2018-02-28 15:00:38 Số lượt xem 1606
Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) tổ chức triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Điểm nhấn đặc biệt của đợt triển lãm lần này là các tấm mộc bản triều Nguyễn về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng.
Cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV giới thiệu mộc bản khắc nội dung kể việc vua Gia Long sai lập đội Hoàng Sa năm 1802
Mộc bản triều Nguyễn là những bản gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm dùng để in sách, được chế tác chủ yếu dưới triều Nguyễn. Một số có từ trước đó, được đưa từ Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Thăng Long) vào kinh thành Huế sau năm 1802. Hầu hết chiều dài lịch sử và văn minh của dân tộc ta từ thời dựng nước đến cuối thế kỷ thứ XIX đều được ghi chép trong khối tàng thư đồ sộ này. Với những giá trị đặc biệt, mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Hiện Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đang lưu trữ 34.619 tấm mộc bản với 55.320 mặt khắc. Quá trình nghiên cứu, bảo quản, đội ngũ cán bộ của trung tâm phát hiện nhiều mặt khắc thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có 9 mặt khắc tiêu biểu mô tả vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và ghi lại quá trình xác lập chủ quyền của triều Nguyễn đối với quần đảo này.
“Đại Nam thực lục tiền biên” là sách ghi chép các sự kiện lịch sử đời chúa Nguyễn từ đời chúa Nguyễn Hoàng đến đời chúa Nguyễn Phúc Thuần, tương đương với giai đoạn 1558-1777 có miêu tả về Hoàng Sa như sau: “Ở ngoài biển thuộc về xã Vĩnh An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 130 bãi cát cách nhau một ngày đường hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là “Vạn Lý Hoàng Sa-Bãi cát vàng vạn dặm”. Trên bãi cát có nguồn nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba… Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm đến tháng ba thì đi thuyền ra, đi độ 3 ngày đêm thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng tám thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn để tìm lượm hóa vật, đội này cũng do đội Hoàng Sa cai quản” (mặt khắc 24, quyển 10).
“Đại Nam nhất thống chí”, sách địa lý chính thức của triều Nguyễn do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ năm 1865 đến năm 1910 thể hiện tương đối khoa học, đầy đủ, chặt chẽ chủ quyền của vương triều Nguyễn đối với cả đất liền và cả phần hải đảo, trong đó có Hoàng Sa, mặt khắc số 5, quyển 6 chỉ rõ: “Tỉnh Quảng Ngãi, phía đông của tỉnh có đảo Hoành Sa-tức Hoàng Sa”; mặt khắc số 18, quyển 6 ghi cụ thể hơn: “Đảo Hoàng Sa ở phía đông cù lao Ré. Từ bờ biển Sa Kỳ đi thuyền ra, thuận gió thì độ 3, 4 ngày đêm có thể đến nơi. Trên đảo quần tụ nhiều núi, có đến 130 đảo nhỏ cách nhau hoặc một ngày đường, hoặc mấy trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là bãi “Vạn Lý Trường Sa”, trên đảo có nguồn nước ngọt chảy ra, chim biển quần tụ”.
Dưới triều Nguyễn, các hoạt động khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa được thực thi liên tục. Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ” thể hiện rõ điều này. Sách có 5 mặt khắc kể việc vua nhà Nguyễn sai các đội thủy quân ra khảo sát, xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa, cụ thể: “Lấy cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự của biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch làm đội Hoàng Sa” (mặt khắc 2, quyển 22, đời vua Gia Long, năm 1802). Năm 1815, vua Gia Long tiếp tục “sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò, đo đạc thủy trình” (mặt khắc 6, quyển 50); “dựng đền thờ thần ở đảo Hoàng Sa-Quảng Ngãi” (mặt khắc 4, quyển 154).
Cũng theo sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, năm 1836, vua Minh Mạng chuẩn y lời tâu của các quan trong triều đình, cho đội thủy quân Phạm Hữu Nhật ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền: “Mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, chọn phái biền binh thủy quân và giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, hòn đảo, bãi cát nào, khi thuyền đi đến đâu cũng xem xét xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, khác dị thế nào, phải tường tận đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến nơi ấy, căn cứ vào thuyền đi, ước tính bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ biển, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, ước chừng cách bờ bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ sự thay đổi, đem về dâng trình. Vua chuẩn y lời tâu, sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi. Chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi, mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, mặt bài khắc chữ “Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom, đo đạc, đến đây lưu dấu ghi nhớ” (mặt khắc 25, quyển 165). Có thể thấy, với nội dung này, từ thời vua Minh Mạng, những cột mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đã được cắm trên các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa./.
Vũ Đình Đông (Báo QĐND)
Nguồn: tuyengiao.vn
Video
Thống kê truy cập
Đang online45
Tất cả3089673