2019-07-30 14:03:44 Số lượt xem 1997
TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 89 NĂM
NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO (01/8/1930 - 01/8/2019)
 
 
Mốc son chói lọi đánh dấu trang sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mở ra chặng đường mới của cách mạng Việt Nam - đó là sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ngày 03/02/1930. Ngay sau ngày thành lập, Đảng đã thực sự coi trọng lãnh đạo công tác tư tưởng, chính trị, khoa giáo - mặt trận quan trọng hàng đầu của cách mạng. Đây chính là cơ sở cốt lõi để Ban Cổ động và Tuyên truyền Trung ương ra đời, tiền thân của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày nay.
1. Ngày 01 tháng 8 - “Ngày truyền thống Tuyên giáo của Đảng”
Thông qua tuyên truyền Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cứu nước, Đảng ta đã phát động phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi, mà đỉnh cao là các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 01/5 được dấy lên rộng khắp trong cả nước.
 Trên đà thắng lợi đó, Đảng chủ trương phát động phong trào quần chúng hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc tế đỏ 1/8, ngày đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, kêu gọi chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc.
Hưởng ứng chủ trương của Đảng, hàng trăm cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân, binh lính đã nổ ra quyết liệt trên nhiều tỉnh, thành phố khiến bọn thực dân và tay sai lúng túng, lo sợ; quần chúng phấn khởi, tin tưởng tìm đến với Đảng với cách mạng; cao trào cách mạng trong cả nước đã được mở ra, mà đỉnh cao là Xô viết - Nghệ Tĩnh. Tập tài liệu Ngày Quốc tế đỏ 1/8 chứng tỏ sự lãnh đạo đúng đắn và kịp thời của Trung ương về việc hình thành cơ quan tuyên truyền, cổ động, giáo dục đầu tiên của Đảng.
Trên cơ sở những tài liệu và sự kiện lịch sử đặc biệt có ý nghĩa này, năm 2000, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 01/8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng và cũng là “Ngày truyền thống Tuyên giáo của Đảng” (sau khi hợp nhất Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương).
 2. Những chặng đường lịch sử của công tác tuyên giáo
 Cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng về công tác tuyên giáo từng thời kỳ, từng giai đoạn có khác nhau về tên gọi: Ban Cổ động và Tuyên  truyền, Bộ Cổ động và Tuyên truyền (giai đoạn 1930 - 1945); Ban Tuyên truyền và Giáo dục Trung ương (năm 1950); Ban Tuyên huấn Trung ương (năm 1951); Ban Tuyên giáo Trung ương (năm 1959)… và hiện nay là Ban Tuyên giáo Trung ương (năm 2007).
Cho dù tên gọi ở mỗi thời kỳ có khác nhau, song về cơ bản, Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; trực tiếp và thường xuyên là cơ quan tham mưu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và một số lĩnh vực xã hội; và cũng là cơ quan chuyên môn - nghiệp vụ về các lĩnh vực công tác đó.
 * Giai đoạn 1930 đến năm 1945
 Truyền thống vẻ vang của ngành tuyên giáo khởi đầu từ thời kỳ Đảng lãnh đạo Nhân dân đấu tranh đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay Nhân dân. Điểm nổi bật của công tác tuyên giáo thời kỳ này là thắng lợi của công tác giác ngộ, giáo dục, động viên, tập hợp lực lượng rèn luyện và tổ chức các phong trào quần chúng, biến lý tưởng và tư tưởng cách mạng thành sức mạnh. Trong hoàn cảnh bị kẻ địch đàn áp, khủng bố tàn khốc, điều kiện hoạt động hết sức gian khổ, hiểm nguy, thường xuyên phải đối phó với sự vây ráp của kẻ địch. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ, Trung ương Đảng, đội ngũ những chiến sĩ làm công tác tuyên giáo đã nêu cao phẩm chất và khí tiết người cộng sản, sẵn sàng hy sinh tính mạng, không sợ tù đày tra tấn, bám sát phong trào cách mạng để tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh chống thực dân, đế quốc; góp phần quan trọng thúc đẩy cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh; cao trào đấu tranh công khai đòi quyền dân sinh, dân chủ; cao trào chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên Xô và phe đồng minh… Thông qua báo chí, tài liệu bí mật, các lớp huấn luyện và hàng ngàn cuộc mít tinh, biểu tình… đội ngũ cán bộ tuyên giáo tuyên truyền, cổ vũ các cao trào cách mạng, tiến tới cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
 * Giai đoạn 1945 đến năm 1954
 Cách mạng mới thành công, chính quyền còn non trẻ giữa vòng vây thù trong, giặc ngoài, nạn đói diễn ra gay gắt, ngân sách cạn kiệt, Đảng phải tạm thời rút vào hoạt động bí mật… Trong hoàn cảnh vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”, đội quân làm công tác tuyên giáo tập hợp dưới lá cờ của Đảng, đứng đầu là nhà tư tưởng kiệt xuất Hồ Chí Minh, đã hăng hái tuyên truyền vận động Nhân dân, bảo vệ chính quyền mới và tích cực chuẩn bị kháng chiến cứu nước. Hoạt động công tác tuyên giáo đóng vai trò trọng yếu, góp phần trực tiếp nuôi dưỡng, xây dựng, phát triển sức mạnh của nhân tố con người Việt Nam; tập hợp lực lượng, khơi dậy ý chí, tri thức và sức mạnh trong quần chúng, đáp ứng những đòi hỏi gay gắt của cuộc kháng chiến. Sức mạnh tổng hợp to lớn đã được minh chứng bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ, giải phóng miền Bắc, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam (năm 1954).
