2018-05-04 09:19:45 Số lượt xem 1330
THÀNH ỦY BẮC NINH
BAN TUYÊN GIÁO
*
Số:   288  -CV/TG
V/v định hướng nội dung SHCB và tuyên truyền tháng 5/2018
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
 
        TP. Bắc Ninh, ngày  26 tháng 4 năm 2018
 
 
 
 
 
 
 
Kính gửi :  - Đ/c Bí thư  các Đảng bộ trực thuộc;
- Ban Tuyên giáo các Đảng bộ trực thuộc
 
Thực hiện chương trình công tác tháng 4 năm 2018 của Thành ủy, UBND thành phố, trên cơ sở nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy định hướng nội dung sinh hoạt chi bộ và công tác tuyên truyền tháng 5/2018 như sau:
1. Nội dung phục vụ sinh hoạt chi bộ:
- Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ trong quý 1, thảo luận phương hướng và triển khai các nhiệm vụ trong quý II/2018.
- Tiếp tục thực hiện chỉ thị 05-CT/TW về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chuyên đề năm 2018 “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ đảng viên”. Giám sát việc “làm theo” tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên theo các nội dung đã đăng ký.
- Tiếp tục triển khai công tác huấn luyện dân quân, tự vệ theo kế hoạch của địa phương và của Thành phố.
- Tiếp tục tuyên truyền việc thực hiện chương trình “10 phút góp phần làm sạch Thành phố”.
- Tuyên truyền kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2018), tôn vinh cuộc đời cao đẹp và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đặc biệt là những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam cũng như đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
- Tuyên truyền kỷ niệm 64 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2018). Nêu bật tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lớn lao của chiến thắng Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta và đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới; khẳng định sự lãnh đạo, đường lối chính trị, quân sự và ngoại giao đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta là nhân tố quyết định để làm nên thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
- Nắm bắt tình hình dư luận xã hội, định hướng tư tưởng theo quan điểm, chủ trương của Đảng đồng thời triển khai các nhiệm vụ cụ thể của địa phương, đơn vị.
2. Sinh hoạt chuyên đề tháng 5/2018: Ý nghĩa của việc Thành phố Bắc Ninh được công nhận là đô thị loại I đối với người dân Thành phố:
(Có nội dung chi tiết kèm theo)
Đề nghị Thường trực Đảng ủy các xã, phường phổ biến nội dung sinh hoạt chuyên đề đối với các chi bộ trực thuộc gắn với các nhiệm vụ tại địa phương, đơn vị.
 Ban Tuyên giáo Đảng ủy sao gửi công văn này đến các chi bộ cơ sở để cùng với cuốn Thông tin sinh hoạt chi bộ, cuốn Bản tin Thành phố Bắc Ninh, các nội dung trong Website Thanhuy.bacninh.gov.vn, tổng hợp thành các nội dung phục vụ công tác sinh hoạt chi bộ.
Đề nghị các đồng chí quan tâm, thực hiện để đảm bảo chất lượng sinh hoạt chi bộ ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
 
Nơi nhận:
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (B/c);
- TT Thành ủy, HĐND, UBND TP (B/c);
- Các Ban XDĐ;
- MTTQ và các đoàn thể TP (P/h)
- Như kính gửi;
- Lưu.
 TRƯỞNG BAN
 
 
 
đã ký
 
 
Nguyễn Mạnh Hiếu
 
 
 
