Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A chủng H1N1, H5N1 và H7N9 gây nên. Virus H7N9 là một trong số những nhóm virút thường chỉ lan truyền giữa các loài gia cầm nhưng có khả năng lây nhiễm cao sang người và lây lan nhanh trong cộng đồng. Bệnh có thể lây truyền theo đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Triệu chứng của bệnh là bệnh nhân bị viêm phổi nặng, sốt, ho và khó thở.
Ở nước ta hiện chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm vius cúm gia cầm H7N9 nhưng tại Trung Quốc, dịch cúm này đang có những diễn biến hết sức phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố với số ca mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (40%), dịch bệnh hiện đang áp sát Việt Nam.
Để chủ động và tăng cường các biện pháp phòng, ngăn chặn và ứng phó với dịch cúm A/H7N9, trên cơ sở kế hoạch triển khai của Sở Y tế, Ủy ban nhân dân Thành phố Bắc Ninh đã có công văn số 408/UBND-KT ngày 01/3/2017 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các phòng ban liên quan, UBND các xã, phường tập trung thực hiện một số nội dung nhằm chủ động phòng, ngăn chặn dịch bệnh,:
1. UBND các xã phường: Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đồng thời chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết để ứng phó với cúm A/H7N9 và các chủng virus A/H5N1, A/H5N6; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra lây lan; thông báo tình hình dịch cúm gia cầm tại các xã đã xảy ra để người dân biết và chủ động phòng, chống; tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường đợt 1 năm 2017; tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin cúm gia cầm và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng chống dịch, chủ động khai báo khi có dịch bệnh xảy ra, khuyến cáo người dân không mua bán gia cầm mắc bệnh, chết hoặc không rõ nguồn gốc.
* Tại các xã, phường có ổ bệnh:
Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bênh; thực hiện khử trùng tiêu độc triệt để môi trường ổ bệnh và các khu vực xung quanh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; yêu cầu các hộ chăn nuôi không thả rông gia cầm, khi thấy gia cầm mắc bệnh, chết phải báo ngay tới Thú y thôn, xã tuyệt đối không bán chạy gia cầm bị bệnh; thông báo tình hình dịch bệnh, cách phát hiện và phòng chống để người dân biết và thực hiện; rà soát, thống kê việc tiêm vắc xin, đảm bảo 100% số gia cầm trên địa bàn được tiêm phòng.
2. Các lực lượng chức năng như: Công an, Quản lý thị trường, Y tế, phòng Kinh tế… phối hợp chặt chẽ với trạm Chăn nuôi và Thú y Thành phố, UBND các xã, phường nhằm triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm dịch và việc vận chuyển, buôn bán gia cầm.
3. Trạm chăn nuôi và Thú y Thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các xã phường tích cực triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; triển khai kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra giám sát các hoạt động buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn Thành phố./.
Ban Tuyên giáo Thành ủy
Đang online | 20 | |
Tất cả | 3092198 |