, không thể thiếu của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc toàn diện.
Phong trào thi đua diễn ra sôi nổi ở tất cả các lĩnh vực, làm cho từng lĩnh vực đều phát triển, đóng góp nhiều hơn cho kháng chiến, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đều nâng lên hơn trước. Điều này thể hiện sâu sắc ý nghĩa tính chất toàn diện của cuộc kháng chiến đã được Đảng xác định. Vì thế, mọi công dân, mọi ngành đều hăng hái đem hết khả năng mà thi đua ái quốc. Đó là nguồn lực tổng hợp tham gia vào công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Rèn luyện phẩm chất, đạo đức của mỗi con người
Giá trị nhân văn thứ tư của “Lời kêu gọi…” là tính văn hóa của phong trào thi đua - thi đua yêu nước. Mặc dù không trực tiếp nhắc đến văn hóa thi đua nhưng qua gần 500 từ, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” toát lên tính văn hóa của một phong trào thi đua yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định không chỉ ở mục đích thi đua, cách tổ chức, quan hệ, thái độ trong thi đua yêu nước mà chính từ trong phong trào thi đua ấy mà rèn luyện phẩm chất, đạo đức của mỗi người, mỗi đơn vị tham gia. Quan điểm xuyên suốt của Bác là thi đua mang lại cả ích nước lẫn lợi nhà nên thân ái, đoàn kết giúp đỡ cùng thi đua để đạt được thành tích cao, giúp đỡ những người và những nhóm còn kém theo kịp mức cao hiện nay. Thi đua là cùng làm cho nhanh, cho nhiều sản phẩm, phấn đấu cho sự nghiệp chung, vì mục tiêu chung của cách mạng mau thành công nên phải đoàn kết cùng làm. Theo Chủ tịch Hồ chí Minh, thi đua là đoàn kết, thi đua để tăng cường đoàn kết, có đoàn kết mới đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thật sự và rất chặt chẽ. Chiến sĩ thi đua là những người mới, những người luôn cố gắng thực hành cần, kiệm, liêm, chính, là những người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc. Thi đua có văn hóa hay là tính văn hóa trong thi đua là những giá trị nhân văn thể hiện ở cả hai phương diện, đó là giá trị về sản phẩm tạo ra và là tinh thần cố kết cộng đồng ngày càng gắn bó hơn. Từ phong trào thi đua mà mỗi người dù ở ngành nào, giới nào, lĩnh vực có khác nhau đi nữa thì đều là bộ phận hữu cơ không thể tách rời, cùng hướng về đích chung lúc này là diệt được “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, tiến tới độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho mọi người. Giá trị nhân văn của “Lời kêu gọi…” còn thể hiện ở niềm tin vững chắc vào tinh thần ái quốc mà thi đua của con người Việt Nam đang nung nấu khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người trong công cuộc cách mạng vô sản mà Bác Hồ đã chọn. Cuộc thi đua lúc này là điều kiện để phát triển toàn diện và phát huy hết mọi năng lực sáng tạo vốn có của nhân dân. “Tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình”(10), đó cũng là bản chất của xã hội mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng ở Việt Nam. Tính nhân văn đó thể hiện tầm văn hóa không chỉ ở những phong trào thi đua yêu nước mà còn là của một sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta dưới ngọn cờ của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những giá trị nhân văn của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện tình yêu thương, quý trọng, quan tâm và niềm tin vững chắc vào sức mạnh của nhân dân. Người khẳng định: “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chẳng những chúng ta có thể thắng lợi, mà chúng ta nhất định thắng lợi trong thi đua ái quốc”(11).
Giá trị nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng những ý nghĩa của phong trào thi đua ái quốc lên tầm cao mang tính nhân văn cách mạng. Tính nhân văn ở đây không chỉ bị giới hạn trong khuôn khổ giải quyết vấn đề cần kíp trước mắt mà giúp mỗi người dân Việt Nam đương thời đang đói ăn, khát uống, thiếu học hành, mất tự do, độc lập trong cái xã hội thuộc địa tăm tối ấy hiểu được bổn phận, trách nhiệm lâu dài, nặng nề của mình trước sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người cao cả. Đó là giá trị nhân văn cách mạng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh: đem sức dân mà giải phóng cho dân, xây dựng một xã hội của dân, do dân và vì dân.
Thực tiễn lịch sử đã minh chứng, tính nhân văn từ “Lời kêu gọi...” đã nuôi dưỡng các phong trào thi đua ái quốc trên phạm vi cả nước trải dài hai cuộc trường kỳ kháng chiến, kiến quốc. Các phong trào: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”…trong thời kỳ chống chủ nghĩa thực dân kiểu cũ xâm lược đã cuốn hút, cổ vũ, động viên đông đảo đồng bào và chiến sĩ khắp mọi miền hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm để “Chín năm làm một Điện Biên” oai hùng. Các phong trào: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” ở miền Bắc, phong trào thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công ở miền Nam; “Sóng Duyên Hải” trong sản xuất công nghiệp; “Gió Đại Phong” trong sản xuất nông nghiệp; “Cờ Ba nhất” trong quân đội; “Trống Bắc Lý” trong giáo dục; “Thanh niên Ba sẵn sàng”; “Phụ nữ Ba đảm đang”…; những khẩu hiệu hành động như: nhà nhà thi đua, người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua, tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng giặc Mỹ xâm lược…ở thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam mang tính nhân văn cao cả nên đã động viên, cổ vũ, huy động toàn bộ sức người, sức của từ tiền tuyến tới hậu phương, dệt thành sức mạnh tổng hợp làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 - sức mạnh văn hóa Việt Nam. 
Tư tưởng nhân văn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giá trị nhân văn trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (ngày 11-6-1948) là một biểu hiện sinh động, cụ thể vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và mãi mãi mai sau./.
-----------------------------------------------
(1), (2), (4), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr. 914
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 913 - 914
(5), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 600
(6), (7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 913
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 915
Nguồn: PGS, TS Đoàn Thế Hanh
tuyengiao.vn
​​​​​​​
Video
Thống kê truy cập
Đang online35
Tất cả3098808