Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam là sự tôn vinh của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990)1. Hồ Chí Minh luôn thể hiện nhất quán tư tưởng, đạo đức và nhân cách văn hóa trong sự nghiệp vĩ đại của mình.
1. Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc
Công lao to lớn đầu tiên của Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam là người đã tìm thấy con đường cứu nước, khai phá con đường giải phóng cho dân tộc ta. Với nguyện vọng thiết tha là làm thế nào để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, Hồ Chí Minh đã tham gia hoạt động đấu tranh trong phong trào giải phóng của các dân tộc bị áp bức cũng như tham gia phong trào của giai cấp công nhân ở các nước tư bản, đi qua nhiều nước trên thế giới ở châu Phi, châu Âu, châu Mỹ. Trên con đường buôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã gặp được Luận cương của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa làm Người sung sướng đến chừng nào vì đã tìm thấy "đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta"2. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận ra con đường cứu nước duy nhất, đúng đắn nhất là con đường cách mạng vô sản. Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới có thể triệt để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Con đường cứu nước mà Hồ Chí Minh đã tìm ra là một sáng tạo vĩ đại, một cống hiến có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Con đường cách mạng của Việt Nam là con đường: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện được mục tiêu của cách mạng, Hồ Chí Minh rất coi trọng việc thành lập, xây dựng Đảng cách mạng, bởi lẽ: "Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin"3.
Hồ Chí Minh là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930, đồng thời Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì đoàn kết là sức mạnh.
"Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công"4.
Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời của chiến sĩ cộng sản trọn đời vì nước vì dân, là biểu tượng khí phách anh hùng, ý chí độc lập, tự cường, sáng tạo và quyết thắng không chịu khuất phục.
Sau ba mươi năm hoạt động sôi nổi tìm đường cứu nước và theo dõi tình hình trong nước một cách sâu sát, Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh của nhân dân ta nhằm lật đổ sự thống trị thực dân đế quốc, phong kiến, giành lại độc lập cho dân tộc, tự do, dân chủ cho nhân dân.
Ngày 8-2-1941, Nguyễn Ái Quốc về nước và sau đó, Người đã khẩn trương chuẩn bị Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhằm xác định nhiệm vụ trước mắt của nhân dân. Căn cứ vào hoàn cảnh lúc bấy giờ, Hội nghị Trung ương lần thứ tám đã xác định: "Cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng"5.
Đây là một sự chuyển hướng chiến lược hết sức sáng suốt của Đảng ta nhằm tập hợp mọi lực lượng có thể tập hợp được vào Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi để đánh đổ Nhật, Pháp và bè lũ tay sai, giành cho được độc lập dân tộc, tạm gác nhiệm vụ điền địa. Vì trong giai đoạn hiện tại ai cũng biết rằng nếu không đánh đuổi được Pháp - Nhật thì vận mạng của dân tộc phải chịu kiếp trâu ngựa muôn đời mà vấn đề ruộng đất cũng không làm sao giải quyết được.
Sau Hội nghị Trung ương lần thứ tám, Nguyễn Ái Quốc viết thư kêu gọi đồng bào cả nước: "Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng... Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dẫu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề"6.
Để xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc, ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) được thành lập. Chương trình cứu nước của Việt Minh lập tức dược đồng bào đông đảo nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Dưới ngọn cờ cứu nước của Việt Minh, phong trào cách mạng phát triển hết sức nhanh chóng vì đáp ứng được nguyện vọng thiết tha nhất của nhân dân là phải đánh đuổi Nhật - Pháp giành cho được độc lập dân tộc.
Cùng với việc xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng thông qua phong trào Việt Minh, Đảng ta đã chú ý xây dựng lực lượng vũ trang. Tại các nơi có phong trào đã tổ chức ra các đội tự vệ chiến đấu.
Hội nghị Trung ương lần thứ tám đã quyết định xây dựng căn cứ địa cách mạng, xây dựng căn cứ địa vũ trang trước hết là căn cứ địa Cao Bằng và căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, tạo ra căn cứ địa Việt Bắc vững chắc làm chỗ dựa cho cách mạng cả nước, tạo điều kiện cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi.
Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Với cách xây dựng lực lượng vũ trang từ du kích, bán vũ trang đã ra đời ở nhiều nơi dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, đặc biệt là ở các chiến khu cách mạng. Đội du kích Ba Tơ ra đời từ cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là lực lượng tiêu biểu của Trung Bộ. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) nhiều đội tự vệ ra đời ở hầu hết khắp các thôn xóm.
Cao trào kháng Nhật cứu nước là thời kỳ tiền khởi nghĩa - thời kỳ chuẩn bị khẩn trương về nhiều mặt cho tổng khởi nghĩa Tháng Tám.
Ngày 13-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Tình hình vô cùng khẩn cấp, cơ hội cho nhân dân ta giành độc lập đã tới. Nhờ có sự trù liệu trước nên ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật.
Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập. Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa truyền di như hồi kèn xung trận. Giờ tổng khởi nghĩa đã đến!
Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào (16-8-1945). Đại hội tán thành chủ trương phát động tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, cử ra Ủy ban lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào: "Giờ quyết định cho vận mệnh của dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".
Trong không khí sôi sục cách mạng, toàn dân Việt Nam triệu người như một đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành lấy chính quyền làm chủ vận mệnh đất nước. Sáng ngày 19-8-1945, với khí thế cách mạng sục sôi, cả Hà Nội vùng dậy nhanh chóng giành được chính quyền.
Ở Huế ngày 23-8-1945, rồi ở Sài Gòn ngày 25-8-1945, cuộc khởi nghĩa đã thành công. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Cách mạng Tháng Tám đã thành công trong cả nước, chính quyền hoàn toàn về tay nhân dân.
Ngày 2-9-1945, tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy"7.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta đã đoàn kết một lòng ra sức: "Chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm". Chiến công nối tiếp chiến công, thắng lợi nối tiếp thắng lợi, vượt qua muôn trùng gian khổ hy sinh, nhân dân ta đã giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành được độc lập, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Quan điểm nổi tiếng của Hồ Chí Minh về độc lập, tự do đã trở thành động lực cách mạng có sức lôi cuốn toàn thể dân tộc "đánh thắng hai đế quốc to" đồng thời xây dựng xã hội mới, con người mới và văn hóa mới trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào cách mạng thế giới.
Tư tưởng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh đã trở thành đường lối chính trị của chiến tranh giải phóng dân tộc; hơn thế, còn trở thành phương pháp, nguyên tắc, biện pháp hành động và nghệ thuật tổ chức thực hiện bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng trên cơ sở thống nhất tư tưởng bạo lực cách mạng với tư tưởng nhân văn, nhân đạo và hòa bình.
Hồ Chí Minh là bậc thầy về chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam. Nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: Hồ Chí Minh "dạy chúng ta mỗi khi tình hình đổi mới, điều kiện mới của cuộc vận động cách mạng đã nảy sinh, hàng ngũ bạn đồng minh của cách mạng đã có chỗ biến hóa thì phải lập tức xem xét lại chủ trương chính sách và khẩu hiệu cách mạng. Căn cứ vào tình hình mới mà định phương châm, chiến lược, sách lược, không nên bám lấy những khuôn khổ cũ kỹ và lỗi thời"8.
Hồ Chí Minh nhìn thấy "xã hội, con người luôn luôn đổi mới". Vì thế, Người coi việc phát triển đất nước sau giải phóng dân tộc "là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên nhân dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân"9.
