Đồng chí Nguyễn Văn Cừ, sinh ngày 9-7-1912 trong một gia đình trí thức yêu nước ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sớm trưởng thành trong phong trào yêu nước quật cường của nhân dân ta đầu thế kỷ XX, đồng chí trở thành người có tuổi đời trẻ nhất khi giữ trọng trách Tổng Bí thư của Đảng - một nhà lãnh đạo tài năng, kiên định và sáng tạo, đã hiến trọn đời mình cho độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân.
1. Nhà tổ chức tài năng
Năm 1928, mới 16 tuổi, Nguyễn Văn Cừ đã sớm giác ngộ và trở thành hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập. Với nhiệt huyết cách mạng của tuổi trẻ, thông qua phong trào "vô sản hoá", đồng chí đã trưởng thành nhanh chóng trong phong trào của giai cấp công nhân Việt Nam ở vùng mỏ Quảng Ninh. Năm 1929, ở tuổi 17, đồng chí đã trở thành người trực tiếp chỉ đạo phong trào công nhân ở vùng mỏ lớn nhất đất nước. Tháng 6-1929, khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, đồng chí là một trong những đảng viên đầu tiên thành lập chi bộ của Đảng ở mỏ Vàng Danh. Đầu năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, trên cương vị là Bí thư Đặc uỷ khu mỏ, Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo việc thành lập các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở vùng mỏ, đưa phong trào công nhân nơi đây phát triển mạnh mẽ nhất cả nước.
Tháng 2-1931, Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt. Sau hơn 5 năm (2-1931 đến 9-1936), bị giam cầm ở ngục tù Hồng Gai, Hỏa Lò và Côn Đảo, nhờ kết quả đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, đồng chí được trả tự do trở về và lại lao ngay vào hoạt động cách mạng. Cùng các đồng chí Lương Khánh Thiện, Tô Hiệu, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, đồng chí tập trung vào việc khôi phục cơ sở Đảng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng và đã thành công trong việc thành lập lại Xứ uỷ Bắc Kỳ. Tài năng tổ chức và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của đồng chí đã góp phần củng cố công tác tổ chức của Đảng và đưa các hoạt động của Đảng theo kịp sự phát triển của phong trào cách mạng, sửa chữa những khuyết điểm trong phương pháp tổ chức và lề lối làm việc của thời kỳ hoạt động bí mật cho phù hợp với tình hình mới, đồng thời chống lại tư tưởng cô độc, hẹp hòi trong công tác của đảng viên.
Với phẩm chất, trí tuệ và tài năng tổ chức và chỉ đạo thực tiễn của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (họp từ ngày 25-8 đến 4-9-1937), đồng chí được bầu là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương và được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Chỉ hơn sáu tháng sau, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (3-1938), đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. 26 tuổi, Nguyễn Văn Cừ là một người có độ tuổi trẻ nhất trong lịch sử Đảng ta được giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng.
2. Trí tuệ sáng tạo
Không phải ngẫu nhiên và càng không phải do khó khăn lúc bấy giờ của Đảng về cán bộ mà Hội nghị Trung ương tháng 3-1938 đã trao trách nhiệm là Tổng Bí thư cho đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Bởi bên cạnh sự kiên trung cách mạng cùng với tài năng tổ chức và chỉ đạo hoạt động thực tiễn, đồng chí đã tỏ rõ năng lực của một trí tuệ sáng tạo, thể hiện việc đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định những vấn đề trọng yếu sau đây:
Một là, hoạch định những chủ trương, chính sách mới đúng đắn đưa phong trào cách mạng tiến lên, khắc phục được những nhược điểm của cách mạng nước ta trước sự vận động nhanh chóng của tình hình trong nước và quốc tế.
Hai là, quyết định việc thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương (một hình thức mặt trận thích hợp thay thế cho Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương trước đó).
Ba là, chủ trương đấu tranh chống khuynh hướng "tả" với việc đưa ra những khẩu hiệu quá cao và đề phòng khuynh hướng "hữu" khi không chú trọng phong trào của quần chúng công nông.
Bốn là, quyết định những chủ trương cụ thể về vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ và các tầng lớp khác làm cho phong trào cách mạng phát triển cả về bề rộng và bề sâu.
Năm là, xác định những biện pháp nhằm củng cố, phát triển đều khắp tổ chức đảng ở cơ sở, củng cố cơ quan lãnh đạo các cấp, giải quyết một cách đúng đắn các phương thức hoạt động và mối quan hệ của các hình thức hoạt động bí mật và công khai của Đảng ở thời kỳ này.
Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh: để mở rộng, củng cố Mặt trận Dân chủ Đông Dương và chủ trương, chính sách của Đảng được thực hiện, cần phải triệt để chống bọn trốtkít, đi sâu vào quần chúng để vạch mặt bọn chống Đảng bằng những lời nói cực tả.
Ngay sau Hội nghị Trung ương, đồng chí đã xúc tiến ngay việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm của Đảng lúc này là thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Việc xuất bản báo Tin tức (ở Hà Nội) và Dân chúng (ở Sài Gòn) cũng như chủ trương tham gia đấu tranh nghị trường, dưới sự chỉ đạo chung của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đã góp phần quan trọng trong việc giác ngộ chính trị, giáo dục đảng viên, tập hợp lực lượng quần chúng trong Mặt trận dân chủ, tiến hành có hiệu quả nhiệm vụ chống lại bọn trốtkít và khắc phục tình trạng bất đồng ý kiến khi đó xuất hiện trong Đảng. Chính đồng chí đã trực tiếp tham gia vào cuộc bút chiến phê phán những sai lầm "tả" khuynh về quan điểm chính trị, sai lầm về nguyên tắc tổ chức, về phê bình và tự phê bình, về đoàn kết trong Đảng, đồng thời xác định rõ những vấn đề chiến lược, sách lược của Đảng. Những bài báo và đặc biệt là tác phẩm Tự chỉ trích do Nguyễn Văn Cừ viết (tháng 7 - 1939) thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và vận dụng nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lênin và những vấn đề chiến lược và chỉ đạo chiến lược trong phong trào cách mạng, là một tác phẩm tổng kết thực tiễn sâu sắc, đóng góp quý báu vào kho tàng lý luận của Đảng ta.
Điều cần nhấn mạnh là, đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào nội dung Nghị quyết của Hội nghị Trung ương tháng 3 - 1938 và những vấn đề nêu ra trong tác phẩm Tự chỉ trích hoàn toàn sát đúng với nội dungtrong chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi cho Đảng vào cuối tháng 7 - 1939 (Những chỉ thị mà tôi còn nhớ), cùng thời điểm ra đời của cuốn Tự chỉ trích, thể hiện tầm trí tuệ và sự sáng tạo của đồng chí Nguyễn Văn Cừ.
Tháng 6 - 1939, nắm bắt được sự vận động của tình hình quốc tế và trong nước, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết: "Người cộng sản chẳng bao giờ hô hào những chuyện cao xa viển vông cho sướng miệng, nhưng căn cứ vào sự thực, đồng thời nắm lấy sự đi tới (le dvenir) của sự vật, hiểu thấu luật tiến hóa của xã hội... (để) khi tình thế thay đổi thì chính sách sẽ thay đổi"(1).
Chính vì vậy, khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (ngày 1 - 9 - 1939), chỉ tám ngày sau, với nhãn quan chính trị nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã khẩn trương chuẩn bị cho Đảng về đường lối và phương pháp cách mạng phù hợp với tình hình mới. Từ Hội nghị Xứ uỷ Bắc Kỳ (ngày 8 - 9 - 1939), do đồng chí chủ trì, đến quyết định tổ chức Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương (ngày 6, 7, 8 - 11 - 1939), hai tháng sau Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đồng chí cùng Ban Chấp hành Trung ương đã nhanh chóng quyết định chuyển hướng đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng.
Sau khi phân tích tình hình, Hội nghị Trung ương tháng 11- 1939 đã xác định mục tiêu trước mắt của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương. Cuộc cách mạng giải phóng các dân tộc Đông Dương vẫn phải bao gồm hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến - đây là hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ (tức cách mạng tư sản dân quyền) do giai cấp công nhân lãnh đạo: "Cách mệnh phản đế và điền địa là hai cái mấu chốt của cách mệnh tư sản dân quyền. Không giải quyết được cách mệnh điền địa thì không giải quyết được cách mệnh phản đế. Trái lại, không giải quyết được cách mệnh phản đế thì không giải quyết được cách mệnh điền địa - cái nguyên tắc chính ấy không bao giờ thay đổi được, nhưng nó phải ứng dụng một cách khôn khéo thế nào để thực hiện được nhiệm vụ chính cốt của cách mệnh là đánh đổ đế quốc"(2).
Điều đó cho thấy Đảng phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp trong tình hình mới. Để tập trung lực lượng đánh đổ đế quốc, Nguyễn Văn Cừ cùng Ban Chấp hành Trung ương chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc, chống tô cao, chống nặng lãi và tạm gác khẩu hiệu lập chính quyền xôviết công nông binh, thay bằng thành lập chính quyền dân chủ cộng hòa... Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ, lấy công nông làm nòng cốt và do giai cấp công nhân lãnh đạo. Đồng thời quyết định thay đổi phương pháp cách mạng, hướng vào "dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mệnh giải phóng dân tộc"(3), chuyển từ thời kỳ đấu tranh cho dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ đế quốc và tay sai, từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và khởi nghĩa vũ trang.