 * Giai đoạn 1954 đến năm 1975
 Công tác tuyên giáo tập trung phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước. Ở giai đoạn này, công tác tuyên giáo đóng vai trò trọng yếu trong việc khơi dậy ý chí, tri thức và sức mạnh trong quần chúng, tập hợp lực lượng, phát động và nhân rộng phong trào thi đua yêu nước ở cả hai miền, với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đó là những phong trào, với những khẩu hiệu rung động lòng người. Ở miền Bắc, có các phong trào thi đua, với những khẩu hiệu: “Sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, cờ Ba nhất”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Hai tốt”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”… Ở miền Nam có các phong trào: “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Nắm thắt lưng địch mà bắn”, “Một tấc không đi, một li không rời”, “Năm xung phong”, “Dũng sĩ diệt Mỹ, ngụy”, “Xuống đường đòi tự do, dân chủ”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”… Sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng Việt Nam đã được chuyển hóa bằng thắng lợi của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
 * Giai đoạn năm 1975 đến nay
 Đặc biệt, trong 30 năm đổi mới, đất nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, bản chất cách mạng và khoa học, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt lên giành thắng lợi. Công tác tuyên giáo của Đảng tập trung phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điểm nổi bật của công tác tuyên giáo trong thời kỳ này là tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đổi mới tư duy, tổng kết thực tiễn; làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; cổ vũ, động viên phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực; khơi dậy và nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sức sáng tạo xã hội, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn của đất nước.
 3. Những bài học kinh nghiệm
 89 năm qua, ngành Tuyên giáo đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trong việc giành và giữ chính quyền, đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trải qua 89 năm xây dựng và trưởng thành Đảng ta rút ra một số bài học kinh nghiệm của công tác tuyên giáo.
Thứ nhất: Kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để nâng cao tính khoa học của công tác tuyên giáo.
 Người làm công tác tuyên giáo phải kiên định bảo vệ những nguyên lý, luậ điểm có giá trị bền vững, vận dụng sáng tạo vào những điều kiện cụ thể và không ngừng pháp triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điền kiện mới. Phải thực hiện đúng các quan điểm, lý luận của Đảng là nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong giáo dục, tuyên truyền, thẩm định, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra… để đưa đường lối, chủ trưởng, chính sách của Đảng vào cuộc sống. Đồng thời phải thường xuyên đổi mới tư duy trong công tác tham mưu. Nâng cao tính khoa học, đề xuất với Đảng những quan điểm, quyết sách mới trong lĩnh vực tuyên giáo, đáp ứng nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn lịch sử, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới hiện nay.
Thứ hai: Bám sát thực tiễn đất nước và tình hình thế giới, dự báo xu hướng, phát hiện vấn đề, chủ động tham gia định hướng, giải quyết những vấn đề tư tưởng, tăng cường sự đoàn kết trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
 Công tác tuyên giáo vừa là một khoa học, vừa là một nghệ thuật, bao gồm nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, tác động vào nhiều đối tượng, trên nhiều địa bàn khác nhau. Trong mỗi thời kỳ cách mạng, lực lượng làm công tác tuyên giáo luôn bám sát thực tiễn đất nước và tình hình thế giới, đổi mới nội dung, phương thức tiến hành công tác, căn cứ vào nhu cầu cuộc sống, nắm chắc tình tình từng đối tượng, địa bàn cụ thể; phối hợp sử dụng và phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng công tác tuyên giáo; chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo xu thế diễn biến tình hình, tâm trạng của các tầng lớp nhân dân, kịp thời đề ra các biện pháp thực hiện có hiệu quả. Trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn hay thuận lợi, đơn giản hay phức tạp, thách thức hoặc thời cơ… Ngành Tuyên giáo chủ động tham gia định hướng, giải quyết những vấn đề tư tưởng, tăng cường sự đoàn kết trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
 Thứ ba, huy động toàn bộ hệ thống chính trị làm công tác tuyên giáo. Các cấp ủy đảng và chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải quan tâm và trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên giáo.
 Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta xác định, công tác tuyên giáo là một bộ phận đặc biệt quan trọng trong hoạt động của Đảng; là lĩnh vực tiên phong để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng của Đảng, cơ sở chính trị vững chắc của chế độ. Tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng để từng bước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Công tác tuyên giáo phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo chuyên trách là lực lực nòng cốt. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể… thường xuyên nâng cao nhận thức và trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu phải quan tâm và trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên giáo. Thực tiễn cho thấy, nơi nào người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể… thực hiện đúng trách nhiệm của mình thì ở đó công tác tuyên giáo được tiến hành có chất lượng và hiệu quả cao.
 Thứ tư: Nâng cao tính chiến đấu, chủ động phản bác kịp thời, sắc bén những luận điệu xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
 Mỗi bước tiến của cách mạng, nhất là sau những thắng lợi mang ý nghĩa lịch sử quan trọng, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị… ra sức chống phá ta một cách toàn diện; trong đó có phương thức tung ra những luận điệu xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Những người làm công tác tuyên giáo phải tổ chức phản bác những luận điệu xuyên tạc, phủ định, vu cáo đó. Bằng cơ sở khoa học thuyết phục và thực tiễn sinh động, vạch trần những âm mưu của chúng, để mọi tầng lớp nhân dân thấy được tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí 6 Minh; đường lối, chính sách hợp lòng dân, ý Đảng, theo đúng quy luật phát triển trong từng giai đoạn cách mạng, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới của Đảng. Nếu không vạch trần mọi âm mưu xấu xa của các thế lực thù địch, phản động, một bộ phận nhân dân do thiếu thông tin dễ hoang mang và giảm sút lòng tin. Chính vì vậy, đi đôi với việc giáo dục, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, công tác tuyên giáo phải thường xuyên nâng cao tính chiến đấu, chủ động phản bác kịp thời, sắc bén những luận điệu xuyên tạc, phủ định, vu cáo của các thế lực thù địch, phản động để giữ vững trận địa tư tưởng, đem lại niềm tin cho Nhân dân.
 Thứ năm: Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ tuyên giáo theo từng giai đoạn cách mạng, hiện đại hóa phương tiện tác nghiệp…
 Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng từ cán bộ chiến lược, chuyên gia đầu ngành, đến cán bộ ở địa phương, cơ sở và đội ngũ trẻ kế cận. Chú trọng cán bộ cho từng lĩnh vực công tác tuyên giáo, kết hợp chặt chẽ việc đào tạo ở nhà trường với rèn luyện trong thực tiễn. Coi trọng rèn luyện cán bộ trong thực tiễn, là cơ sở hình thành bản lĩnh chính trị vững vàng. Mỗi cán bộ Ngành Tuyên giáo phải cố gắng phấn đấu nói đúng và hay, viết thạo, am hiểu lý luận và thực tiễn, lời nói đi đôi với việc làm… Là người tuyên truyền, hướng dân đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước hấp dẫn, người bạn gần gũi của Nhân dân. Có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút được cán bộ có đủ năng lực, trình độ, tâm huyết với nghề nghiệp. Tạo mọi điều kiện để mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành Tuyên giáo được hưởng lợi ích vật chất và tinh thần theo điều kiện của từng giai đoạn cách mạng.
Tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hóa các phương tiện làm việc, đặc biệt là công nghệ thông tin. Trong điều kiện khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, các phương tiện thông tin, kỹ thuật hiện đại như phát thanh, truyền hình, Internet, các loại hình báo chí… là cơ sở để công tác tuyên giáo có điều kiện tiến hành nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả. Công tác tuyên giáo phải được trang bị các phương tiện thiết yếu nói trên, nhằm đáp ứng hoạt động, chủ động thông tin trước yêu cầu mới.
Kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo diễn ra trong bối cảnh: Đảng bộ Thành phố Bắc Ninh tập trung hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXI, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Các cấp uỷ đảng uỷ đang tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, triển khai học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng (khóa XII)…Đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo Thành phố gửi lời chúc tới các thế hệ cán bộ, nhân viên công tác trong Ngành Tuyên giáo qua các thời kỳ. Xin bày tỏ lòng biết ơn tới các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn Thành phố đã quan tâm, tạo mọi điều kiện để các thế hệ cán bộ làm công tác Tuyên giáo của Thành phố hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
 
                                                      BAN TUYÊN GIÁO THÀNH UỶ
 
         
 
 
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online33
Tất cả3090401