Sự nghiệp của Hồ Chí Minh và toàn thể dân tộc Việt Nam, theo đánh giá của UNESCO, là đã "để lại dấu ấn" và "góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của nhân loại". Lịch sử ghi nhận dân tộc Việt Nam thuộc vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc để xây dựng một chế độ mới, xã hội xã hội chủ nghĩa. Đối với Hồ Chí Minh, sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam là không tách rời sự nghiệp đấu tranh của các dân tộc trên thế giới. Thực tế đã chứng tỏ Hồ Chí Minh là một chiến sĩ quốc tế mẫu mực, thủy chung, trong sáng. Viện sĩ V.M.Xônxép (Nga) xác nhận rằng: "Năm tháng sẽ qua đi, nhưng nhân loại tiến bộ sẽ nhớ mãi tên tuổi và sựnghiệp của Hồ Chí Minh"9.
Sự nghiệp và cống hiến của Hồ Chí Minh, sở dĩ được UNESCO tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, vì Người "là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội".
Nhà sử học Mỹ, William J.Duiker, sau khi nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh đã kết luận: "Ông Hồ Chí Minh là một người tạo ra thời thế... Ông đã kết hợp được trong bản thân mình hai trong số các lực lượng thông tin của lịch sử Việt Nam hiện đại: khát vọng độc lập dân tộc và hoài bão về công bằng xã hội... cho nên ông có khả năng truyền đạt thông điệp của mình đến khắp các dân tộc thuộc địa trên thế giới, đáp ứng yêu cầu của họ về một cuộc sống danh dự và tự do, thoát khỏi ách áp bức của chủ nghĩa đế quốc... bất kể lời phán xét thế nào đối với di sản của ông để lại cho dân tộc mình. Hồ Chí Minh vẫn có vị trí trên tượng đài của các vị anh hùng cách mạng đã chiến đấu ngoan cường cho những người cùng khổ trên thế giới, giúp họ nói lên được tiếng nói đích thực của mình"10.
Tại cuộc Hội thảo quốc tế Việt Nam trong thế kỷ XX tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch danh dự Hội đồng Hòa bình thế giới, ngài Romesh Chandra nói: "Trong nửa sau thế kỷ XX, có một từ đã xuất hiện trong tiếng nói của những người bảo vệ và kiến tạo hòa bình trên thế giới, một từ mà cùng một lúc mang rất nhiều ý nghĩa: dũng cảm, anh hùng và nó còn có y nghĩa là chiến thắng, độc lập, tự do.
Từ đó là Việt Nam. Và có một cái tên đã luôn gắn liền với từ này - từ chỉ tên một đất nước. Đó là Hồ Chí Minh. Người là niềm cảm hứng cho cuộc đấu tranh bất khuất của dân tộc mình, và cũng là nguồn cảm hứng cho tất cả các dân tộc đang đấu tranh cho những điều tốt đẹp nhất của nhân loại"11.
2. Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất
Sự nghiệp, cống hiến của Hồ Chí Minh, xét về bản chất là sự nghiệp văn hóa, vì sự nghiệp và cống hiến lớn nhất của Người là để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và con người nhằm bảo vệ, phát triển những giá trị văn hóa nhằm phục vụ những lợi ích chân chính của con người.
Ở Hồ Chí Minh, tư tưởng và tấm gương sáng của nhà văn hóa kiệt xuất được thể hiện trước tiên trong sự nghiệp và cống hiến của Người với tư cách là anh hùng giải phóng dân tộc, đồng thời còn được thể hiện ở tấm gương sáng, tư tưởng văn hóa và nhà hoạt động sáng tạo văn hóa lớn.
Tấm gương sáng thể hiện ở nhân cách văn hóa. Đó là tổng hòa các quan hệ xã hội văn hóa thông qua phẩm chất cá nhân. Là cái xã hội trong cái cá nhân, nhân cách văn hóa được hình thành thông qua tu dưỡng và thực hành phẩm chất cá nhân trong thực tế. Trong công trình Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu những phẩm chất sau đây của nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh12:
- Hồ Chí Minh là người sống có hoài bão, có lý tưởng yêu nước, thương dân sâu sắc, nhất là đối với những người cùng khổ bị áp bức, bóc lột, có bản lãnh kiên định, có khí tiết kiên cường trong đấu tranh thực hiện mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn.