Như vậy, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Hội nghị Trung ương tháng 11 - 1939 đã ra Nghị quyết, đặt cơ sở giải quyết những vấn đề cực kỳ quan trọng trongthay đổi chiến lược cách mạng, bước đầu giải quyết thành công mối quan hệ giữa dân tộc - giai cấp, vấn đề Mặt trận và phương pháp cách mạng hoàn toàn phù hợp với sự chuyển biến của tình hình.
Quyết định trên đây đã được Hội nghị Trung ương 7 (11 - 1940) và Hội Nghị Trung ương 8 (5 - 1941), khẳng định là chính xác và đúng đắn, được tiếp tụchoàn chỉnh, đưa tới cao trào giải phóng dân tộc 1941 - 1945 và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Như vậy, chỉ trong 20 tháng, với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc chỉ đạo và thay đổi chiến lược cách mạng của Đảng. Những đóng góp ấy thể hiện trí tuệ sáng tạo với tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Khi đó, đồng chí ở tuổi 27.
3. Phẩm chất chính trị kiên định
Gần 80 năm trước, trong điều kiện hoạt động bí mật, kẻ địch bao vây, truy lùng gắt gao, Nguyễn Văn Cừ đã viết: "Người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi họ hay phỉnh phờ họ"(4). Và dầu cho có sai lầm, có thất bại thì "phải có can đảm mở to mắt ra nhìn sự thật"(5). "Chúng ta không bao giờ có thể đổ hết những nguyên nhân thất bại cho việc quân thù đàn áp và cử tri chưa giác ngộ. Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chính ta gây ra, chính ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm"(6).
Đồng chí cho rằng những người cộng sản "có bổn phận phải phân tích xác thực hoàn cảnh, không bi quan hoảng hốt mà cũng không đắc chí tự mãn, để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi và tiến thủ"(7). Do đó, đồng chí yêu cầu Đảng phải: "Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp” - và theo đồng chí - “như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ"(8). Theo Nguyễn Văn Cừ, đó là sự tự chỉ trích bônsêvích và làm như vậy không phải sợ "nối giáo cho giặc" bởi vì "nếu đóng kín cửa bảo nhau", giữ cái vỏ thống nhất mà bề trong thì hổ lốn một cục đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa; hơn nữa, đó tỏ ra không phải một đảng tiền phong cách mạng, mà là một đảng hoạt đầu cải lương"(9).
Theo những nguyên tắc xây dựng đảng, đồng chí cho rằng: "bao giờ sự chỉ trích cũng là tự chỉ trích bônsêvích, nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chớ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng - dù cho đúng - đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái, chia rẽ trong hàng ngũ Đảng"(10). Và, sự tự chỉ trích và chỉ trích của người cách mệnh phải là để tìm tòi những lầm lỗi của mình, nghiên cứu phương pháp để sửa đổi, để tiến lên và "phải đứng về lợi ích về công cuộc của dân chúng mà chỉ trích những khuyết điểm, những chỗ lừng chừng hoặc hèn nhát để đẩy phong trào phát triển mạnh mẽ rộng rãi hơn"(11). Đồng chí khẳng định "mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận và chỉ trích, nhưng phải có nguyên tắc"(12). Đó chính là những nguyên tắc trọng yếu nhất để xây dựng Đảng vững mạnh mà Nguyễn Văn Cừ đã chỉ ra.
Để không phải bình luận gì thêm về phẩm chất lêninnít trong xây dựng Đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, xin được trích lại một di huấn chính trị của đồng chí đối với Đảng ta, được đồng chí viết trong lời kết của cuốn Tự chỉ trích: "Chúng ta đã phải chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ: xu hướng "tả khuynh", cô độc, nó muốn làm Đảng co bé, rút hẹp bởi biệt phái, cách xa quần chúng, và xu hướng thoả hiệp hữu khuynh, lung lay trước những tình hình nghiêm trọng nhãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền của nghĩa Mác - Lênin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh"(13).
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp kết án tử hình và xử bắn ngày 28 - 8 - 1941 cùng một số đồng chí đảng viên cộng sản khác tại trường bắn Hóc Môn, khi mới 29 tuổi; Tuổi trẻ vàsự sáng tạo, tài năng vàcống hiến to lớn, phẩm chất chính trị kiên cường và đức hy sinh của đồng chí mãi mãi để lại cho các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.
Đang online | 25 | |
Tất cả | 3192560 |