 
XÂY DỰNG PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ
CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Dựa trên nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên nói chung, có thể nêu những nội dung chủ yếu của phong cách lãnh đạo, quản lý cần có của người lãnh đạo, người đứng đầu như sau:
1. Kết hợp giữ vững nguyên tắc với thực hiện các biện pháp quản lý linh hoạt, mềm dẻo
- Yêu cầu quan trọng đầu tiên trong phong cách làm việc của người lãnh đạo, quản lý là phải có sự thống nhất giữa tính Đảng, tính nguyên tắc cao với tính năng động, sáng tạo, sự nhạy cảm với cái mới. "Trung với Đảng", "Trung với nước, hiếu với dân" là phẩm chất chính trị cơ bản, thể hiện trong mọi hoạt động của người lãnh đạo, quản lý.
- Trong mọi công tác, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể, người lãnh đạo, quản lý có thể sử dụng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, ở đây cần có sự vững vàng, không thay đổi trong những vấn đề thuộc về nguyên tắc. Đó là những vấn đề có tính chiến lược, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là “bất biến, phải giữ vững như sắt đá”.
- Cùng với kiên định về nguyên tắc, những vấn đề chiến lược, thì sách lược cách mạng, các hình thức, phương pháp, biện pháp, cách thức tiến hành phải mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với thực tế để có thể đạt kết quả cao nhất. Điều đó thuộc về bản lĩnh của người lãnh đạo, thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến”, thể hiện sự linh hoạt trong hoạt động lãnh đạo của mình.
- Theo Hồ Chí Minh, mục tiêu đặt ra phải được cụ thể hóa trong từng giai đoạn. Trên con đường đi đến mục tiêu đó người lãnh đạo cần sáng suốt, tỉnh táo, nhạy bén để xác định sách lược, hình thức, biện pháp thực hiện trong những hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể, trong mỗi bước đi, mỗi bước tiến lên của cách mạng.
2. Kết hợp tính cách mạng với tính khoa học
- Tính cách mạng, lòng yêu nước, thương dân là động lực lớn thôi thúc người lãnh đạo, quản lý chuyên tâm, lo toan, tận tuỵ, say mê với công việc. Đồng thời, người lãnh đạo, quản lý phải có sự tìm tòi sáng tạo, đề xuất được những ý kiến hay, những phương án tối ưu để thực thi  nhiệm vụ đạt hiệu quả cao. Theo Hồ Chí Minh, cán bộ lãnh đạo, quản lý, phải là những người vừa “hồng”, vừa “chuyên”, có đạo đức cách mạng, có tinh thần anh dũng, gương mẫu, chịu đựng gian khổ, hy sinh và năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Hồ Chí Minh cho rằng tính khoa học phải được đảm bảo bằng tri thức khoa học. Thực tiễn cho thấy, có nhiệt tình mà thiếu tri thức khoa học sẽ dẫn tới sai lầm, chệch hướng, làm hỏng đường lối, chính sách, hành động trái quy luật, thậm chí dẫn đến phá hoại vô ý thức. Những chương trình, dự án, kế hoạch với những ý tưởng tốt đẹp, nhưng do thiếu tri thức dẫn đến thất bại, gây ra tổn thất nặng nề.
- Để có tri thức khoa học, người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải chịu khó học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ về chính trị, văn hoá, nghiệp vụ cũng như nắm được tình hình trong và ngoài nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở các cán bộ lãnh đạo, quản lý: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế.Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”.
3. Kết hợp tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách, thực hiện trách nhiệm của người lãnh đạo, người đứng đầu
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý là những người có trọng trách trong một tập thể. Bởi vậy, xây dựng phong cách làm việc đúng đắn, trước hết phải thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Theo Hồ Chí Minh, cần phải có cách làm việc tập thể để phát huy được trí tuệ của tập thể, của đông đảo quần chúng nhân dân nhằm hoàn thành sự nghiệp của một tập thể, một đơn vị hay địa phương mà chỉ riêng người cán bộ lãnh đạo, quản lý không làm nổi. Tập thể lãnh đạo là dân chủ.
- Cá nhân phụ trách là nêu cao trách nhiệm của người lãnh đạo, người quản lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý các cán bộ lãnh đạo, quản lý rằng: “Những việc bình thường, một người có thể giải quyết đúng, thì người phụ trách cứ cẩn thận giải quyết đi. Những việc quan trọng mới cần tập thể quyết định”.
- Theo Hồ Chí Minh, trách nhiệm của người đứng đầu phải được đề cao, đôi khi mang tính quyết định đến hiệu quả công việc. Phong cách làm việc của người cán bộ lãnh đạo, quản lý đúng đắn là phải kết hợp thống nhất giữa cách làm việc dân chủ, tập thể với tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, kịp thời đưa ra những quyết định đúng. Điều đó liên quan trực tiếp đến việc tận dụng được thời cơ. Người từng dạy: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí. Gặp thời một tốt cũng thành công”.
4. Thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói với làm
- Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Cán bộ lãnh đạo quản lý cần phải có lý luận mới có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.
- Khẳng định vai trò của lý luận, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ sự cần thiết phải biết liên hệ lý luận với thực tiễn trong công tác. “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”. Vì thế, người cán bộ lãnh đạo phải nắm chắc lý luận, sự vận động của các quan điểm lý luận trong thực tiễn, qua đó dự báo được những biến đổi của tình hình. Một trong những yêu cầu về phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý là không được “lý luận suông”, mà phải có năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn.
- Hồ Chí Minh yêu cầu phong cách lãnh đạo phải gắn tư tưởng với hành động, nói đi đôi với làm. Có mục tiêu phương hướng công tác rồi, phải có biện pháp và quyết tâm thực hiện, và thực hiện có hiệu quả. Người nói: “Phải lấy kết quả thiết thực đã giúp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”.
5. Phong cách lãnh đạo xuất phát từ quần chúng, “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”
- Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên cán bộ, đảng viên nói chung và các cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng rằng, phong cách lãnh đạo tốt nhất trong mọi công tác của Đảng, của Chính phủ, là "Từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”.
- Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong cải cách tổ chức bộ máy nhà nước và nhiều công việc khác, cần phải thực hành cách liên hợp sự lãnh đạo với quần chúng và liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng, tức vận dụng quan điểm đường lối chung phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.
- Phong cách lãnh đạo dựa vào quần chúng là cán bộ lãnh đạo, quản lý không được quan liêu, hách dịch, coi thường quần chúng nhân dân. Phải biết đời sống thực của nhân dân như thế nào, khả năng thực của nhân dân ra sao? họ đang nghĩ và đang mong muốn những gì? Cán bộ phải biết được những băn khoăn trăn trở của dân để kịp thời uốn nắn và tháo gỡ cùng dân.
- Phong cách lãnh đạo dựa vào quần chúng yêu cầu phải chống quan liêu, hành chính, giấy tờ. Đó là phong cách làm việc không bó mình trong văn phòng, bàn giấy; không tự cho mình có địa vị cao hơn để “chờ dân đến với mình”; không tạo cho mình vẻ quan cách, khác biệt dân.
6. Tự mình gương mẫu thực hiện cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư
- Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư không phải vì nghèo đói, phải dè sẻn, tiết kiệm, mà là phẩm chất đạo đức cách mạng chủ yếu, là nhân cách của con người. Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, Thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
- Phải khắc phục chủ nghĩa cá nhân có trong mỗi con người cán bộ lãnh đạo, quản lý, mới có thể có phong cách làm việc cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Đó là cơ sở để hình thành hành vi đạo đức đúng đắn, một tâm hồn hướng thượng: Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục.
- Trong hoạt động lãnh đạo, quản lý nói chung và trong hoạt động kinh tế phải có những quy định cụ thể làm cho các quan hệ quyền lực, trách nhiệm, quyền lợi, lợi ích  phải có tính minh bạch, công khai. Hồ Chí Minh yêu cầu phải kiểm soát tốt tài sản, quyền lực, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Dựa vào quần chúng nhân dân để giám sát, kiểm tra nhằm loại trừ các hành vi trục lợi, ăn cắp, tham ô, đục khoét, biến của công thành của riêng…
7. Muốn người ta theo mình, phải làm gương trước
- Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người còn nói rõ: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý, “mình trước hết phải siêng năng, trong sạch mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”.
- Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu, thực hành nêu gương trong tất cả các mối quan hệ. Với mình thì không tự cao tự đại; luôn thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Với người thì luôn chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, khoan dung. Với việc thì luôn thực hành nguyên tắc “dĩ công, vi thượng”.
- Một trong những nội dung quan trọng mà người cán bộ là cần nêu gương, “nói đi đôi với làm”. Việc nói đi đôi với làm mang lại cho quần chúng lòng tin và sự tôn trọng đối với người cán bộ, do đó, người cán bộ dễ dàng thực thi quyền lãnh đạo của mình. Người cán bộ cũng phải biết tránh căn bệnh hình thức, bệnh “hữu danh, vô thực”, chạy theo những thứ hào nhoáng bên ngoài.
Những nội dung xây dựng phong cách công tác của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nêu trên không nằm ngoài những quy định chung trong phong cách công tác của cán bộ, đảng viên; đồng thời có phạm vi rộng hơn, mức độ cao hơn, thể hiện vai trò, trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo.
 
(Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương)
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online39
Tất cả3098795