- Hồ Chí Minh là người đặc biệt thông minh, sắc sảo, nhạy bén với cái mới, ham học hỏi, có tư duy độc lập sáng tạo.
- Hồ Chí Minh là người có lòng tin mãnh liệt ở nhân dân; có ý chí, nghị lực phi thường và đầu óc thực tế, nói đi đôi với làm;
- Hồ Chí Minh là người mẫu mực về đạo đức cách mạng; tác phong bình dị, chân tình, khiêm tốn, có sức cảm hóa lớn đối với mọi người;
- Hồ Chí Minh là bậc đại nhân, đại trí, đại dũng.
Đó là những phẩm chất nổi bật trong nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh. Phẩm chất nói riêng và nhân cách văn hóa nói chung ở Hồ Chí Minh là kết quả tổng hợp các nguồn lực văn hóa Đông, Tây; một tư cách nhuần nhuyễn trên nền móng truyền thống văn hóa Việt Nam. Có thể gọi trình độ đó tích hợp đa văn hóa, sự tích hợp đa văn hóa Đông, Tây, là tổng hợp nhuần nhuyễn giữa cách thức tư duy, trí tuệ, tình cảm và hành động đến mức giản dị, khiêm tốn phi thường. Đúng như nhà lãnh đạo ngoại giao - nhà thơ Xuân Thủy đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh có hai câu:
Một con người gồm kim cổ Tây Đông
Giàu quốc tế đậm Việt Nam từng nét.
Giản dị và khiêm tốn là biểu hiện của kết quả tổng hợp - tích hợp đa văn hóa trên cơ sở và thông qua các phẩm chất kiệt xuất của Hồ Chí Minh. Tổng thống Cộng hòa Chilê X.Agienđê đã khái quát: "Nếu như muốn tìm một sự tiêu biểu cho tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là đức tính vô cùng giản dị và sự khiêm tốn phi thường; Giản dị và khiêm tốn là thuộc tính hàng đầu của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, kể cả khi Người là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước có uy tín rất cao, có sức hấp dẫn rất lớn.
Một thuộc tính cơ bản nữa ở nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh là giữ vững chữ tín trong nhân cách văn hóa. Chữ tín lớn nhất ở Hồ Chí Minh là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc cho nhân dân. Chữ tín then chốt ở Hồ Chí Minh là chữ tín với lý tưởng, mục tiêu hoạt động và nguyên tắc xây dựng Đảng. Chữ tín cơ bản ở Hồ Chí Minh là giữ vững lời hứa, nói là làm, dù chỉ là những điều nhỏ nhất trong quan hệ giữa con người với con người. Suốt đời Người tâm niệm với chữ tín đó: "Như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận"15. Giữ chữ tín là yêu cầu chung và kết quả chung của việc kế thừa các giá trị Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín trong truyền thống văn hóa Việt Nam.
Để giữ chữ tín, Hồ Chí Minh xác định "đối với tự mình" phải "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", phải thường xuyên khắc phục những cái xấu trong mình ta và không tầm thường với cả những điều nhỏ nhặt trong sinh hoạt thường nhật. Hồ Chí Minh giữ chữ tín bằng lối sống giản dị, khiêm tốn và bằng phương thức dân chủ, trước hết là tự phê bình và phê bình với cái tâm trong sáng và trí tuệ tỉnh táo, để xác lập niềm tin giữa con người với con người và để xác lập niềm tin đối với nhân dân. Nhờ vậy mới có thể đem "tài dân, sức dân, của dân, làm cho dân" với tính cách là phương châm hành động nhất quán của Người.
Người quan niệm xã hội con người đều đổi mới, không đổi mới là lạc hậu. Đổi mới là thể hiện sự sáng tạo, là kết quả của sự sáng tạo. Song đổi mới, sáng tạo phải dựa vào chữ tín và giữ vững chữ tín với cái tâm trong sáng và trí tuệ tỉnh táo. Giữ vững chữ tín theo tư tưởng Hồ Chí Minh là kiên định thực hiện lý tưởng, mục tiêu hoạt động của Đảng: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Giữ vững chữ tín là thực hành “tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"l6 trong đó có cả tấm gương tư tưởng, đạo đức... nhân cách văn hóa và quan trọng nhất là tấm gương thực hành. Giữ vững niềm tin và mối quan hệ mật thiết với nhân dân: là không ngừng học hỏi dân, không ngừng tự đổi mới để nâng mình, đồng thời nâng tầm mỗi người và mọi người, nhằm khơi dậy tiềm năng văn hóa và định hướng cho sự hình thành một nền văn hóa mới của Việt Nam.
Một thuộc tính nổi trội nữa ở nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh là khoan dung văn hóa17. Người trân trọng "tính cách riêng", "sở trường riêng", "đời sống riêng" cửa mỗi người. Người trân trọng mọi giá trị văn hóa dân tộc, nhân loại và chấp hành những giá trị văn hóa riêng, khác biệt của mỗi dân tộc. Hồ Chí Minh từng thừa nhận mình là học trò của Mác, Giêsu, Không Tử, Tôn Dật Tiên, vì "Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết"18. Người tôn trọng đức tin của các tôn gián khác nhau; khẳng định lý tưởng cao đẹp và những giá trị nhân bản của các vị đã xác lập ra các tôn giáo đó. Người thành thật hướng lý tưởng tôn giáo vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Người thể hiện nhất quán tư tưởng đối thoại, hòa bình với thái độ hiểu biết và nhân nhượng lẫn nhau. Người là biểu tượng và khát vọng về một nền văn hóa hòa bình Việt Nam.
Với những phẩm chất và thuộc tính cơ bản nổi trội đó, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh được mọi người dân thuộc các ngành, các giới kính yêu với tư cách "là cha, là bác, là anh " (Tố Hữu); là lãnh tụ nhưng là một tấm gương sáng để mỗi người dân bình thường cũng có thể noi theo một cách tự nhiên, nhằm xây dựng "đời sống mới" cho bản thân, tập thể và đất nước.
Với những phẩm chất và thuộc tính cơ bản nổi trội ấy, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh đã cảm hóa và nâng tầm mỗi người, mọi người rũ bùn đứng dậy sáng lòa (Nguyễn Đình Thi). Để giải phóng dân tộc nhằm xây dựng xã hội mới, con người mới và nền văn hóa trên cơ sở coi "văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn"19.
Hồ Chí Minh quan niệm những biểu hiện "của văn hóa dân tộc gồm: "ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng". Người quan niệm, văn hóa không chỉ là một lĩnh vực riêng lẻ của đời sống xã hội mà tương đồng với đời sống xã hội, song không bao trùm lên trên hay bao quát từ bên ngoài, mà thấm vào trong "mọi phương thức sinh hoạt cùng với những biểu hiện của nó".
Chính vì thế, Hồ Chí Minh khẳng định "Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết". Trong kháng chiến chống Pháp, Người đề xuất phương châm: "kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến". Trong xây dựng hòa bình, Người xác định có 4 vấn đề cần phải chú ý đến và coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.
Hồ Chí Minh yêu cầu xây dựng nền văn hóa mới phải kết hợp hài hòa, đúng đắn truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, nhằm xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam. Chủ trương của Người là phải chú ý nghiên cứu toàn diện văn hóa của dân tộc khác để có thể tiếp thu nhiều hơn cho văn hóa của mình. Mặt khác, giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc chính là góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa thế giới.
Cần lưu ý rằng, trong việc giữ vững phát huy bản sắc văn hóa dân tộc - theo Người - phải "tránh phục cổ một cách máy móc" tôn trọng tiếng nói, phong tục tập quán văn hóa của các dân tộc thiểu số và tăng cường sự giao lưu, bồi bổ lẫn nhau giữa các dân tộc, để làm cho nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam phong phú, đa dạng "làm cho vườn hoa văn hóa dân tộc ngàn sắc muôn hương". Và cũng cần lưu ý rằng, trong hội nhập quốc tế ta phải "giữ cốt cách dân tộc", còn phương Đông hay phương Tây có cái gì hay, cái gì tốt phải học tập lấy để tạo nền văn hóa nay, trau dồi văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ.
Để xây dựng nền văn hóa mới, theo Hồ Chí Minh, cần xác định tầm quan trọng trước tiên của chủ thể văn hóa hay "con người xã hội chủ nghĩa". Thật vậy, khi xác định năm điểm lớn trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, Người coi xây dựng tâm lý, luân lý có tầm quan trọng như xây dựng phúc lợi của nhân dân, xây dựng quyền (xây dựng chính trị) và xác định kinh tế. Người nói rõ: Xây dựng tâm lý là xây dựng luân lý cách, tinh thần độc lập tự cường; xây dựng luân lý là biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. Đó là "cái gốc" của con người mới xã hội chủ nghĩa với tư cách là chủ thể xây dựng nền văn hóa mới.
Với tư tưởng đó, Hồ Chí Minh đã khơi dậy và phát huy lương tri con người với tính cách là sự tổng hòa của nhận thức triết học, của tâm lý và luân lý làm người. Từ đó đã kiến thiết được mối giao hòa giữa lương tri con người, lương tri dân tộc và lương tri thời đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới. Noi theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người đã xuất hiện những tấm gương người tốt, việc tốt, tấm gương điển hình, đại diện cho "đời sống mới", "nền văn hóa mới".
Bằng tư tưởng và tấm gương sáng, Hồ Chí Minh đã khơi dậy tiềm năng truyền thống văn hóa Việt Nam, định hướng cho sự ra đời một nền văn hóa mới. Người nhận ra được vai trò soi đường và sức mạnh động lực, điều tiết của văn hoá; sớm đưa văn hóa vào chiến lược giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ mới như xóa mù chữ, trồng cây, trồng người, bảo vệ môi trường sinh thái... Ngày nay, những chủ trương này được Liên hợp quốc đề xuất thành các cuộc vận động lớn trên toàn thế giới. Hồ Chí Minh rõ ràng đã thúc đẩy, nâng dân tộc lên một tầm văn hóa mới. Bản thân Người tiêu biểu cho tầm cao trí tuệ, văn hóa dân tộc và thời đại.
Người làm chủ được nhiều ngôn ngữ khác nhau trong viết văn, viết báo, làm thơ, luận bàn chính trị và văn hóa... Người là nhà thơ, nhà văn, nhà báo cách mạng vĩ đại. Những bài "thơ đuổi giặc" không vắng bóng con người; những thành tựu văn chương đặt nền móng cho nền văn xuôi hiện thực mới; những bài báo ngắn gọn, súc tích góp phần thức tỉnh dân tộc, phản ánh sức sáng tạo văn chương, nghệ thuật ở người.
Nghị quyết của UNESCO đánh giá: "Sự đóng góp về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho sư hiểu biết lẫn nhau"20.
Hồ Chí Minh là một vĩ nhân của lịch sử Việt Nam và thế giới, con người tiêu biểu của văn hóa dân tộc và nhân loại trong thời đại mới: "Tôi đã hình dung ra được một rất cách cụ thể... dân tộc An Nam đáng yêu, một dân tộc rất lịch thiệp và độ lượng, rất ghét những gì thái quá. Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị... Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới"2l. "Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai"22.
Hơn 80 năm đã trôi qua, ngày càng chứng minh rõ cái nhìn nhạy bén và nhận xét tài tình của nhà báo Xô viết.
Chúng ta ngày càng thấy Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa kiệt xuất, không chỉ kết tinh những thành tựu của quá khứ, không chỉ thể hiện đỉnh cao của trí tuệ và tâm hồn thời đại mà còn báo hiệu qua chính bản thân mình những phẩm chất tiêu biểu cho nền văn hóa ngày mai - Nghị quyết 24C/18.65 của Đại hội đồng UNESCO về kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đang online | 70 | |
Tất cả | 2876917 |